Phát hiện nhiều dấu tích nguyên gốc tại đàn tế cáo trời đất khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 29-7, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích núi Bân (TP Huế), di tích được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1988.

Di tích núi Bân được xem là đàn Nam Giao của vương triều Tây Sơn, nơi Nguyễn Huệ làm lễ cáo trời đất, chính danh lên ngôi hoàng đế với niên hiệu Quang Trung vào năm 1788.

Theo các tư liệu lịch sử, năm 1788, nghe tin quân Thanh xâm lược nước ta, đánh chiếm Thăng Long, Nguyễn Huệ khẩn cấp hội bàn với các tướng sĩ và quyết định lên ngôi Hoàng đế để quy tụ lòng dân. Ngọn núi Bân lập tức được san lấp làm đàn tế cáo trời đất Nguyễn Huệ lên ngôi.

Hiện di tích núi Bân đã được tỉnh Thừa Thiên - Huế xây dựng thành Khu tưởng niệm Anh hùng dân tộc Quang Trung trên khu đất rộng 9,5ha. Trong đó, điểm nhấn là tượng đài Quang Trung bằng đá thạch anh ghép từ 8 khối đá với 18 mảng, mỗi mảng nặng 10-60 tấn. Ngoài tượng đài, khu tưởng niệm còn có sân hành lễ, nhà thờ Hoàng đế Quang Trung và Hoàng hậu Lê Ngọc Hân cùng các quan văn võ; nhà trưng bày tư liệu hiện vật của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn...


 

Tái hiện nghi lễ Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế tại di tích núi Bân (phường An Tây, TP Huế)
Tái hiện nghi lễ Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế tại di tích núi Bân (phường An Tây, TP Huế)



Tại buổi báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích núi Bân, ông Nguyễn Ngọc Chất, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu, sưu tầm (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) cho biết, cuộc khai quật này do Bảo tàng Lịch sử quốc gia đảm nhận từ tháng 6-2022 đến nay với mục tiêu xác định quy mô, kết cấu nguyên gốc phục vụ cho công tác bảo tồn và hướng tới xây dựng di tích này trở thành Di tích quốc gia đặc biệt.

Cả nhà nghiên cứu đã triển khai mở 9 hố đào ở bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc của đàn tế hiện tại. Tùy theo mỗi hố việc khai quật được mở chạy dài theo các hướng khác nhau.

Đáng chú ý, ở khu vực phía Tây, nơi mở 5 hố xuất hiện một số vết tích nguyên gốc như mặt kè, bờ sườn, mặt nền tầng 1 và một phần vết tích chân mặt sườn tầng 2 của đàn Nam Giao thời Tây Sơn. Hay như khu vực phía Nam với một hố chạy dài theo hướng Bắc – Nam cho thấy vết tích đàn tế nguyên gốc chỉ còn lại một khoảng mặt nền tầng 1 khá bằng phẳng, rộng 2m xuất lộ ở độ sâu 0,5m.

Mặt sườn tầng 1 và tầng 2 đàn tế khu vực này bị biến dạng. Nguyên nhân theo các chuyên gia do việc xây dựng mồ mả của người dân trước đây cũng như bị ảnh hưởng bởi quá trình nạo vét trong đợt tu bổ, tôn tạo di tích năm 2008.


 

 
Đo đạc tại các hố đào khảo cổ tại di tích núi Bân
Đo đạc tại các hố đào khảo cổ tại di tích núi Bân


Quá trình khai quật nhóm phát hiện ra các mảnh gạch vỡ và đá lấn trong đất. Riêng khu vực phía Tây phát hiện thêm những đoạn móng đá kè và vỉa gạch ở chân tầng 1 đàn tế. Đá được xác định là đá sa phiến dạng hòn, cục, có màu vàng nhạt, tím nhạt, xám xanh, xám trắng.

Gạch được phát hiện là dạng gạch bìa hình chữ nhật màu đỏ tươi, xương mịn, độ nung cao với chiều rộng 13-14cm, dày 2,5-4cm, dài 14-16cm, niên đại tập trung thế kỷ 18. Điều này cho thấy phản ánh rõ tính chất xây dựng gấp gáp của đàn Nam Giao thời Tây Sơn.

Theo ông Chất, kết quả khai quật bước đầu đã đem đến những nhận thức mới, có giá trị trong việc xác định quy mô, kết cấu nguyên gốc của đàn tế Nam Giao thời Tây Sơn. Kết quả đó góp phần khẳng định núi Bân chính là nơi được sử sách ghi chép cũng như các nhà nghiên cứu trước đây ở Huế xác nhận là nơi lập đàn tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ.

 

“Từ những kết quả thu được, có thể nhận thấy đàn Nam Giao thời Tây Sơn xây dựng có quy mô, kích thước chu vi các tầng 1, 2 rộng lớn hơn khá nhiều so với đàn tế hiện nay. Bố cục đàn này có nét tương đồng với đàn Viên Khâu (xây năm 1540 thuộc khu di tích Thiên Đàn ở Bắc Kinh, Trung Quốc) với đế hình vuông, 3 tầng đàn ở giữa hình trò”, ông Chất đánh giá.
 
 Gạch được khai quật tài di tích núi Bân
Gạch được khai quật tài di tích núi Bân


 
Trong khi một số chuyên gia, nhà nghiên cứu khác cho rằng, di tích núi Bân xứng đáng được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Ngoài ra, cần nghiên cứu đầu tư không gian trưng bày về triều đại Tây Sơn cũng như tour du lịch liên quan.

 

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, sẽ ưu tiên kế hoạch khảo cổ dài hạn cho di tích núi Bân. Đồng thời kiến nghị với UBND tỉnh cũng như các cơ quan chức năng lưu ý các ý kiến mà các chuyên gia, nhà nghiên cứu đưa ra. Theo ông Hải không riêng gì việc khảo cổ lần này mà khi nhắc đến triều đại Tây Sơn cần đầu tư nghiên cứu nhiều hơn nữa, trong đó có rất nhiều nghi lễ quan trọng liên quan đến triều đại này như nghi lễ tế trời, lên ngôi, khải hoàn…


Theo THÀNH THẮNG (SGGPO)

 

Có thể bạn quan tâm

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.