Đôi điều về tờ sắc phong năm 1933 của tư gia họ Văn ở An Khê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong chuyến khảo sát di sản văn tự tại phường An Bình (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai), chúng tôi tìm thấy 1 bản sắc phong được gìn giữ từ thời Bảo Đại đến nay, thuộc tư gia họ Văn, dân gian thường gọi là “nhà ông xã Tám” gần cụm di tích đình miếu Tân Lai.
Bản sắc phong ghi rõ niên hiệu và niên đại kể trên nằm lẫn trong hộp đựng các tài liệu giấy tờ Hán-Nôm gia đình, nhưng con cháu người được phong tặng cũng không rõ, vì được viết bằng văn tự cổ. Sắc làm bằng chất liệu giấy dó mịn, trọng lượng 9 gram, khổ 39 cm x 55 cm, gồm 3 dòng nội dung với 35 chữ và 1 dòng niên hiệu-niên đại 9 chữ, tổng cộng 44 chữ kích thước bình quân 2 cm x 1,5 cm/chữ, viết từ phải sang trái, đọc từ trên xuống dưới. Hiện vật được bảo quản khá tốt, chỉ bị nhăn mép trên, nhưng màu giấy và màu mực chữ, màu son triện vẫn còn sắc sảo tươi mới rõ ràng, dù đã trải qua gần 90 năm. Toàn văn sắc phong như sau:
Dòng 1: Sắc Lý trưởng Văn Thạnh quán Kon Tum đạo, Tân An huyện.
Dòng 2: Tân Phong tổng, Tân Lai thôn; tư Lại bộ thần thanh thỉnh, chuẩn.
Dòng 3: nhĩ thưởng thụ Tòng Cửu phẩm Bá hộ. Khâm tai.
Bảo Đại cửu niên thất nguyệt thập lục nhật.
Triện: Sắc mệnh chi bảo.
 Tờ sắc phong năm 1933 của tư gia họ Văn ở An Khê. Ảnh: Bá Tính
Tờ sắc phong năm 1933 của tư gia họ Văn ở An Khê. Ảnh: Bá Tính
Dịch nghĩa: Sắc ban cho Lý trưởng Văn Thạnh ở thôn Tân Lai, tổng Tân Phong, huyện Tân An, đạo Kon Tum. Theo lời trình của các quan Bộ Lại, chuẩn thưởng cho ông hàm Tòng Cửu phẩm Bá hộ, nay sắc.
Ngày 16 tháng 7 năm Bảo Đại thứ 9 (1933).
Triện “Sắc mệnh chi bảo” vuông, kích thước 35 cm x 35 cm.
“Ông xã Tám” họ Văn tên Thạnh, từng làm chức sắc tại làng Tân Lai xưa. Gọi là “ông xã Tám” có lẽ do ông từng làm chức sắc (Lý trưởng) tại địa phương như nội dung sắc phong đã nêu. Còn hàm “Cửu phẩm” ông được phong tặng, có thể do triều đình ban thưởng cho những người có công mộ dân lập làng, theo chính sách di cư khai hoang của chính quyền đầu thế kỷ XX hoặc do công lao đóng góp của ông đối với làng xã, nhà nước đương thời.
Trong chánh điện đình Tân Lai gần nhà cũ của Lý trưởng Văn Thạnh hiện còn một số hiện vật từ thời Bảo Đại gắn với tên tuổi của ông, như bức hoành phi “Tân Lai Đình” đề tên người tặng là “Cửu phẩm Văn Thạnh phụng cung” năm 1941, cặp liễn đối cẩn xà cừ “Sơn xuyên dục tú cầu chi ứng/Nhạc lãnh trừ tinh hưởng khắc thành” đề “Cửu phẩm Lý trưởng Văn Thạnh phụng cung” năm 1937.
Ngoài sắc phong kể trên, hậu duệ của ông Văn Thạnh còn giữ được nhiều giấy tờ từ thời Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định, Bảo Đại. Đây là những tài liệu quý trong việc tìm hiểu lịch sử làng Tân Lai xưa, một phần của trung tâm An Khê ngày nay.
Ngoài ra, về kiến trúc, “nhà ông xã Tám” tại địa chỉ 48 Trần Quốc Toản, phường An Bình còn nhiều cấu kiện nguyên vẹn, gồm cả tường bao và cảnh quan trước sân nhà, là điểm tham quan hấp dẫn cho du khách đến thị xã An Khê.
LƯU HỒNG SƠN

Có thể bạn quan tâm

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.