Thông điệp từ hiện vật điêu khắc gỗ Bahnar, Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Điêu khắc gỗ là một trong những loại hình nghệ thuật độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng Trường Sơn-Tây Nguyên. Trong đó, người Bahnar và Jrai có nền điêu khắc rất độc đáo được thể hiện rõ nét qua việc chạm khắc, làm các chi tiết kiến trúc và đặc biệt là hệ thống tượng gỗ đặt trong các không gian thiêng, không gian sinh hoạt cộng đồng.
Bảo tàng tỉnh hiện đang lưu giữ khoảng 200 hiện vật điêu khắc gỗ của người Bahnar, Jrai. Đây là những hiện vật mang nhiều ngôn ngữ, phong cách nghệ thuật khác nhau và có lịch sử phát triển lâu dài. Sự phát triển đó gắn với quá trình tiếp biến lịch sử, văn hóa của cộng đồng tộc người từ xưa đến nay. Con người từ khi sinh ra, lớn lên cho đến khi già và mất đi trong một chu kỳ vòng đời được biểu hiện khá rõ nét qua những hiện vật “tượng gỗ” với đầy đủ hình dạng, sắc thái biểu cảm sinh động. Ở mỗi thời kỳ khác nhau, kỹ thuật tạo tác, phong cách biểu hiện cũng như chất liệu đều có những biến đổi theo năm tháng. Sự hiện diện của những tác phẩm điêu khắc gỗ như là một phần lịch sử, văn hóa người Bahnar, Jrai trong quá khứ cũng như ở xã hội hiện đại.
Cộng đồng dân tộc Bahnar và Jrai theo tín ngưỡng đa thần “vạn vật hữu linh”. Vì vậy, bà con có lễ bỏ mả-một lễ hội mang đậm triết lý nhân văn sâu sắc, ghi dấu sự đoạn giao giữa người sống với người chết, thể hiện tình cảm thiêng liêng, giản dị của những người đang sống đối với những linh hồn đã khuất về với thế giới bên kia, hàm chứa khát vọng nhân sinh muôn thuở của con người. Do đó, việc làm nhà mả, đẽo tượng gỗ phục vụ cho lễ bỏ mả phản ánh đời sống tâm linh của cộng đồng các dân tộc Bahnar, Jrai.
 Khu vực trưng bày hiện vật điêu khắc gỗ của người Bahnar, Jrai ở Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Xuân Toản
Khu vực trưng bày hiện vật điêu khắc gỗ của người Bahnar, Jrai ở Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Ảnh: Xuân Toản
Không chỉ biểu hiện giá trị trong đời sống tâm linh, hiện vật điêu khắc gỗ còn là tác phẩm nghệ thuật có chức năng làm đẹp, làm vui không gian sống. Theo đó, hiện vật điêu khắc gỗ còn được trang trí ở nhà rông, nhà sàn, nhà dài... Thậm chí, ngày nay, nó còn được trưng bày ở bảo tàng, đặt trong nhiều không gian, khuôn viên giải trí như quán ăn, công viên, quán cà phê, khu du lịch sinh thái… Dù được đặt ở không gian nào thì những hiện vật này đều phản ánh đời sống của cộng đồng, là phương tiện để con người gửi gắm những cung bậc tình cảm. Những sắc thái biểu cảm của mỗi bức tượng đã phản ánh đời sống nội tâm phong phú, những xúc cảm tinh tế nhưng rất sâu lắng của người làm ra nó cũng như của cả cộng đồng Bahnar, Jrai trên vùng đất Gia Lai.
Hệ thống hiện vật điêu khắc gỗ của người Bahnar, Jrai ở Bảo tàng tỉnh Gia Lai vừa là văn hóa vật thể, vừa là văn hóa phi vật thể, vừa có giá trị nghệ thuật, điêu khắc kiến trúc lại vừa mang ý nghĩa dân tộc học, tín ngưỡng và văn hóa dân gian. Không chỉ vậy, hệ thống hiện vật điêu khắc này khi trưng bày tại bảo tàng còn được xem là sản phẩm phục vụ hoạt động du lịch, là điểm đến tham quan, là nơi để công chúng có cái nhìn đa chiều về văn hóa, nghệ thuật, lịch sử… góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa dân tộc và phát huy các giá trị của bảo tàng đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Do đó, việc lưu giữ, trưng bày các hiện vật nói chung, hiện vật điêu khắc gỗ nói riêng không chỉ là hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của người Bahnar, Jrai mà còn là sản phẩm đặc thù thu hút khách tham quan.
Mặc dù chiếm số lượng khá khiêm tốn trong tổng số hiện vật đang lưu giữ tại bảo tàng nhưng có thể nói rằng, hiện vật điêu khắc gỗ của người Bahnar, Jrai tạo nên một đặc trưng riêng biệt, chiếm một phần quan trọng trong trưng bày của bảo tàng và gây ấn tượng đối với công chúng. Tuy nhiên, để hiện vật điêu khắc gỗ được bảo tồn và phát huy giá trị tốt nhất, bảo tàng cần có những định hướng, phương pháp phù hợp nhằm đảm bảo thu hút khách tham quan nhưng vẫn duy trì được các yếu tố truyền thống, không làm biến dạng hoặc mất đi các giá trị văn hóa mang tính đặc trưng của cộng đồng.
Theo năm tháng, do biến động xã hội, sự can thiệp của thiên nhiên, hiện vật điêu khắc gỗ sẽ có những biến đổi, mai một, nhưng nét trầm mặc, ẩn chứa hồn thiêng và toát lên cốt cách con người trên từng bức tượng thì còn mãi, tạo thành những đặc trưng riêng để thế hệ sau chiêm ngắm, suy tưởng.
XUÂN TOẢN

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

(GLO)- Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 580/QĐ-BVHTTDL cho phép Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích An Phú (thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku).

Nối dài hành trình của tà áo dài

Nối dài hành trình của tà áo dài

(GLO)- Chương trình “Tặng áo dài-Trao yêu thương” do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai phát động khiến cho hàng ngàn chiếc áo dài được nối dài hành trình, tiếp tục viết nên những câu chuyện san sẻ đầy tình người.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.