Bia Anh hùng Wừu được dựng tại bờ Bắc sông Bến Hải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gia Lai có 2 du kích người Bahnar nổi tiếng trong thời kỳ chống Pháp được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào các năm 1955 và 1956 là Đinh Núp (1914-1999) và Wừu (1905-1952). Nếu như Anh hùng Núp đảm đương nhiều cương vị quan trọng, được văn học nghệ thuật xem như một mẫu hình tiêu biểu của Tây Nguyên thì Anh hùng Wừu lại hy sinh vô cùng oanh liệt ngay trên quê hương mình ở tuổi 47. Liên quan đến cuộc đời ông, có một chi tiết thú vị chưa từng được công bố: Năm 1958, Nhà nước đã cho dựng bia ghi công trạng của Anh hùng Wừu tại bờ Bắc sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị.
Người du kích can trường
Năm 1946, sau khi tái chiếm Gia Lai, thực dân Pháp chính thức đặt ách cai trị lên Tây Nguyên. Từ đây, quê hương Đak Sơ Mei (Đak Đoa) của bok Wừu bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều lính Pháp và bọn tay sai cùng hệ thống đồn bốt của chúng. Vào thời điểm đó, bok Wừu là một người yêu nước, có suy nghĩ chín chắn. Được dìu dắt, ông tham gia du kích và sau nhiều thử thách, cuối năm 1950, ông được kết nạp vào Đảng. Theo tài liệu lịch sử, từ năm 1950 đến năm 1952, với tư cách Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính xã Nam Đak Đoa kiêm Xã đội trưởng, ông bị địch bắt 3 lần. 2 lần đầu, ông trốn thoát. Lần bị bắt thứ 3, ông bị địch tra tấn dã man hơn, bị chặt tay, xẻo tai… Biết mình không còn cơ hội sống để tiếp tục chiến đấu cùng đồng đội, bok Wừu đã mưu trí lừa địch vào khu bố phòng khiến một số tên bị sập hầm chông. Căm tức vì bị đòn đau, chúng đã khoét mắt rồi bắn chết ông bên bờ suối.
Bia Anh hùng Wừu tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Phạm Thị Phượng
Bia Anh hùng Wừu tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Phạm Thị Phượng
Năm 1953, tại Đại hội liên hoan chiến sĩ thi đua Liên khu 5, người con ưu tú của Đe Doa (Đoa) được tuyên dương công trạng toàn Liên khu. Năm 1956, ông được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa truy tặng Huân chương Quân công hạng nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Để động viên cả nước phát huy tinh thần quả cảm trong cuộc chiến chống thực dân Pháp, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, từ rất sớm, bia Anh hùng liệt sĩ Wừu còn được dựng bên bờ Bắc sông Bến Hải như một biểu tượng về tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Tấm bia lịch sử
Theo tài liệu mà chúng tôi có được, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1958, Nhà nước ta đã cho dựng 7 bia đá về các anh hùng chống Pháp tiêu biểu, trong đó có Anh hùng Wừu (Gia Lai còn có Anh hùng Ngô Mây-liệt sĩ hy sinh tại An Khê năm 1947 được dựng bia-N.V). Nơi đặt hệ thống bia đặc biệt này là một ngọn đồi ở phía Bắc, cách cầu Hiền Lương 3 km, dọc theo quốc lộ 1A. Khi khánh thành bia đá, Bác Tôn-lúc này là Trưởng ban Thường trực Quốc hội (tương đương Chủ tịch Quốc hội sau này) từ Hà Nội đã vào dự lễ. Có thể xem đây là biểu tượng Nam-Bắc một nhà, đoàn kết đấu tranh giải phóng đất nước. Các bia tương đương nhau về kích thước, cao khoảng 1,5 m, rộng 1 m và dày 0,2 m.
