Hương thị Trung thu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có những mùi hương đã đằm sâu trong trí nhớ mỗi dịp Trung thu về. Là hương cốm dẻo thơm mùi nếp mới. Là hương bưởi thanh thanh đung đưa lúc lỉu trong vườn. Là hương ổi thoảng thơm đánh thức cả bầy chim dậy sớm. Những đứa trẻ quê nghèo chân đất đầu trần một thuở như tôi cũng yêu biết mấy hương thị quê nhà… Cái mùi hương dịu nhẹ mà không thể nào giấu được!
Cứ mỗi mùa Trung thu đến cũng là lúc cả cây thị trong vườn nhà lại dậy hương thơm ngát. Từ những chùm hoa trắng muốt đến những chùm quả xanh non, chẳng mấy chốc cả gốc thị vàng ươm màu quả chín, vàng ruộm cả một góc vườn. Để rồi cả ngày, tôi lại được thể kéo tấm cửa phên tre ra vườn đứng dưới gốc thị ngó nghiêng. Có khi mải đắm nhìn những chùm quả trĩu cành, chợt giật mình trước một quả thị chín rục rơi xuống đất. Chỉ một gốc thị chín thôi cũng đủ tỏa hương thơm ngào ngạt khắp vườn.
  Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: KIM HƯƠNG
Còn nhớ dịp Trung thu năm nào, buổi trưa tôi cứ trốn ngủ ra gốc thị soi quả chín. Thế rồi có hôm, mẹ nói thật như đùa, rằng trưa đến, nhất là vào giờ ngọ, ma xuất hiện rất nhiều, sẽ ngửi thấy hương thị thơm mà tới. Thế là tôi sợ mất hồn, buổi trưa chẳng dám bén mảng đến gốc thị nữa, nhưng hương thị thoảng thơm quanh nhà cứ khiến tôi bồi hồi, thấp thỏm không sao ngủ được. Mẹ còn dặn, chớ có cầm thị tới nhà ai nấu rượu gạo mà chơi. Vì cơm rượu gạo khi đang ủ rất kỵ mùi hương của thị, nếu để hương thị lại gần thì sẽ làm hỏng cả mẻ rượu. Chưa hết, lúc nào mẹ cũng nhắc đi nhắc lại rằng, ăn thị không được ngậm hột, vì hột nó rất trơn, dễ chui tọt xuống họng… Mai này lớn lên tôi mới hiểu hơn, ở quê là vậy đấy, chỉ có quả thị thôi mà kiêng kỵ đủ điều.
Nhớ tuổi thơ cắp sách tới trường, vào dịp đầu Trung thu cũng là lúc học sinh náo nức bắt đầu một năm học mới. Bên cạnh sự háo hức vì được gặp lại trường lớp, thầy cô, bạn bè, được kể bao nhiêu chuyện vui dịp nghỉ hè là niềm vui giản dị từ những quả thị thơm. Một quả thị chín giấu trong cặp hay trong túi áo thôi đủ khiến cả lớp nhốn nháo kiếm tìm, lục lọi. Thế rồi khi phát hiện ra, cả bọn cứ giành nhau trái thị hít hà làm cả lớp học rộn vang.
Tết Trung thu còn được gọi với cái tên dân dã: Tết trông trăng. Bởi Trung thu là dịp trăng tròn nhất, sáng nhất và cũng là đẹp nhất, đáng để được trông ngóng, thưởng thức. Tôi nhớ vào những đêm xa lắc ấy, cả nhà thường trải chiếc chiếu cói dưới hiên nhà để ngắm trăng. Với quả thị thơm cứ vân vê trong tay, anh em tôi giành nhau gối đầu lên chân mẹ, rủ rỉ đòi mẹ kể chuyện cổ tích. Và rồi, cứ mỗi lần nghe mẹ kể đến truyện Tấm Cám, mấy anh em lại nghĩ ngay đến cây thị ở góc vườn nhà, lại mơ màng nghĩ đến hình ảnh cô Tấm dịu hiền bước ra từ quả thị.
Quê nghèo dung dị, mâm cỗ Trung thu chỉ là những hoa trái vườn nhà. Bên cạnh bưởi, mận, nhãn, ổi… là những quả thị chín vàng bắt mắt nổi bật trên chiếc mâm đồng. Chỉ chờ lệnh được phá cỗ là lũ trẻ trong xóm đứa nào đứa nấy hùa vào nhanh tay nhanh mắt chọn cho mình thứ quả yêu thích. Có cả những đứa yếu thế chẳng giành được gì hoặc bị xô ngã, giẫm cả vào chân cứ thế đứng mếu máo, nước mắt ngắn dài đến tội… Có được quả thị trong tay, đứa nào đứa nấy lại luôn tay vừa xoay vừa nắn cho đến khi thịt quả mềm và nứt ra một khe nhỏ thì cho lên miệng hút, ăn ngấu nghiến. Quả thị cứ thế một thời đã theo bước chân tôi đi khắp đường làng ngõ xóm, cùng rước đèn ông sao dưới ánh trăng Trung thu chan hòa, trong điệu nói cười vui vẻ.
Lớn lên, lập nghiệp xa quê rồi ở phố. Mỗi dịp Trung thu về lại thấy ngập tràn đủ loại bánh trái, đủ loại đồ chơi bắt mắt. Có khi ngang qua một ngôi chợ hay một gian hàng trái cây nào đó, mắt lại dáo dác kiếm tìm hình ảnh quả thị tuổi thơ năm nào mà sao chẳng thấy. Lòng chợt man mác buồn, nao nao nhớ...
AN VIÊN

Có thể bạn quan tâm

Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...