Phục hồi và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Khởi nghĩa Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 30-8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Khởi nghĩa Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

Theo đó, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch gồm: không gian hình thành và phát triển, không gian cảnh quan, các địa danh, địa điểm, địa giới tự nhiên có quan hệ mật thiết trong quá trình hình thành 12 di tích thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Khởi nghĩa Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn trên địa bàn 12 thôn thuộc 6 xã: Vũ Lễ, Tân Lập, Long Đống, Tân Hương, Hưng Vũ, Vũ Lăng và các khu vực đồi núi, đồng ruộng, làng xóm, dân cư lân cận có liên quan thuộc huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

  Phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt khởi nghĩa Bắc Sơn. Ảnh nguồn Báo Xây Dựng
Phục hồi và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Khởi nghĩa Bắc Sơn. Ảnh nguồn Báo Xây Dựng


Cụ thể, phạm vi và ranh giới lập quy hoạch có diện tích khoảng 234,875 ha. Trong đó, khu vực bảo vệ của Di tích quốc gia đặc biệt Khởi nghĩa Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn bao gồm 12 điểm di tích: Bó Tát, Nà Kheo, Sa Khao, Mỏ Rẹ (xã Tân Hương), đình Nông Lục, đồn Mỏ Nhài, (xã Hưng Vũ), Thâm Thoong-Dập Dị, Trường Vũ Lăng (xã Vũ Lăng), Khuổi Nọi (xã Vũ Lễ), Lân Pán, Lân Táy-Mỏ Pia (xã Tân Lập) và đèo Tam Canh (xã Long Đống).

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm nhận diện đầy đủ giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt Khởi nghĩa Bắc Sơn-dấu son lịch sử mở đầu cho phong trào cách mạng giành độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng thời kỳ 1930-1945; hoàn thiện hệ thống hồ sơ, dữ liệu làm cơ sở chuyển đổi số và tự động hóa trong quản lý; tạo lập khung pháp lý, chính sách thu hút nguồn lực để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Ngoài ra, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn trở thành điểm tham quan về nguồn, nơi tìm hiểu, tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta; khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao đời sống của người dân trong khu vực; phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa truyền thống.

Đồng thời, hoàn chỉnh ranh giới, phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích; xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất cho khu di tích, khu dân cư và khu vực bảo vệ môi trường; tổ chức không gian, bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

Làm căn cứ pháp lý để quản lý và bảo vệ di tích; lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án thành phần bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; xây dựng các quy định để quản lý, kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan di tích và các khu vực liền kề di tích, phù hợp với quy hoạch được duyệt và quy hoạch khác có liên quan.

 

G.B

 

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.