Về bộ ấn kiếm cuối cùng của triều Nguyễn bàn giao cho chính quyền cách mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Xưa nay đã có không ít người đặt câu hỏi về số phận bộ ấn kiếm cuối cùng của triều Nguyễn - bộ ấn kiếm tượng trưng cho quyền lực của vương triều, đã từng được trao cho đại diện của chính quyền cách mạng tại Ngọ Môn, Huế vào ngày 30.8.1945.

Ấn và kiếm triều Nguyễn được hoàng đế Bảo Đại bàn giao cho chính quyền cách mạng ngày 30.8.1945. Ảnh tư liệu của PTH
Ấn và kiếm triều Nguyễn được hoàng đế Bảo Đại bàn giao cho chính quyền cách mạng ngày 30.8.1945. Ảnh tư liệu của PTH



Rằng tại sao về sau, bộ ấn kiếm trên lại trở về với cựu hoàng Bảo Đại khi ông không còn là hoàng đế Nam triều nữa? Và bây giờ, bộ ấn kiếm ấy đang lưu lạc ở chốn nào? Thực hư về chiếc ấn lớn nhất và quan trọng nhất của triều Nguyễn là như thế nào; thanh kiếm đó có phải là thanh kiếm của vua Gia Long không... cũng là những vấn đề nhiều người quan tâm.

Sự lưu lạc kỳ lạ của bộ ấn kiếm vương triều

Chiều ngày 30.8.1945, trên nền đài lầu Ngũ Phụng cửa Ngọ Môn, trước mặt hơn 2 vạn nhân dân thành phố Huế đang sục sôi trong khí thế cách mạng, vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn đã trao bộ ấn kiếm tượng trưng quyền lực vương triều mình cho đại diện chính quyền cách mạng. Thay mặt chính phủ cách mạng, ông Trần Huy Liệu đã tiếp nhận ấn kiếm và gắn huy hiệu công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho cựu hoàng. Bộ ấn kiếm này ngay ngày hôm sau được đem ra Hà Nội để kịp dự lễ Độc lập vào ngày 2.9.1945.

Khi Pháp quay trở lại xâm lược Thủ đô, cuối năm 1946, đơn vị làm nhiệm vụ cất giữ bộ ấn kiếm trên đã đem giấu chúng vào vách một ngôi chùa cổ ở ngoại thành Hà Nội, trước khi rút lên Việt Bắc. Nhưng trớ trêu thay, sau đó, khi lính Pháp đập phá chùa để lấy gạch xây đồn bốt, chúng lại phát hiện ra bộ ấn kiếm trên. Ngày 3.3.1952, Pháp đã tổ chức một nghi lễ khá long trọng tại “Hoàng triều cương thổ” - Đà Lạt để trao lại ấn kiếm cho Bảo Đại - không phải trên cương vị “Đại Nam hoàng đế”, mà là “Quốc trưởng” của một chính phủ mới được vội vã dựng nên. Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vẫn còn lưu trữ được một tập ảnh chụp lại buỗi lễ “trọng thể” này.

Năm 1953, để bảo vệ cho bộ ấn kiếm trên được an toàn, ông Bảo Đại đã ủy quyền cho bà Mộng Điệp mang chúng sang Pháp, trao cho hoàng hậu Nam Phương và hoàng tử Bảo Long. Sau khi bà Nam Phương mất (năm 1963), bộ ấn kiếm này do Bảo Long quản lý và ông đã gửi chúng tại két sắt của Ngân hàng Châu Âu (Union des Banques Européennes). Sau khi cựu hoàng Bảo Đại qua đời, quyền quản lý bộ ấn kiếm trên thuộc về bà Monique Baudot, người vợ cuối cùng có hôn thú của cựu hoàng.

Về ấn kiếm triều Nguyễn

Dưới chế độ quân chủ, ấn kiếm thường là những vật tượng trưng cho quyền lực tối thượng của vua chúa. Xem phim cổ trang, chúng ta thường bắt gặp “Thượng phương bảo kiếm” đại diện cho sự có mặt của hoàng đế, khiến mọi người đều phải nhất nhất kính cẩn tuân lệnh vì “thấy kiếm như thấy vua”. Còn về ấn thì có nhiều loại, đúc bằng vàng, bằng ngọc, và gọi chung là bảo/bửu tỷ. Dưới thời Nguyễn, bảo tỷ có hơn trăm chiếc, riêng dưới thời hai vị hoàng đế đầu triều là Gia Long (1802-1820) và Minh Mạng (1820-1841) đã có đến hơn 20 chiếc; mỗi chiếc đều có công năng và ý nghĩa riêng.

