Cúc vàng bên hiên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Gió thổi qua xóm Đất Bạc se sắt. Đi ngược chiều gió, chiếc nón lá cụ Tam vừa đội lên bị hất ngược ra đằng sau. Bà già mất hàng giờ để chống gậy ra tới ngã ba quốc lộ. 

 



Bông, cô cháu gái cũng mới bước xuống xe đò. Nó liếc nhìn người bà gặp lại cháu sau thời gian dài xa cách bằng đôi mắt lạnh tanh, buông câu hỏi trách móc: “Má có đẻ thêm đứa nào chưa bà?”. “Má Loan con còn điên”, cụ Tam đáp, hơi lạc đề. Bông xốc chiếc ba lô lõng bõng vài bộ quần áo lên vai, lẩm bẩm: “Má có thèm tỉnh đâu”.



Hôm đó, hội phụ nữ đến thăm nhà cụ Tam, con gái cụ - dì Loan, người trong xóm gọi là Loan Mát, quơ lấy giỏ quà từ bà hội trưởng, lôi ra gói mì tôm, bóp nát, ăn sống ngấu nghiến. Người phụ nữ trung niên cười hờ hờ như một đứa trẻ, hở cả thức ăn đang nhai trong miệng. Bông nằm dài trên võng, lao tới giật phắt lấy gói mì trên tay má: “Để nấu chín ăn mới ngon”. Nó đi xuống chái bếp, rút củi nhóm lửa nấu nước pha mì. Khói bếp bốc lên, gió cuộn thổi vào nhà một mùi ngai ngái nhưng ấm nồng. Trước khi về, bà hội trưởng bâng quơ gợi ý: “Chỗ hiên này mà trồng được mấy khóm cúc vàng thì đẹp hết ý”. Bông bĩu môi: “Nhà có ai đâu mà ngắm, ngoại thì già, má thì điên, tui thì mai mốt cũng kiếm chỗ nào đi luôn”. Bông đánh mặt sang hướng khác né tránh giọt nước mắt đặc quánh của bà.

Hồi còn nhỏ, Bông được sống trong sự thừa mứa. Nhưng ba nó mỗi lúc say xỉn lại tìm cách hành hạ hai má con. Bông nhớ những lần má nghiến răng, xoay lưng hứng chịu trận đòn từ ba. Bà không có gì phản kháng khi hai bàn tay cố gắng bịt chặt tai con gái, dù chúng chẳng thể che đi lời lẽ trần trụi, kể cả nguyên do cơn giận dữ.

Sau khi má sảy thai, ba Bông nhận ra mình chỉ còn được sống vài tháng trên cõi đời. Ông chẳng quan tâm vợ mình cũng đau quay quắt, nhiều đêm khóc đến lặng người; ông càng không muốn thừa nhận, vào chiều  hôm đó, nếu không đòi ăn canh chua cá lóc bằng được thì má Bông đâu phải đội mưa đi chợ, để trượt chân té ngã, mất đi đứa con trai mà cả dòng họ ao ước. Đến lúc lâm chung, ông vẫn còn giận vợ.

Dì Loan mang tiếng sát phu, phải hứng chịu lời mỉa mai, cay nghiệt của bà nội, bà cô bên chồng… Bông thấy má rũ rượi, mặt tái dại, ôm con gái vào lòng, gục trên đôi vai nhỏ xíu. Dường như dì chỉ tìm thấy đồng loại duy nhất là nó trong ngôi nhà rộng thênh thang, đầy người. Đến một ngày, từ khóc, bà chuyển sang những trận cười không dứt. Người ta bảo mẹ Bông đã hóa điên.

Vào chiều đầu đông, má con dì Loan tự rời khỏi ngôi nhà to và giàu có nhất xóm. Cụ Tam bỗng trở thành trụ cột chèo chống cho cô con gái cùng đứa cháu nhỏ. Mắt mũi kèm nhèm, có lúc bà già hái nhầm cả cỏ ra chợ ngồi bán. Cụ cũng không còn đủ tinh tường để nhận ra ánh mắt dòm ngó của một vài gã đàn ông chấp chới ngoài cổng rào hờ hững. Một ngày, khi bụng con gái to lên bất thường, cụ sững sờ, chết lặng, chẳng biết trả lời sao khi Bông chạy theo hỏi: “Mai mốt má đẻ mấy trái trứng?”.

