Lưu giữ văn hóa Thái trên đất Ayun Hạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nơi thung lũng dưới đèo Chư Sê (thuộc xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) có một cộng đồng người Thái mang họ Vi vẫn đang duy trì, gìn giữ những nét văn hóa, phong tục độc đáo của dân tộc mình.
Họp họ, múa sạp, đánh cồng
Năm 1990, một nhóm người họ Vi dân tộc Thái ở tỉnh Thanh Hóa chuyển vào định cư tại xã Ayun Hạ. Từ một vài hộ đầu tiên, đến nay, vùng đất này đã hình thành khu dân gồm 31 hộ với 166 khẩu, có điều kiện kinh tế ổn định và không ít hộ khấm khá.
Đến Ayun Hạ, không khó bắt gặp hình ảnh các mẹ, các chị mặc những bộ trang phục với nhiều hoa văn đặc trưng của người Thái. Đó là những bộ váy, áo cùng chiếc khăn piêu được phối màu xanh, tím, đen… đẹp mắt. Dẫn chúng tôi đến tủ kính treo nhiều bộ váy áo đủ màu sắc của gia đình, bà Lương Thị Mắng (thôn Sơn Bình) kể: “Phụ nữ người Thái biết dệt vải, may áo quần cho mình và gia đình. Ngày trước, tôi cũng tự dệt vải và may trang phục cho mọi người trong nhà. Mấy năm nay già yếu nên tôi thường nhờ con cháu ở quê gửi vào, phần vì nếp quen và cũng là để vơi đi nỗi nhớ quê. Riêng trong những ngày họ Vi có hội họp thì tất cả phụ nữ đều mặc váy áo của dân tộc mình”. 
Bà Lương Thị Mắng chỉnh sửa hoa văn cho bộ trang phục của phụ nữ Thái. Ảnh: Thiên Di
Bà Lương Thị Mắng chỉnh sửa hoa văn cho bộ trang phục của phụ nữ Thái. Ảnh: Thiên Di
Còn có một điểm dễ nhận biết về dòng họ Vi là tiếng trống, cồng chiêng báo hiệu gia chủ có việc hiếu hỷ. Cho chúng tôi xem chiếc trống có vòng thân to chừng 2 người ôm và 2 cái cồng, chiêng được cất giữ cẩn thận trong nhà, ông Vi Văn Khiếm (chồng bà Lương Thị Mắng) hồ hởi: “Trống, chiêng này được cả họ góp tiền mua về cách đây 3-4 năm rồi. Tôi là trưởng họ nên được giao quản lý. Mỗi khi họp họ hoặc các gia đình trong dòng họ có ma chay, cưới hỏi thì mang ra sử dụng. Khi tiếng trống, tiếng cồng vang lên ở một gia đình chính là tin báo cho các thành viên trong họ biết để đến phụ giúp. Đây là nét văn hóa mang đậm bản sắc của người Thái, chúng tôi luôn kế thừa, phát huy”.
Hàng năm, trong ngày hội chung của dòng họ Vi thường có các chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” mang đậm bản sắc dân tộc với các tiết mục như nhảy sạp, múa khăn, múa trống, khập Thái (hình thức hát đối đáp giữa nam-nữ) và trò chơi dân gian. Anh Vi Văn Giới-phụ trách đội văn nghệ họ Vi-bộc bạch: “Chúng tôi có một nhóm người được giao trách nhiệm truyền dạy, tập luyện các tiết mục văn nghệ để biểu diễn trong ngày lễ quan trọng của dòng họ. Nhờ thế, những bài múa, điệu nhảy truyền thống của dân tộc được duy trì, tạo nét riêng của họ Vi ở vùng Ayun Hạ này”.
Ngoài ra, họ Vi ở Ayun Hạ còn lưu giữ được những phong tục, tập quán riêng của dân tộc mình. Độc đáo nhất là lễ cúng vía cho các thành viên trong gia đình. Nghi lễ này rất quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Khi người con trai trưởng thành, yên bề gia thất sẽ tổ chức cúng vía cho đấng sinh thành để cầu tổ tiên ban thêm sức khỏe và tạ công ơn dưỡng dục. Hoặc khi người con gái đã lấy chồng, sinh con cũng sẽ cúng vía cho anh/em trai để cầu mong điều tốt lành nhất sẽ đến với họ. Người Thái cũng sẽ tổ chức cúng vía để cầu sức khỏe cho một người nào đó khi bị ốm đau, bệnh tật (trước hoặc sau khi đi bệnh viện về). Lễ cúng vía có ý nghĩa cầu sức khỏe, an lạc và thắt chặt tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ. 
Bồi đắp giá trị văn hóa
Họ Vi là dòng họ tiêu biểu ở xã Ayun Hạ trong việc duy trì nét văn hóa của dân tộc, phát huy tinh thần hiếu học và chung tay giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Đây cũng là cách đồng bào Thái nuôi dưỡng nhân cách, giáo dục con cháu nỗ lực học hành, vươn lên làm người có ích cho xã hội, cống hiến cho quê hương thứ 2. Ông Vi Hồng Nhu-Trưởng ban đại diện họ Vi-chia sẻ: “Chúng tôi có quỹ khen thưởng để động viên con cháu học hành. Mặt khác, trong các ngày hội họp của dòng họ, các cụ cao niên sẽ truyền dạy, bảo ban con cháu những giá trị truyền thống tốt đẹp của dòng tộc để chúng tiếp thu và nỗ lực phát huy”.
Trống, chiêng do họ Vi mua để phục vụ cho hoạt động của cộng đồng. Ảnh: Thiên Di
Trống, chiêng do họ Vi mua để phục vụ cho hoạt động của cộng đồng. Ảnh: Thiên Di
Bên cạnh đó, cộng đồng họ Vi còn tiêu biểu trong hoạt động chung tay hỗ trợ nhau vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình. Số tiền gần 40 triệu đồng đóng góp ban đầu của các thành viên trong dòng họ được luân phiên cho các hộ khó khăn vay để đầu tư phát triển kinh tế. “Hộ có hoàn cảnh khó khăn sẽ được vay 5-10 triệu để làm ăn. Sau đó, các hộ vay sẽ trả lãi, tiền gốc lại cho Ban đại diện để tiếp tục cho hộ khác vay. Chúng tôi cũng vận động, bảo lãnh để các hộ khá giả cho gia đình còn khó khăn vay tiền để phát triển kinh tế. Do đó, mấy năm gần đây, họ Vi không có hộ nghèo, cận nghèo. Đối với các khoản tiền đóng góp cho hoạt động chung của thôn, xã hoặc chương trình xây dựng nông thôn mới, bà con dòng tộc chúng tôi luôn đi đầu hưởng ứng”-ông Vi Văn Khiếm-Trưởng họ Vi-cho hay.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Trần Hưng-Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Thiện-cho biết: “Họ Vi là một trong số dòng họ thực hiện tốt công tác bảo tồn, duy trì các giá trị văn hóa, phong tục độc đáo mang đậm bản sắc của người Thái. Những năm trước, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, cộng đồng họ Vi tổ chức các hoạt động văn hóa rất sôi nổi, tạo thêm một điểm nhấn cho phong trào văn hóa-văn nghệ ở địa phương. Trong phương án phát triển du lịch Phú Thiện, ngoài tour du lịch tham quan hồ thủy lợi Ayun Hạ đến Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi và một số địa điểm khác trong huyện, chúng tôi cũng tính thêm chặng tham quan những giá trị văn hóa đặc sắc của dòng họ Vi để làm phong phú sản phẩm du lịch”.
THIÊN DI

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.