Cà rem thuở xưa…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có ai đi xa mà không nhớ quê nhà, có ai lớn lên mà không thôi thổn thức về thời thơ ấu? Riêng tôi không thể nào quên những trưa hè lộng gió, cầm trên tay que cà rem tươi mát, ngọt lành như chính tuổi thơ mình.
Tuổi thơ tôi gắn liền với đồng ruộng bao la, với mấy thức quà quê dân dã. Những que kem mát lạnh, đủ màu sắc thu hút đám trẻ con thuở ấy là một trong những thức quà tôi yêu thích, tuy giờ đây chỉ còn là ký ức. Nhiều lần tôi vẫn hay nói đùa với bạn bè, rằng chúng mình thật may mắn khi lớn lên trong thời gian khó, khi mà điều kiện công nghệ chưa phát triển như bây giờ. Trẻ con ngày nay đâu biết những trò chơi thôn dã, càng làm sao biết được hương vị của những món quà quê đã đi vào dĩ vãng.
Cà rem thuở xưa… (ảnh minh họa, nguồn internet)
Cà rem thuở xưa… (ảnh minh họa, nguồn internet)
Cà rem, thức quà với tên gọi ngồ ngộ này đã từng là mơ ước của rất nhiều trẻ con trong xóm. Bởi, đâu phải lúc nào muốn cũng được bố mẹ mua cho. Gia đình tôi ngày ấy kinh tế khó khăn, cơm ba bữa còn khó, nói gì đến mấy món quà vặt hấp dẫn kia. May mắn lắm mẹ mới mua cho một que để mấy chị em ăn chung. Que kem tan chảy dưới cái nóng đổ lửa giữa trưa hè buộc mấy đứa trẻ phải ăn cho thật nhanh, nhưng hầu như đứa nào cũng muốn thưởng thức thật chậm rãi. Thảng hoặc, khi mẹ tôi lĩnh tiền công, chúng tôi mới được một “bữa tiệc” cà rem ra trò. Đó là lúc mỗi đứa được thưởng một que cà rem riêng và nhảy cẫng lên vui sướng. Niềm hạnh phúc của những đứa trẻ chưa vướng bận sự đời chỉ cần có thế.
Mỗi ngày, chiếc xe bán cà rem đều đặn đi ngang qua xóm nhỏ nhà tôi, và lần nào cũng trở thành tâm điểm bởi đám trẻ lao nhao tụm năm tụm bảy xung quanh. Thùng cà rem bằng thiếc, bên trong chứa đầy các loại kem đủ sức làm mê hoặc bất cứ đứa trẻ nào. Cà rem có nhiều loại, có những que nhiều màu sắc được làm từ si-rô dâu, cam hay bạc hà. Tôi không có may mắn được thử hết tất cả các loại, chỉ nhớ hương vị ngọt bùi, mát lành của que kem đậu xanh, đậu đen. Thời đó, muốn ăn kem có thể mua bằng tiền, hoặc bằng cách đổi những chiếc dép nhựa. Có lần chị em tôi nghịch ngợm, đem mấy chiếc dép nhựa của mẹ mới mua đổi kem. Kết quả là bị mẹ đánh trận đòn nhớ đời, mặc dù vậy, trong lòng vẫn không nguôi niềm vui sướng khi được ăn cà rem, để bây giờ mỗi khi nhắc nhớ, cả nhà lại được trận cười nghiêng ngả.
Cuộc sống hôm nay đã đủ đầy, thức quà quê ngày cũ cũng không còn là thứ gì xa vời mà trẻ con đứa nào cũng thòm thèm nữa. Bây giờ, kem có rất nhiều loại, hương vị cũng rất ngon, nhưng dù có thế nào cũng vẫn không thể thay thế được cây cà rem mộc mạc tuổi thơ. Hình ảnh chiếc xe đạp cọc cạch chở thùng cà rem đi qua ngõ suốt những năm tháng ấu thơ giờ đây đã bị lãng quên ở một góc nào đó;  và nhiều khi tôi vẫn muốn tìm kiếm, như tìm chính một phần ký ức tuổi thơ...
Ngọc Lý

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.