Cao nguyên mùa mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi về quê trong một ngày những cơn mưa của mùa mới vừa chạm đất cao nguyên. Gió xuyên qua những tàng cao su hai bên đường nghe ầm ào. Mưa tưới mát vùng đất đỏ sau những ngày nắng khô khốc, mưa dịu tâm hồn tôi, dẫn lối ký ức ngược về vùng trời kỷ niệm.
Ngày tôi còn nhỏ, con đường dẫn vào nhà mùa mưa đi lại còn khó khăn, những nơi mặt đường trũng xuống chứa dòng nước sóng sánh màu đất đỏ. Một chiếc xe chạy ngang, sình lầy văng tung tóe. Bây giờ, đường nhựa đã vào tận nhà, phẳng lỳ, thẳng tắp. Mùa mưa xuống, cây cối như được hồi sinh sau mùa nắng gay gắt xứ núi đồi. Những đám cỏ héo khô, vàng rạp xuống mặt đất mùa nắng được thay bằng sắc xanh đầy sức sống khi mưa về. Những vườn cà phê, vườn điều như bừng tỉnh, lá xanh hơn, mướt mắt. Bên khoảng sân trước nhà rông, lũ trẻ vui vẻ chơi đùa, đôi mắt tròn trong veo. Tôi rẽ vào con đường mòn nhỏ dẫn vào nhà. Mưa không thôi rả rích. Dòng suối cạnh nhà được dịp đỏ lừ. Đám mì nhà hàng xóm xanh um, từng thân cây vươn mình đón dòng nước mát. 
  Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: KIM HƯƠNG
Căn nhà gỗ bình yên đón bước chân tôi về với vòng tay thương mến của ba mẹ. Vùng đất đỏ đêm mưa rỉ rả, mẹ nhóm bếp lửa thơm hương củi điều, ba châm ấm trà, tôi đem ra ít bánh kẹo mua từ phố rồi cả nhà cùng ngồi bên nhau. Nơi bếp lửa tí tách đêm đại ngàn, tôi nghe ba rủ rỉ kể chuyện nhà. Lại thấy thương hơn những khuya sớm khi ba mẹ bên vườn cao su cặm cụi cạo mủ. Lại thấy thương hơn những ngày nắng hạn, mẹ loay hoay kéo ống cho ba tưới cà phê trên những triền đồi. Mẹ xoa đầu con gái bảo tôi phải thường xuyên về thăm nhà hơn nữa. Tôi nghe trong làn tóc đã lấm tấm màu mây trời hương nắng cao nguyên nồng nàn, oi ả. Nhìn những nốt chai sần trên tay ba dày lên theo năm tháng, lòng chợt dâng nỗi nghẹn ngào.
Sáng sớm, tôi ra vườn, hít vào thật sâu lồng ngực không khí trong lành và thoáng đãng. Bầu trời như cao hơn và xanh trong hơn. Gió cũng mang trong mình hơi mát không còn oi ả như mùa hạn. Tiếng lũ chim sâu chuyền cành trên mấy nhánh cà phê. Một con sóc nhanh chân phóng lên ngọn cây khi nghe bước chân tôi vừa đi đến. Tôi bước chân ra vườn cao su sau nhà. Trận mưa đêm qua để lại hàng ngàn giọt nước li ti vươn trên những cành lá. Đất dưới chân tôi mát lành, tôi đang đi tìm một thức quà quý mà mùa mưa mang đến. Tôi lật giở nhẹ những lớp lá rụng, từ tốn và cẩn thận. Rồi tôi à lên tiếng, chúng kia rồi! Những cây nấm mối nhỏ xinh, vừa búp. Chúng mọc thành cụm, san sát nhau. Tôi tỉ mẩn nhổ từng cây, mân mê thức quà ngon đã thành ký ức tuổi thơ ngọt ngào. Mẹ nhẹ nhàng rửa sạch rồi xào nhanh với lửa lớn. Những cây nấm non mềm, hương thơm hấp dẫn, vị ngọt tự nhiên đến nao lòng.
Cơm sáng xong, tôi cùng ba mẹ lên rẫy. Con đường đất đỏ lên đồi có đoạn đất dẻo quánh, dính chặt vào đôi dép. Xa xa dưới kia, tôi nghe tiếng chảy mạnh mẽ của dòng suối. Mùa này, suối nước nhiều hơn, dòng chảy cũng mạnh hơn len lỏi qua chân đồi. Ba mẹ đợi có mưa xuống cho đất mềm ra mới trỉa bắp. Ba đào lỗ, mẹ và tôi bỏ hạt vào. Ba không cần căng thước mà từng nhát cuốc cứ thẳng đều tăm tắp. Lâu  lâu, một ngọn gió cao nguyên phóng khoáng lại lùa qua mát rượi. Ở phía lưng đồi, cây kơ nia tỏa bóng mát rượi.
Chiều về cùng cơn mưa. Chúng tôi quây quần bên mâm cơm đầm ấm, hân hoan chuyện trò. Vậy là một mùa mưa nữa đã về, để thương, để nhớ trong tôi...
 PHONG DƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...