Mưa Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày đầu tháng 8, mưa xối ào ào, gió quăng quật khiến cây lá đứng khép nép run rẩy. Những chậu hồng tôi trồng trước sân xinh tươi mơn mởn, ngạt ngào hương đưa, vậy mà sớm ra cánh hồng rã rời, lá hoa ủ rũ, tơi tả, nằm lết bết dưới nền rêu xanh ướt át tự bao giờ. Còn chuông gió thì đung đưa đến mỏi nhừ.
Tiếng mưa rả rích cả ngày. Tôi đẩy cánh cửa, hơi lạnh ào ạt đến, len mau qua lớp áo mỏng rồi mơn man làn da. Một cái rùng mình khe khẽ. Tôi sờ vào mớ quần áo đã giăng kín cây phơi 5 ngày, vẫn cứ mát lạnh ở tay.
 Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: KIM HƯƠNG
Trong khi nhiều nơi nắng như hun, như rang thì Pleiku vẫn dịu mát thế này đây. Nhưng mưa hoài cũng làm người ta muộn phiền dữ lắm. Nhà cửa lên mùi ẩm mốc, dây phơi áo quần trẻ con chờ mãi không thơm. Đường sá nhớp nháp. Bàn chân lạnh nhăn. Và mưa làm ướt cả cặp kiếng cận mờ nhòe mỗi khi muốn đi đâu đó.
Vậy mà Pleiku đối với tôi sao vẫn thân thương quá đỗi. Mỗi người sẽ yêu vùng đất của mình theo cách của riêng họ. Tôi yêu Pleiku theo nhiều cách, mà cách nào cũng đậm đà dễ thương. Từ mùi cà phê thơm lừng lẫn trong mưa quyện lại của nhà rang xay cà phê đầu ngõ. Từ tô phở nóng bốc khói hai tô đặc trưng mà khi tôi dẫn bác tôi ở quê vô ăn, bác nói: “70 tuổi, bác ăn tô phở này là tô phở ngon thứ ba của cuộc đời. Một tô ở ngã sáu Hải Phòng, một tô khi làm nhiệm vụ bên Lào, và ở đây, một ngã tư của Pleiku”. Với một con người từng trải qua chiến tranh, lăn lộn khắp nơi, tôi tin bác mình nói thật. Hay vì niềm yêu mãnh liệt với Pleiku mà tôi thấy nó đúng quá đỗi. Tôi yêu những con người khắp nơi đổ về đây sinh sống. Mỗi người một vẻ, cũng bon chen với cuộc sống nhưng những mảng màu văn hóa của Bắc-Trung-Nam trộn lẫn đã làm cho Pleiku như một chiếc ô đầy sắc màu.
Nhiều khi gặp đau đớn, thua thiệt trong cuộc sống, vì những bồng bột tuổi trẻ, tôi định buông tay rời đi, chuyển đến một thành phố khác. Nhưng mẹ tôi khuyên: “Vấp ngã ở đâu thì nên đứng dậy ở đó rồi lớn lên. Mẹ thấy ở đây là sướng nhất, khí hậu ôn hòa, mát mẻ, mọi người xa quê đùm bọc nhau, còn đi đâu nữa…”. Lời mẹ nói dịu dàng, lòng mẹ bao dung như tấm chăn ấm ngày mưa… Ai mà nỡ rời đi cơ chứ.
Trời tối sầm như vậy thì chắc mưa còn lâu, đã giữa mùa mưa thì chớ lại còn bão. Pleiku thì không có bão, vì sau khi vượt đồng bằng lên đến đây thì bão đã mệt mỏi rồi, chỉ còn dai dẳng, ầm ì mưa như ấm ức…
Có lẽ phải đun ấm nước pha tách cà phê nhiều sữa, nhìn mưa lăn dài trên ô cửa kính mà vui. Vì đợi biết khi nào mưa mới thôi nhỏ giọt?
 TẠ NGỌC ĐIỆP

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.