Phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau hơn 30 năm được công nhận là di tích quốc gia, mới đây, Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo chính thức được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Đây cũng là sự ghi nhận những nỗ lực trong hành trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản của Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương.
Giá trị đặc biệt
Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo gồm 23 điểm, 8 cụm di tích phân bố trên địa bàn 4 huyện, thị xã gồm: An Khê, Đak Pơ, Kbang và Kông Chro. Vùng đất phía Đông Gia Lai này chính là nơi khởi phát cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn lừng lẫy vào thế kỷ XVIII. Sau hơn 250 năm, hào khí Tây Sơn gắn với tên tuổi người anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ đã trở thành mạch nguồn văn hóa của người dân vùng thượng đạo với truyền thống trọng đại nghĩa, đề cao lòng yêu nước và tự tôn dân tộc.
Phong trào Tây Sơn gắn liền với 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ là dấu son chói lọi trong lịch sử vẻ vang của dân tộc và để lại cho hậu thế quần thể di tích được đánh giá cao về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ. Theo các nhà nghiên cứu, việc làm sáng rõ những giá trị của di tích đặc biệt này còn cho những bằng chứng khoa học về quá trình di dân, định cư, lịch sử khai hoang, giao thương, tạo dựng làng xã của người Kinh, người Thượng, tín ngưỡng thờ tự thần linh gắn với hệ thống đình miếu phong phú trên vùng thượng đạo.
Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt được đầu tư xây mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc thờ phụng, tưởng nhớ công ơn các tướng sĩ nhà Tây Sơn. Ảnh: Ngọc Minh
Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt được đầu tư xây mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc thờ phụng, tưởng nhớ công ơn các tướng sĩ nhà Tây Sơn. Ảnh: Ngọc Minh
Một số lễ hội lớn gắn với Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo vẫn được người dân địa phương duy trì, tổ chức hàng năm như: lễ dâng hương tưởng niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, kỷ niệm Ngày mất Hoàng đế Quang Trung, lễ cúng Khai Sơn, lễ cúng Quý Xuân. Đặc biệt từ năm 2017, cùng với việc nâng tầm lễ kỷ niệm Khởi nghĩa nông dân Tây Sơn và Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, người dân vùng An Khê đã phục hồi Hội cầu Huê của người Việt sau nhiều thập kỷ mai một.
Phát huy hào khí Tây Sơn
Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho biết: Tỉnh Gia Lai đã dành sự quan tâm rất lớn tới Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, đầu tư nguồn lực để tôn tạo, bảo vệ và quảng bá giá trị văn hóa-lịch sử của di tích. Hiểu biết về lịch sử dân tộc của người dân cũng không ngừng được nâng lên, tác động rõ rệt đến ý thức giữ gìn, bảo vệ di sản. Đó chính là tiền đề quan trọng để Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo được xếp hạng quốc gia đặc biệt. “Nhưng cùng với việc đón nhận danh hiệu này, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt sẽ phải thay đổi so với trước đây. Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, cần đặc biệt coi trọng đến nguồn lực con người. Cần có sự hiểu biết đầy đủ, có tầm về di tích đặc biệt này mới có thể đưa ra mô hình quản lý phù hợp, mới có thể vừa bảo vệ vừa khai thác tốt giá trị di tích. Có như vậy, di tích mới “hội nhập” vào cuộc sống hiện đại mà không “sứt mẻ” giá trị”-ông Tuệ nói.

An Khê đình-một điểm đến thuộc di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo. Ảnh: Minh Châu
An Khê đình-một điểm đến thuộc Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Minh Châu
Ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch: “Bảo tồn và phát huy giá trị của di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo cần gắn kết với phát triển du lịch ở địa phương và toàn vùng. Cần xác định du lịch là phương tiện để giao lưu, trao đổi văn hóa. Mối tương tác giữa du lịch và di sản văn hóa đã trở thành phức hợp đóng vai trò thúc đẩy các lĩnh vực khác. Vì vậy, chính quyền địa phương cần phối hợp với ngành Văn hóa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu giá trị đặc biệt, hấp dẫn của quần thể di tích, gắn với giới thiệu những sản vật đặc trưng, truyền thống của địa phương để thu hút du khách, hướng tới phát triển du lịch bền vững, nâng cao đời sống cho người dân. Từ đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích đặc biệt sẽ được bảo vệ từ trong Nhân dân”.
Trước mắt, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đang gấp rút lên kế hoạch tổ chức lễ đón nhận danh hiệu di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo một cách trang trọng, an toàn vào ngày 4-2 (mùng 4 Tết Nhâm Dần) gắn với lễ kỷ niệm 251 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa. Buổi lễ dự kiến sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh để người dân trong tỉnh tiện theo dõi sự kiện đặc biệt này. Tỉnh sẽ mời đại diện Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa và các tỉnh bạn như Kon Tum, Bình Định dự lễ đón nhận. 
Theo ông Trần Ngọc Nhung-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch: “Trước hết cần thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về lĩnh vực di sản, đặc biệt là Luật Di sản văn hóa. Song song với đó, cần có quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo quần thể di tích. Trên cơ sở đó mới tiến hành bảo vệ từng phần, chi tiết; phục hồi tái hiện các nghi lễ, lễ hội; đầu tư hạ tầng giao thông; bảo tồn hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên gắn với quần thể di tích. Đặc biệt, khai thác giá trị di tích trong phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cần được quan tâm đúng mức”.
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.