Người trong xóm không ai biết tác giả đứa con của dì Loan Mát. Thằng bé đỏ hỏn gây nên cuộc cãi vã kịch liệt giữa bao cặp vợ chồng. Những bà vợ bồn chồn thấy đôi mắt, cái mũi, cái miệng... đứa nhỏ hình như giông giống chồng mình. Họ đâm ra sợ hãi, ghét bỏ một người đàn bà điên không có sức phản kháng. Lòng dạ ghen tuông chẳng thể thông cảm cho bó rau lẫn cỏ của bà cháu cụ Tam nữa. Nếu không phải gánh ngược về những mớ rau ế ẩm, bà cụ hẳn đã quên luôn ánh mắt kỳ thị của người làng. Tâm trí bà quanh quẩn nơi cô con gái điên cùng đứa trẻ khóc ngằn ngặt vì đói. 

Dì Loan Mát càng ngày càng điên nặng, không nhận ra mình vừa có thêm một đứa con trai. Dì cười phá lên, la “nhột! nhột!” khi cụ Tam bế đứa nhỏ cho nó ngậm ti má. Nhiều lúc ở nhà, buồn chán, dì tự vắt sữa lên đàn kiến bò lổm ngổm dưới đất, ngẩn ngơ cười một mình. Đứa trẻ mất sau một trận co giật vì bệnh sài. Vào năm mười bốn tuổi, Bông bỏ đi khi nhận ra má lại có bầu. Nó nhảy lên một chiếc xe đò chất đầy người đang xuôi về thành phố.

Dì Loan ở nhà sinh thêm được một đứa con trai. Lần này, hội phụ nữ khuyên cụ Tam gửi cháu cho cặp vợ chồng hiếm muộn xóm bên nuôi dưỡng và đề nghị cho dì Loan đi triệt sản. Nhìn cô con gái đang ngồi hát ở góc nhà, cụ Tam lặng người nghĩ ngợi, bật ra từ “thôi đành” mà nước mắt chảy dài trên gò má khô quắt chỉ còn lớp da mỏng dính đầy đồi mồi xô đẩy lên nhau.

Bông chật vật mưu sinh ở chợ trời. Nó làm nghề đánh giày, đôi lúc được dạy móc túi, rồi sau xin bưng bê ở quán bún riêu. Ba năm, nó không gửi về cho bà cụ Tam một bức thư. Bông nghĩ sẽ chẳng ai đi tìm mình. Má điên, bà thì dờ dẫm lo cho người điên cùng những đứa cháu vô thừa nhận. Nó chỉ quyết định về quê sau hôm tình cờ gặp người phụ nữ trong xóm đi lấy hàng ở chợ kể: “Bà cụ Tam độ rày già yếu lắm”.

Nhà chỉ có một cái giường, lẽ ra mấy bà cháu mẹ con nằm chung, nhưng Bông nhất quyết nằm ngủ trên chiếc võng rách cáu bẩn. Quen giấc sau mấy năm phải dậy sớm phụ bưng bê ở quán bún riêu, sáng, Bông bật dậy khi trời còn lờ mờ. Dụi mắt, nó thấy má đang vùi đầu vào lòng bà ngoại, ôm chặt cứng thân thể gầy gò, già nua. Thỉnh thoảng má lại giật thót người như nằm mơ điều hãi hùng. Cụ Tam chẳng rõ đang thức hay ngủ, tay vẫn xoa vào lưng con gái, vỗ về. Trong giấc ngủ, một người tưởng chừng vô thức vẫn ám ảnh những nỗi bất an, như má Bông đã đau khổ đến hóa điên mà còn chịu nhiều bi kịch. Bông nhận ra, mình không giận ai, chỉ là nỗi tủi hờn và cuộc sống cô độc ở chợ mấy năm trời  dồn lại, chất chứa, khiến những lời dịu ngọt hóa sát thương.

Một buổi sáng, cụ Tam lúi cúi ở hiên nhà, thấy một mảng xanh mướt dưới chân, hỏi Bông: “Cháu nhìn coi cây gì?”. Bông đang cắt móng tay cho má, nói với ra: “Cúc vàng, cháu ươm tháng trước, mai mốt có hoa”. Cụ Tam cười móm mém: “Ai ngắm mà bây trồng?”. Bông cúi đầu, bật cười, tự xấu hổ khi nhớ đến lần tuyên bố sẽ rời xóm Đất Bạc. Bên hiên nhà, hàng cúc đã vươn cao bắt đầu bật nhánh, lấm tấm nụ. Đó là những cây hoa đầu tiên mọc lên trên khoảnh đất xơ xác, bạc màu.

Theo KHƯƠNG QUỲNH (SGGPO)
 

Có thể bạn quan tâm

Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...