Đường hoa...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi đến với tháng Giêng bắt đầu bằng những ngả đường hoa. Từng giây, từng phút ngoài kia, tháng Giêng đang rực rỡ reo vui với nắng gió. Những ngả đường hoa tháng Giêng cũng vì thế mà chia nắng, chia mây, chia gió, chia khoảng trời xanh có mây trắng, có núi cao, có đất đỏ, chia cả hết thảy những nồng nàn, dịu ngọt, xanh tươi.
Những ngả đường hoa tháng Giêng ngỡ ngàng, ngăn ngắt giữa mùa “hoa tuyết” bên đồi. Bạn của tôi giao ước rằng, mỗi năm sẽ đến Gia Lai ít nhất một lần trong năm. Lần đó sẽ là những ngày tháng Giêng miên man, để được đứng giữa rẫy hoa cà phê bạt ngàn trắng muốt trước khi hoa bắt đầu kết thành trái nhỏ xinh căng mọng. Cùng với tất cả giác quan, ai đó cứ ngỡ đang lạc vào vùng tuyết rơi. Không phải là màu trắng của thác nước tuôn trào, cũng không phải màu của dòng suối mát hiền hòa mà là màu trắng của hoa, cái màu như ngưng đọng, êm êm cả một vùng đồi. Bước đi trong những hàng cà phê dài hay đứng trên cao nhìn ra xa xa mới nhận ra, chẳng phải riêng bạn tôi “say” hoa, mà bất cứ ai lỡ đặt chân đến mảnh đất này rồi thì lòng cứ mãi luyến lưu. Mà kể cũng lạ, mới hôm qua vườn cà phê còn mươn mướt xanh, thế mà chỉ qua một đêm đã trắng cả góc trời. Vậy đó, bấy nhiêu cũng đủ kết nhớ, thôi thúc người phương xa tìm về.
    Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: KIM HƯƠNG
Tôi bâng khuâng nhớ những ngả đường tháng Giêng cỏ đuôi chồn. Trong bầu không khí khô lạnh, hoa lá dường như cũng thu mình. Vậy mà trên con dốc lưng đèo, những bông cỏ đuôi chồn lại bồng bềnh, bập bùng bung nở giữa nền trời mênh mang, thoáng đãng. Hoa thường mọc thành vạt, thành đám. Hoa nở tràn ngập bên bờ vực đèo sâu, triền miên bờ suối, từng khóm ven đường có khi muốt gió tận cùng thung sâu. Bạt ngàn những bông cỏ đuôi chồn dựng đứng, ngả nghiêng trong nắng gió. Thứ hoa bình dị, tím thao thiết khi nở, nhẹ tênh lòng chỉ sau vài ba cơn gió đi qua đùa giỡn ươm ươm nắng. Thứ hoa luôn chọn cho mình cách sống âm thầm, lặng lẽ, không phô trương kiểu cách. Hoa cứ thế bám víu, đùm bọc nhau mà sống. Từ bao la nhìn xuống, hoa cỏ đuôi chồn như một chiếc chăn bông mềm mịn, mơn man da thịt, ôm ấp cả núi đồi. Tôi thường ngắm hoa khi chiều tà, khi mặt trời xuống núi, khi mà không gian biến đổi từ màu vàng nhạt sang màu cam sáng. Hay khi những bó hoa cỏ được đựng trong chiếc gùi theo chân cô gái về làng. Nghe bình yên như mây trắng, nghe xao động khắp đất trời. Từ đỉnh đèo phóng tầm mắt thấy tít tắp dòng sông non nõn ánh bạc. Kia là vạt rẫy, xa nữa là những cánh rừng, tất cả sao yên bình quá đỗi.
Không sắc hương như hoa cà phê hay thướt tha như cỏ đuôi chồn, những ngả đường hoa đỗ mai luôn mang một vẻ đẹp nhẹ nhàng, đầy lãng mạn. Từng cành cây khẳng khiu vươn thẳng lên bầu trời đầy kiêu hãnh, trĩu chùm tựa như những vòng pháo hoa đang bung tỏa, phớt điểm tô thêm sắc màu cho Phố núi mùa xuân. Đi qua những nẻo đường đỗ mai hiện diện, từ len lỏi trong ngõ nhỏ đến thấp thoáng bên hàng rào những ngôi biệt thự, hẳn ai cũng phải dừng xe và lặng lẽ ngắm nhìn đỗ mai nở rộ, rực rỡ. Hoa là bằng hữu, cũng là lời chào ngọt ngào riêng tặng những phượt thủ vi vu khao khát khám phá Gia Lai. 
Tôi đi qua những ngả đường bằng sự dịu dàng trong tin vui ấm áp. Hình như, một làn gió mới vừa ngang qua rồi dừng chân thong dong trên những ngả đường. Có đôi lúc ta quên tháng ngày nếu không nhìn vào cuốn lịch, nhưng lại không thể quên thời gian, nơi chốn khi ngang qua những ngả đường hoa. Và khi đã qua rồi thì đều chung điểm giao thoa, đan dính, lồng ghép vào nhau. Trên những ngả đường đó không phải cố sức gom góp kỷ niệm, chỉ là tôi luôn nhận ra mình có thể đi đi, về về hay qua lại trên những ngả đường đông vui như tuổi trẻ ấy.
Bằng tất cả những rộng dài yêu thương không của riêng tôi...
NGUYỄN THỊ DIỄM

Có thể bạn quan tâm

Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

(GLO)- "Tự khúc" của tác giả Hà Hoài Phương là những chiêm nghiệm rất thực về cuộc đời. Sau cơn mưa trời lại sáng, không có điều gì tồn tại mãi, dù đó có là những niềm vui, hạnh phúc hay khổ đau...
Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...