Đặc biệt, trong 20 chiếc bảo tỷ đúc giai đoạn đầu thời Nguyễn, có 6 chiếc đúc thời Gia Long và 14 chiếc đúc dưới thời Minh Mạng. Và chiếc ấn quan trọng nhất, chiếc ấn biểu tượng cho hoàng đế là ấn “Hoàng đế chi bảo” (Ấn của hoàng đế). Đây chính là chiếc ấn vàng mà vị vua cuối cùng của triều Nguyễn đã trao cho đại diện chính quyền cách mạng tại Ngọ Môn.

Ấn “Hoàng đế chi bảo” được đúc bằng vàng ròng vào ngày mùng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4 (tức ngày 15.3.1823). Đây là chiếc kim bảo lớn và đẹp nhất của triều Nguyễn. Theo ảnh tư liệu mà chúng tôi hiện có, ấn đúc hình vuông, quai ấn là một con rồng uốn khúc (rồng đoanh), đầu ngẩng cao, mắt nhìn thẳng về phía trước. Đỉnh đầu rồng khắc hình chữ vương; kỳ (vây lưng) dựng đứng; đuôi cũng dựng đứng, vây đuôi uốn cong về phía trước; 4 chân rồng đúc rõ 5 móng, tư thế chống chân xuống mặt ấn rất vững vàng. Mặt dưới của ấn khắc 4 chữ triện “Hoàng đế chi bảo”. Mặt trên của ấn, phía 2 bên quai khắc nổi 2 dòng chữ: “Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo” (Đúc vào giờ tốt ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4). “Thập thành hoàng kim, trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân”. (Đúc bằng vàng, trọng lượng 280 lạng 9 chỉ 2 phân - Nếu tính 27 lạng tương đương 1kg, thì chiếc ấn này nặng khoảng 10,7kg).

Về việc đúc chiếc kim bảo này, sách Đại Nam thực lục (tập VI, bản dịch của Viện Sử Học, Nxb KHXH-1963, trang 146) có ghi khá rõ: “Ngày Giáp thìn đúc đúc ấn Hoàng Đế chi bảo (muốn làm rồng cuốn hai tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, làm bằng vàng 10 tuổi, nặng 180 lượng 9 đồng 2 phân”. (Ở đây có lẽ do tổ phiên dịch của Viện Sử học đọc nhầm chữ “nhị bách” thành “nhất bách” nên mới dịch thành 180 lượng 9 đồng 2 phân - tác giả).

Theo quy định của triều Nguyễn, ấn “Hoàng đế chi bảo” chỉ dùng khi “… gặp khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ cũng là các cáo dụ thân huân, đi tuần thú các nơi để xem xét các địa phương, mọi điển lễ long trọng ấy, và ban sắc, thư cho ngoại quốc”. Và như vậy, kể từ khi đúc ra đến khi buộc phải trao cho chính quyền cách mạng, chiếc ấn vàng Hoàng đế chi bảo đã có 122 tuổi.

Khác với chiếc ấn trên, thanh kiếm đi kèm với nó lại có niên đại khá muộn, kiếm làm thời Khải Định. Theo ảnh tư liệu, thanh bảo kiếm trên được làm theo kiểu trường kiếm. Toàn bộ chiều dài, kể cả vỏ kiếm khoảng hơn một thước Tây. Chuôi kiếm nạm ngọc; lưỡi kiếm có lẽ bằng thép tốt; vỏ kiếm làm bằng vàng. Trên vỏ kiếm có khắc rõ các dùng chữ: “Khải Định niên chế” (chế tạo thời Khải Định).

 

 TS Phan Thanh Hải (Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế)

(Dẫn nguồn LĐO)

https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/ve-bo-an-kiem-cuoi-cung-cua-trieu-nguyen-ban-giao-cho-chinh-quyen-cach-mang-1087635.ldo

 

Có thể bạn quan tâm

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.