Liên hệ với các cơ quan chức năng ở huyện Vĩnh Linh và tỉnh Quảng Trị, chúng tôi được biết thêm: Cuối tháng 4-1958, Đài Anh hùng tỉnh Quảng Trị được khởi công tại khu vực nay là Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vĩnh Linh. Công trình quan trọng này được tiến hành gấp rút và khánh thành sau 3 tháng. Bia bok Wừu cùng các tấm bia khác được đặt trong khuôn viên Đài Anh hùng đã nêu. Sau này, khi Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vĩnh Linh được xây dựng, các bia đá này tiếp tục được bảo quản tại đây. Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Phượng-nhân viên quản trang huyện Vĩnh Linh-cho biết: Theo những người tiền nhiệm, các bia khắc công trạng của các vị anh hùng chống Pháp ở đây đều được tạc từ đá núi Nhồi (Thanh Hóa). Sau 64 năm tồn tại, tất cả các bia đá vẫn còn có thể đọc được chữ, trừ những chỗ bị bom đạn chiến tranh hủy hoại.
Khu lưu niệm Anh hùng Wừu được UBND tỉnh Gia Lai xếp hạng là di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 659/QĐ- UBND, ngày 27/6/2018. Ảnh: Phòng VHTT Đak Đoa. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Khu lưu niệm Anh hùng Wừu được UBND tỉnh Gia Lai xếp hạng di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 659/QĐ- UBND, ngày 27-6-2018. Ảnh: Nguyễn Quang Tu
Nhìn chung, ngoại trừ vài chi tiết như cách viết khác (Vừu so với Wừu) hoặc khắc nhầm thời điểm bok Wừu chống Pháp (năm 1939 thành 1959), văn bia về con người và chiến công của Xã đội trưởng người Bahnar kiên cường cơ bản chứa đựng đầy đủ thông tin về Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Wừu, như sau này chúng ta đã biết. Trong bia, nhiều phẩm chất tốt đẹp của nhân vật đã được khẳng định như: kiên trì, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, đoàn kết, kiên quyết đấu tranh đến cùng. Đặc biệt, văn bia cũng viết về 3 lần bị địch bắt, mặc dù bị tra tấn dã man, tàn ác nhưng bok Wừu không chỉ tuyệt đối trung thành với cách mạng mà còn khôn khéo lừa địch đến nơi có hầm chông để tiêu diệt chúng.
Bok Wừu là tấm gương trong thời kỳ đất nước ta đoàn kết một lòng chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp. Từ khá sớm, những câu chuyện về người đảng viên Bahnar này, nhất là hình ảnh hy sinh lẫm liệt của ông, luôn là bài học, lời động viên thiết thực và hữu hiệu đối với nhiều thế hệ sau này trong chiến tranh và cuộc sống đời thường.
Tiếp tục khẳng định những đóng góp của Anh hùng Wừu cho sự nghiệp cách mạng của địa phương, ngày 27-6-2018, UBND tỉnh có văn bản xếp hạng Khu lưu niệm Anh hùng Wừu là di tích lịch sử cấp tỉnh. Theo hồ sơ, cùng phân bố trên địa bàn xã Đak Sơ Mei, di tích này bao gồm các điểm: Nhà lưu niệm Anh hùng Wừu, nhà con gái ông, nền nhà cũ, mộ gió liệt sĩ Wừu và địa điểm đồn Đak Đoa trước kia. Sau đó không lâu, công trình Nhà lưu niệm Anh hùng Wừu đã được xây dựng và khánh thành với khuôn viên rộng hơn 11 ngàn m2. Theo quan sát của người viết, phần trưng bày của thiết chế mới này không có nhiều hiện vật liên quan đến bok Wừu. Trong bối cảnh đó, nên chăng cần có một bản sao tấm bia về Anh hùng Wừu hiện đang được lưu giữ tại Vĩnh Linh?
NGUYỄN QUANG TUỆ
 

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

(GLO)- Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 580/QĐ-BVHTTDL cho phép Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích An Phú (thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku).

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.