Hồng tỷ muội trong mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi thường bắt đầu một ngày vào lúc sáu giờ sáng. Mùa này, buổi sáng Pleiku thường có những cơn mưa khiến cái lạnh thấm vào từng kẽ chăn. Thế nên chỉ mỗi việc thức dậy cũng chẳng mấy dễ dàng. Nhưng dù sao thì tôi vẫn thật cố gắng vì chẳng muốn để những cánh hồng tỷ muội trước sân nhà phải đợi chờ thật lâu. Có những vẻ đẹp nếu ta không tìm đến vào buổi ban mai thì sẽ đánh mất mãi mãi.
Người bạn thuở thiếu thời biết tôi thích hoa hồng, bèn ươm mấy chậu tỷ muội rồi khệ nệ mang đến và bảo: “Dạo trước mưa quá, hỏng cả mười mấy chậu, tớ gầy lại được từng này, 8 tháng rồi, cậu chăm tiếp nhé”. Từ ấy, tôi tình cờ có được những chậu hoa hồng tỷ muội bên mình. Người ta còn gọi loài này là hồng nhài, ít mọc riêng lẻ, đóa nhỏ nhưng cho hoa thường xuyên, màu sắc lại bền mà chẳng kém phần rực rỡ. Cái dáng vẻ nhỏ nhắn và mùi hương dìu dịu của cánh hoa lay mình trong mưa sớm khiến tôi trở thành một người sống có trách nhiệm, ít nhất là đối với loài hoa mình yêu thích. Dù rằng tưới cây và ngắt đi những chiếc lá héo úa chỉ là những việc hết sức cỏn con.
Ảnh  nguồn internet
Ảnh nguồn internet
Dưới tiết trời lạnh giá, hoa hồng tỷ muội đẹp mong manh, lại thơm một mùi tinh khiết. Những ngày trời bão, gió quấn mưa rít lên tận mái nhà, hoa lá đều xác xơ cả. Tôi thương cánh tỷ muội mòn mỏi trước muôn trùng mưa lạnh, gầy ngấn nước mà vẫn ung dung dâng hiến cái sắc thắm đến si mê cho cuộc đời. Như con người trưởng thành trong giông bão, càng gian khổ càng thản nhiên, bình tâm đến lạ.
Nhà tôi nằm trong hẻm nhỏ, chẳng mấy khang trang nhưng từ dạo có chậu hoa tỷ muội trước khoảng sân vuông vức, khung cảnh bỗng dưng ngời sáng. Phiến hoa mỏng thế, mềm mại thế mà kết thành chùm rộ màu lên trông thấy. Những ngày mặt trời không ghé nắng, cánh hồng tỷ muội đậm sắc nhạt hương. Dẫu vậy, tôi vẫn hé mở cánh cổng vào mỗi sớm để ngắm nhìn rồi thương đến dai dẳng. Buổi chiều, thấy bọn trẻ con quanh xóm thường đá bóng gần bên, tôi ra vào chẳng yên, cứ sợ có cậu nào đấy lỡ chân lại đá vào những chậu hoa bé bỏng của mình. Có hôm tôi ngồi lì ở xích đu, dài cổ trông ra, dáng vẻ nơm nớp đến buồn cười.
Người ta vẫn bảo tỷ muội là loài hoa của tình thân. Đã có lần, tôi ôm khóm hoa tỷ muội mua ở đâu đó, gói vào giấy vụn rồi mang đến tặng cho người bạn có tình cảm đặc biệt cũng trong một ngày mưa. Chuyện ấy đến bây giờ vẫn là một kỷ niệm ấm áp. Và tôi tin rằng, nếu như ai đó may mắn được tặng một bó hồng tỷ muội thì họ sẽ thật hạnh phúc khi biết mình thật sự có ý nghĩa đối với người gửi tặng.
Mỗi lần ngắm hoa tỷ muội trong mưa là một lần tôi có cơ hội làm mới chính mình. Lâu dần, thói quen đó trở thành một niềm hạnh phúc thật giản đơn. Tôi biết, trong đêm có cánh hoa cũ lụi đi, tan dần vào đất, có nụ hồng lặng lẽ một vòng đời mới. Và mưa giấu nhẹm đi sự trở mình buồn bã, chỉ khoe những mạch thở căng tràn. Để mỗi sớm mai, lại có cô gái một tay giữ cây, một tay ấn nhẹ xung quanh gốc hồng rồi vờ cầm bình phun sương cho ra dáng người làm vườn dù những chậu hoa tỷ muội đã đẫm ướt trong mưa...
 LỮ HỒNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.