Cổ ngọc, những kiệt tác vượt thời gian

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lần đầu tiên công chúng sẽ được chiêm ngưỡng những kiệt tác đá ngọc xưa trong triển lãm về những cổ vật quý Dáng ngọc khai mạc ngày 30.8 tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, nhân kỷ niệm 43 năm ngày thành lập Bảo tàng Lịch sử TP.HCM (23.8.1979 - 23.8.2022) và 77 năm Quốc khánh 2.9.

Triển lãm gồm hơn 200 hiện vật cổ ngọc, đa dạng về loại hình, phong phú về màu sắc, có niên đại kéo dài từ thời tiền sơ sử cho đến đầu thế kỷ 20, gồm các loại hình tiêu biểu: đồ trang sức, vật thờ cúng, vật trang trí, đồ dùng sinh hoạt… được chạm khắc tinh xảo với các đề tài trang trí phong phú, đa dạng; trong đó nhiều hiện vật lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng.
 

Trấn phong chạm phong cảnh sơn thủy và nhân vật, thế kỷ 19. Ảnh: Hoàng Tuấn
Trấn phong chạm phong cảnh sơn thủy và nhân vật, thế kỷ 19. Ảnh: Hoàng Tuấn


Tứ đại quý: Ngọc - ngà - châu - báu

Với chất liệu quý hiếm, từ xa xưa trong lịch sử, đồ ngọc đã được coi là đứng đầu trong “tứ đại quý”: Ngọc - ngà - châu - báu. Con người phát hiện và sử dụng từ thời đại đá mới cách nay khoảng 7.000 năm, vì vậy những sản phẩm được chế tác từ ngọc luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong các nền văn hóa cổ ở phương Đông và phương Tây.

Theo quan niệm của người phương Đông, ngọc biểu trưng cho sự giàu có, quyền lực, giàu sang, vẻ đẹp và sự cao quý. Với ưu thế về độ cứng song lại rất dẻo, muôn sắc màu, rực rỡ và huyền ảo, ngọc không chỉ quý hiếm về chất liệu và vẻ đẹp mà còn được tôn sùng vì những giá trị, ý nghĩa tốt đẹp, sự vĩnh cửu, thần bí và phúc lành. Người xưa tin rằng, ngọc có những tính năng siêu phàm như trị bệnh, giúp trường sinh bất lão, giữ xác mãi mãi nguyên vẹn, phong thủy trong làm ăn…

Hiện nay, ngoài kho báu Kim ngọc - những bảo vật của triều Nguyễn hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội), sưu tập cổ ngọc của Nam Phương hoàng hậu trưng bày tại Cung Nam Phương (Bảo tàng Lâm Đồng), thì Bảo tàng Lịch sử TP.HCM cũng đang lưu giữ sưu tập cổ ngọc từ các nền văn hóa Sa Huỳnh, Đồng Nai, sưu tập cổ ngọc thời Nguyễn và Trung Quốc.

 

Cong - lư, bình chạm rồng Trung Quốc (thế kỷ 18)
Cong - lư, bình chạm rồng Trung Quốc (thế kỷ 18)



Nổi bật của chuyên đề Dáng ngọc là bộ sưu tập đá ngọc của Victor Thomas Holbé (1857 - 1927) sưu tầm vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, là một trong những tiền đề cho việc hình thành Bảo tàng Blanchard de la Brosse vào năm 1929 (nay là Bảo tàng Lịch sử TP.HCM). Victor Thomas Holbé là dược sĩ phục vụ trong Hải quân Pháp, Phó chủ tịch Hội đồng thuộc địa Nam kỳ. Ông còn là nhà nghiên cứu và sưu tầm cổ vật nổi tiếng được người đương thời kính trọng. Sau khi Holbé qua đời, Hội Nghiên cứu Đông Dương (SEI) đã vận động quyên góp tiền mua lại bộ sưu tập của ông với giá 45.000 đồng Đông Dương. Sưu tập Holbé gồm 2.160 hiện vật thuộc các nền văn hóa của VN, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Campuchia… được làm từ nhiều chất liệu khác nhau, trong đó đáng chú ý là sưu tập đồ ngọc kinh điển như: các loại hình chén ngọc chạm lộng hình hoa lá, hoa sen, hoa văn hình học; như ý… Bộ sưu tập này với hàng trăm hiện vật đa dạng và phong phú về loại hình, chủ yếu là ngọc Trung Quốc có niên đại thế kỷ 18 - 19. Đây được xem là giai đoạn đỉnh cao của chế tác ngọc thời bấy giờ. Trải qua 95 năm, bộ sưu tập Holbé trở thành một bộ phận của di sản văn hóa VN.

