Nhà văn trẻ cần chinh phục những đề tài lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các cây bút trẻ được kỳ vọng sẽ mang lại cho nền văn học sức sống sáng tạo mới thông qua những tác phẩm có sự tìm tòi, đổi mới về nội dung và hình thức. Thời gian gần đây, đã xuất hiện một lực lượng cây bút trẻ trong cả nước sớm trưởng thành, tạo dấu ấn nghề nghiệp và khát khao chinh phục những đề tài lớn về Tổ quốc, quê hương, người lính… trong tâm thế tự tin, hiện đại.

Một số tác phẩm của các nhà văn trẻ xuất bản trong thời gian gần đây.
Một số tác phẩm của các nhà văn trẻ xuất bản trong thời gian gần đây.


“Vì sao chúng ta viết” là khẩu hiệu của Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 do Hội Nhà văn Việt Nam dự kiến tổ chức vào thời điểm thích hợp tại TP Ðà Nẵng. Trong khi có những người viết chỉ coi văn chương như cuộc “dạo chơi” thì đời sống văn học hiện nay cũng đã xuất hiện nhiều cây bút trẻ chững chạc, sớm tạo được dấu ấn nghề nghiệp. Điều đó thể hiện ý thức, trách nhiệm của người cầm bút với chính tác phẩm của mình và xã hội.

Có thể điểm danh những cây bút trẻ thế hệ 8x, 9x tạo được dấu ấn nghề nghiệp, như: Lý Hữu Lương, Đinh Phương, Kiều Chinh, Nguyễn Thị Kim Nhung, Nhật Phi, Phạm Thu Hà, Đức Anh (Hà Nội); Phan Đức Lộc (Điện Biên); Vũ Thị Huyền Trang (Phú Thọ); Lê Vũ Trường Giang, Phạm Phú Uyên Châu (Huế); Trần Đức Tín, Nguyễn Đình Minh Khuê, Trần Ngọc Mai (TP Hồ Chí Minh); Lê Quang Trạng, Hoàng Thị Trúc Ly, Vĩnh Thông (An Giang)…

Trong số những tác giả này, nhiều cây bút đang công tác trong lực lượng công an, quân đội. Trung úy công an Phan Đức Lộc hiện công tác tại thị trấn Tuần Giáo (Điện Biên) là một cây bút trẻ thuộc thế hệ 9x, sở hữu hơn mười giải thưởng văn học: Giải nhất truyện ngắn cuộc thi Sáng tác văn học trẻ (2018), Giải nhì cuộc thi truyện ngắn 2018-2020 Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm,… Anh cũng xuất bản hàng chục đầu sách, đa dạng về thể loại: truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết.

Đại úy công an Trần Ngọc Mai, cán bộ Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học, Trường đại học An ninh nhân dân (TP Hồ Chí Minh) cũng là gương mặt thơ đang được chú ý. Năm 2021, anh đoạt Giải nhì cuộc thi thơ lục bát chủ đề “Quê hương và tình yêu” do NXB Trẻ phối hợp tập san Áo Trắng tổ chức, Giải ba cuộc thi “Nhân nghĩa đất phương Nam” do Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức. Lực lượng người viết trẻ trong quân đội cũng xuất hiện nhiều gương mặt sáng giá, như: Lý Hữu Lương, Đinh Phương, Nguyễn Thị Kim Nhung…

Điểm nổi bật trong sáng tác của những người viết trẻ là ngoài thể nghiệm, đổi mới về nội dung, hình thức tác phẩm, họ biết hướng sự quan tâm vào những đề tài lớn. Thể loại trường ca vốn được coi là khó chinh phục, đòi hỏi người viết phải có vốn sống, tư tưởng, nền tảng văn học… cũng đã có sự nhập cuộc sôi nổi của nhiều tác giả thế hệ 8x. Họ cho ra đời những tác phẩm về đề tài chiến tranh, người lính, thời kỳ hậu chiến như: “Bình nguyên đỏ” (Lý Hữu Lương), “Từ phía sương buông” (Nguyễn Thị Kim Nhung)…

Tác giả Lý Hữu Lương (sinh năm 1988) là một người lính dân tộc Dao đã tái hiện cuộc chiến đấu của những người lính tình nguyện Việt Nam đoàn kết cùng bộ đội Pa-thét Lào trong cuộc chiến chống quân xâm lược. Tinh thần chiến đấu quả cảm, hy sinh anh dũng và biết bao người lính vĩnh viễn nằm lại Cánh đồng Chum nước bạn chạm vào lòng người đọc niềm day dứt khôn nguôi.

Mảng lý luận phê bình từng có nhiều khoảng trống, thiếu vắng sự đóng góp của lực lượng trẻ thì nay đã xuất hiện các cây bút tiềm năng, như: Kiều Chinh, Nguyễn Hiền Trang, Nguyễn Đình Minh Khuê, Trần Thị Như Quỳnh… Điểm danh lực lượng sáng tác trẻ, không thể không nhắc đến những tác giả là người dân tộc thiểu số đã chinh phục bạn đọc với những tác phẩm bản sắc: Phùng Thị Hương Ly, Triệu Hoàng Giang (Bắc Kạn); Vàng A Giang (Lào Cai); Lâu Văn Mua (Thanh Hóa); Ksor H’Yuên (Gia Lai); H’xíu H’mok (Đắk Lắk); Kiều Maily (Ninh Thuận); Pơloong Plênh (Quảng Nam)…

Bên cạnh những điểm sáng đã bật lên, vẫn tồn tại thực trạng đáng lưu ý, đó là: Lượng tác phẩm xuất bản nhiều nhưng chất lượng chưa tương xứng; đề tài còn nhỏ lẻ, vụn vặt; chưa thể hiện rõ trách nhiệm công dân của người cầm bút…

Trao đổi về vấn đề này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: Hiện tượng này chưa đến mức trở thành cảnh báo, song cũng đã có những dấu hiệu. Khi cầm bút, nếu chỉ hướng đến câu chuyện cá nhân thì là việc khác, nhưng một khi đã mang tác phẩm đó ra đời sống thì trong đó phải có ý thức, sứ mệnh rõ ràng, lớn lao. Văn chương trong nước hay thế giới, bản chất không thay đổi, chỉ thay đổi về hình thức. Một tác phẩm hay, cần hướng con người đến những điều tốt đẹp nhất, khai mở và kêu gọi lòng vị tha, mở ra chủ nghĩa nhân ái nhân văn vô tận với cảm hứng lớn về sự sẻ chia và dâng hiến.

Trong nhiệm kỳ mới, ngoài giải thưởng cho người viết trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam xác định tầm quan trọng trong việc bổ sung đội ngũ; phát hiện, tôn vinh, bảo vệ giá trị tác phẩm văn chương; định hướng, khuyến khích thái độ, trách nhiệm của người viết trẻ với những đề tài, cảm hứng mới mẻ, lớn lao. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Hội sẽ tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn, các chuyến đi thực tế, hội thảo, tọa đàm… với chủ thể chính là người viết trẻ. Trong tương lai gần, Hội dự kiến tạo ra những diễn đàn như: tạp chí, chuyên đề, sách... chuyên đăng tải sáng tác của các cây bút trẻ và chính họ cũng góp phần quản lý, đổi mới bằng năng lực, tâm huyết của mình.

Bài và ảnh: MAI LỮ
(Dẫn nguồn NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

(GLO)- Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 580/QĐ-BVHTTDL cho phép Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích An Phú (thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku).

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.