Bolero và phố nhỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tháng 11-2014, Đài Phát thanh-Truyền hình Vĩnh Long phát tập đầu tiên của chương trình truyền hình thực tế “Solo cùng Bolero”. Từ “phát súng đầu tiên” này, nhạc Bolero được hát khắp nơi một cách… bất thường. Hàng loạt đài Truyền hình, kể cả VTV cũng đua nhau làm gameshow Bolero. Rất nhiều ca sĩ trước đó từng lạnh nhạt với dòng nhạc này đua nhau ra MV, album, show diễn nhạc Bolero.

1. Ở đây, tôi không mạo muội định nghĩa, phân tích hay đánh giá về dòng nhạc này mà chỉ ghi nhận với tư cách của một chứng nhân, biết nghe nhạc chỉ vài năm sau khi ca khúc “Nắng chiều” của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn ra mắt công chúng năm 1952, nhạc phẩm được cho là sáng tác đầu tiên của dòng nhạc Bolero. Với thuộc tính bình dân (pop), dòng nhạc này đã nhanh chóng có ngay lượng người nghe đáng kể, đưa Bolero trở thành một dòng chảy êm đềm trong dòng sông nhạc Việt hơn nửa thế kỷ qua và thực tế cho thấy nó chưa bao giờ cạn, chưa bao giờ chết.

 

Ca sĩ Phi Vân.    Ảnh: Phan Hùng Cường
Ca sĩ Phi Vân. Ảnh: Phan Hùng Cường

Với tôi, chuyện người người hát Bolero, nhà nhà làm nhạc Bolero không phải là một sự hồi sinh như giới truyền thông đã gán cho nó, nhưng hiệu ứng này từ mấy năm nay thực sự đã lan tỏa một cách bất thường. Ca sĩ T.D. sau khi có phát ngôn gây nhiều tranh cãi: “Già trẻ lớn bé đắm đuối nhạc Bolero đúng là sự thụt lùi” đã chứng tỏ mình (?) qua “Hai mùa Noel” (Đài Phương Trang). Ca sĩ Tr.T., người có chất giọng được xem như thích hợp tuyệt đối với dòng nhạc truyền thống và cách mạng cũng tìm cách thử sức mình với “Con đường xưa em đi” (Châu Kỳ-Hồ Đình Phương) và đã nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt của khán giả trong một chương trình ca nhạc lớn. Dẫu đang còn có nhiều tranh cãi về hiện tượng này nhưng gần như khuynh hướng dùng Bolero để làm thước đo chuẩn mực về độ ăn khách cho bất kỳ ca sĩ nào là có thật.

2. Pleiku cũng không thoát được “cơn lũ Bolero” ấy. Từ năm 2012, một phòng trà có tên tuổi ở Phố núi đã mang đến cho công chúng yêu dòng nhạc này những đêm “Tình khúc Bolero”, đều đặn 2-3 số/năm. Theo người biên tập chương trình này thì đây là những đêm nhạc mang tính chủ đề hoặc giới thiệu tác giả, tác phẩm. Liều lượng các ca khúc trong dòng nhạc Bolero trong hầu hết các hoạt động ca nhạc ở Pleiku đều phản ánh đúng sức chảy của nó. Bây giờ thì ngay tại Cuội (62 Đống Đa, TP. Pleiku)-một địa chỉ vốn có chất nhạc riêng không lẫn vào đâu, cũng đã xuất hiện những ca khúc Bolero, thậm chí Cuội còn tổ chức không dưới 3 đêm nhạc với những ca sĩ “chuyên trị” loại nhạc này. Và, sau khi một giọng ca của Pleiku thành công với một danh hiệu trong gameshow “Thần tượng Bolero” của VTV thì cơn sốt càng tăng nhiệt. Các giọng hát ít nhiều “thử sức” mình với những sáng tác cũ, biến chúng trở thành thời thượng.

Bên ly cà phê sáng, tôi và Y Tuấn, một giọng nam khá nổi ở Pleiku tranh luận về sức nóng đột ngột của nhạc Bolero. Tuấn chia sẻ: “Rất hiếm hoi, Tuấn cũng đã hát Bolero ở đâu đó. Kỹ thuật luyến láy, ngắt hơi, nức nở cũng dễ đấy nhưng không đưa hồn mình vào ca khúc được anh ạ. Có lẽ do Tuấn chưa đồng cảm với dòng nhạc ấy....”. Phi Vân, cô ca sĩ được người nghe Phố núi yêu thích với chất giọng ngọt ngào thì lại gần như tuyệt đối trung thành với Bolero-dòng nhạc mà cô đã chọn trong gần 10 năm ca hát. Vân bảo, nhạc Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Trịnh Công Sơn... hay chứ, không hay sao có đông người nghe, chỉ có điều Vân cảm thấy mình thể hiện ca khúc của các tác giả ấy không ra sao cả, không hợp thì không hát, đơn giản thế thôi! Vân và Tuấn cứ hát những gì họ đồng cảm và người nghe vẫn yêu mến 2 cái tên ấy.

Một sự cân bằng hợp lý giữa các thể loại trong âm nhạc là cần thiết. Các dòng nhạc dù có lúc êm đềm, lúc gợn sóng, hãy cứ đồng hành với công chúng thực thụ của nó.

Nguyễn Sơn

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.