Đặc biệt, sưu tập hiện vật đồ ngọc trong bộ sưu tập của gia đình bác sĩ Dương Quỳnh Hoa (Dương Hà) đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM cũng vô cùng giá trị. Dương Hà do hai vợ chồng Giáo sư Dương Minh Thới và bà Hà Thị Ngọc, là song thân của bác sĩ Dương Quỳnh Hoa (Bộ trưởng Bộ Y tế Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam VN) đã dày công sưu tầm vào những năm 1930 - 1940. Đây là bộ sưu tập lớn (3.360 hiện vật), phong phú và đa dạng về chất liệu, loại hình, xuất xứ với niên đại trải dài từ thời tiền sử đến đầu thế kỷ 20. Đáng kể nhất trong bộ sưu tập Dương Hà là sưu tập hiện vật đá ngọc với những loại hình phong phú và đa dạng như trang sức, các vật trang trí như cây cải thảo, sen, muông thú, linh vật… được nhiều người biết đến và đã góp phần cổ vũ cho phong trào tìm hiểu, sưu tập cổ vật ở miền Nam lúc bấy giờ.

 

 Đỉnh ngọc thế kỷ 18
Đỉnh ngọc thế kỷ 18.


Sự tài hoa của người xưa

Ngoài những cổ ngọc mang nguồn gốc bản địa tham gia triển lãm, còn có một số cổ ngọc nước ngoài do kết quả giao lưu qua nhiều thế kỷ, từ những nền văn hóa thời đại đồ đá mới như văn hóa Hồng Sơn, Lương Chử (Trung Quốc)… Tiêu biểu trong nhóm hiện vật các loại hình đồ ngọc trưng bày là đồ đựng ngũ cốc dùng trong tế lễ với phần quai cầm hai bên được trang trí bằng hình tượng rồng qua các thời kỳ văn hóa Trung Hoa. Trong nhóm hiện vật phục vụ cho việc thờ cúng (đỉnh trầm, lư hương, bình), nổi bật nhất là bi và cong - hai hiện vật có ý nghĩa to lớn trong tín ngưỡng.

Nhóm hiện vật đáng chú ý khác là đồ văn phong tứ bảo (ống cắm bút, đồ đựng nước rửa bút) được chạm khắc các đề tài thảo mộc kết hợp hoa văn hình học cách điệu mang nhiều ý nghĩa biểu trưng về sự tốt lành, là những vật biểu trưng cho sự sang trọng, tao nhã của bậc quyền quý; nhóm hiện vật thể hiện quyền lực, địa vị của người sử dụng như nhẫn cung thủ, gậy ngọc như ý; các bức trấn phong dùng trong thư phòng với nhiều đề tài trang trí: cảnh sinh hoạt thường nhật, điển xưa tích cũ, bản kinh chữ Hán… phản ánh những nét tinh hoa và văn hóa thưởng lãm với nhiều ý nghĩa. Cùng các loại hình hiện vật khác như: Con dấu, ngọc bội, móc thắt lưng, khóa thắt lưng, mảnh trang trí… với kiểu dáng đa dạng, loại hình phong phú, được chạm khắc hết sức tinh tế bằng các kỹ thuật chạm chìm, chạm nổi, chạm lộng.


 

Hộp ngọc chạm hoa văn hình kỷ hà (thế kỷ 18 -19)
Hộp ngọc chạm hoa văn hình kỷ hà (thế kỷ 18 -19)


Với khu vực Đông Nam Á, có các loại hình tượng Phật, đồ đựng như bát, chén, bình ngọc được khai thác nguyên liệu và sản xuất tại Thái Lan, Myanmar trong sưu tập hiện vật nghệ thuật châu Á và sưu tập Vương Hồng Sển hiện đang lưu giữ. Tất cả nói lên sự quý giá của chất liệu ngọc cũng như những tác phẩm nghệ thuật kinh điển.

Trưng bày Dáng ngọc (diễn ra từ ngày 30.8.2022 - 30.1.2023) sẽ là cuộc hội ngộ đa sắc màu của ngọc, là cơ hội để công chúng yêu quý cổ vật được chiêm ngưỡng cổ ngọc VN và một số nước trong khu vực. Người xem sẽ thấy được sự tài hoa, khả năng sáng tạo, những bước phát triển vượt bậc về kỹ thuật chế tác các đồ vật bằng ngọc tinh xảo của nghệ nhân xưa, để thêm trân quý các giá trị di sản văn hóa của nhân loại.

Theo Lê Công Sơn (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.