Dạy cồng chiêng bằng phương pháp mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đang có dự án dạy cồng chiêng Tây nguyên ở Nha Trang theo phương pháp mới.

Những khuôn mặt trẻ hướng lên màn hình, ở đó chiếu một bộ phim tư liệu về không gian văn hóa cồng chiêng. Phim giới thiệu không gian văn hóa cồng chiêng và những tay chiêng thiện nghệ người Bahnar. Người xem là những học viên của dự án dạy cồng chiêng Tây nguyên. “Khi học viên xem phim tài liệu cũng có nghĩa là tôi có một buổi thuyết trình đầu tiên về toàn bộ không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên. Tức là trước hết để họ cảm nhận toàn bộ, có nhận thức toàn bộ về không gian này. Hiểu về văn hóa cồng chiêng, rồi mới tới việc học nhạc”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN (VICAS), nói.
 

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền truyền dạy cồng chiêng. Ảnh: NVCC
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền truyền dạy cồng chiêng. Ảnh: NVCC


Dạy cồng chiêng cho nhóm 36 diễn viên nhạc công trẻ ở Nha Trang là dự án mà ông Hiền đang thực hiện, với sự ủng hộ của VICAS. “36 diễn viên, nhạc công trong quá trình đào tạo sẽ phải thực hành nhiều giá trị nghệ thuật, nhạc dân tộc cổ truyền, trong đó có cồng chiêng Tây nguyên”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chia sẻ.

Việc dạy học, theo ông Hiền, là theo phương pháp mới chứ không phải theo cách truyền tay mà các nghệ nhân xưa vẫn làm. “Thách thức đặt ra không hề nhỏ chút nào. Muốn chơi được cồng chiêng, người nhạc công phải có năng khiếu tốt về tiết tấu. Mỗi thành viên dàn cồng chiêng chỉ diễn tấu một nốt nhạc ứng với từng cái cồng hay chiêng. Cả dàn cồng chiêng có thể ví như một cây đàn khổng lồ mà mỗi người chỉ như “một ngón tay” bấm từng phím đàn. Từng người phải chơi chính xác đơn vị tiết tấu của từng chiếc cồng, chiêng thành viên mới mong hợp thành rõ nét giai điệu, hòa âm bài bản”, ông Hiền chia sẻ.

Sau bài học về không gian văn hóa cồng chiêng, những bài tập nâng cao khả năng tiết tấu được các học viên thực hành. Tiếp đó, ông Hiền dùng hệ thống lý thuyết cơ bản nhạc cồng chiêng đã đúc kết làm cơ sở để hướng dẫn, từng bước “bắt tay chỉ ngón” cho các học viên. 36 học viên cần hiểu được nguyên tắc biên chế của dàn cồng chiêng ứng với từng phần giai điệu bè trầm, hòa âm đệm và giai điệu bài bản. “Tối nào kết thúc buổi học, áo thầy cũng ướt sũng mồ hôi. Mệt, nhưng bù lại, các trò đã tự tin cầm chiêng và có thể hợp tấu; giai điệu, hòa âm bài bản đã dần hiện hình từng bước rõ nét”, ông Hiền cho biết.

36 học viên đợt này được chọn dạy 3 bài chiêng của các dân tộc Bahnar, Jrai và Xêđăng. “Trong 3 tuần đánh được 3 bài là nỗ lực rất lớn. Tôi phải dạy 36 tay chiêng đủ thành phần và tuần đầu vất vả vô cùng. Nhưng sau đó khi nghe lại, âm nhạc khiến chúng tôi xúc động”, ông Hiền nói.

Sau khi không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO ghi danh, cồng chiêng Tây nguyên cũng có những câu chuyện buồn. Trong đó, có việc làm thế nào để âm nhạc cồng chiêng được tiếp tục trao truyền qua nhiều thế hệ. Trước khi bắt tay vào dự án giảng dạy này, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cũng đã thành công với dự án truyền dạy hát cửa đình. Nhờ đó, một lớp quan viên ả đào đúng chuẩn mực cổ điển đã được ông tổ chức. Giờ đây, âm nhạc cồng chiêng được kỳ vọng cũng sẽ có thêm truyền nhân sau dự án của ông Hiền.

 

Theo Trinh Nguyễn (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.