Đak Kơ Ning bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng với đầu tư phát triển kinh tế, xã Đak Kơ Ning (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc tại địa phương.
Xã Đak Kơ Ning có 633 hộ với 5 dân tộc anh em sinh sống, trong đó, dân tộc Bahnar chiếm đa số, còn lại là người Kinh, Jrai, Tày và Mường. Những năm qua, cùng với việc quan tâm đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc được chính quyền và người dân rất quan tâm. 
Theo đó, hàng năm, UBND xã Đak Kơ Ning chủ động bám sát chương trình, kế hoạch hoạt động văn hóa của tỉnh, huyện để xây dựng phù hợp với thực tế của địa phương. Từ nguồn vốn sự nghiệp văn hóa thông tin, hàng năm, xã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa-văn nghệ như: hội thi văn nghệ quần chúng, cồng chiêng, ca múa nhạc dân gian nhằm góp phần giúp người dân hiểu được những giá trị văn hóa của dân tộc mình để chung tay gìn giữ, phát huy. 
Bà Nguyễn Thị Kim Thuê-công chức Văn hóa-Xã hội xã Đak Kơ Ning-cho biết: Công tác tuyên truyền, vận động người dân chung tay giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng. Nhiều hội thi, hội diễn được tổ chức thường xuyên trong dịp lễ hội, tạo sự gắn kết trong cộng đồng các dân tộc, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa.
Đội cồng chiêng nữ làng Nhang Lớn biểu diễn trong một lễ hội (ảnh địa phương cung cấp).
Đội cồng chiêng nữ làng Nhang Lớn biểu diễn trong một lễ hội (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh địa phương cung cấp
Đặc biệt, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng luôn được chính quyền và người dân xã Đak Kơ Ning chú trọng. Theo kết quả kiểm kê năm 2020, toàn xã có 42 bộ cồng chiêng, tăng 6 bộ so với năm 2019. Xã có 14 đội cồng chiêng, trong đó có 6 đội chiêng nữ, 2 đội chiêng nhí, 3 đội chiêng thanh-thiếu niên và 3 đội chiêng người lớn. Gần 50% hội viên phụ nữ trong xã còn duy trì nghề dệt vải và tự may các trang phục dùng trong sinh hoạt, lễ hội. Bà Đinh Thị Ói (làng Nhang Lớn) cho biết: Phần lớn phụ nữ trong làng đều biết dệt vải làm trang phục cho mình và người thân. Để có được một sản phẩm thổ cẩm ưng ý, đẹp mắt cần nhiều thời gian, nhưng mọi người đều rất vui vì bản sắc văn hóa được lưu giữ nguyên vẹn, nhìn vào hoa văn là biết trang phục của người Bahnar mình làm ra.
Trên địa bàn xã có 4 lễ hội chính mang tính cộng đồng được duy trì thường xuyên là bỏ mả, cầu mưa, cúng kêu gọi linh hồn các loại cây trồng về làng và lễ đóng cửa kho. Thời gian qua, những lễ hội này được tổ chức đúng bản sắc văn hóa dân tộc, rút ngắn thời gian. Đặc biệt, các nhà rông văn hóa được người dân tự đóng góp xây dựng. Các trò chơi dân gian vẫn được lưu truyền như: đi cà kheo, bắn nỏ, đẩy gậy.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Đát-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kông Chro-chia sẻ: Những năm gần đây, xã Đak Kơ Ning rất quan tâm đến các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Trong tháng 11 vừa qua, HĐND huyện đã tổ chức giám sát công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn. Theo đó, xã Đak Kơ Ning được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt.
NGUYỄN HỒNG

Có thể bạn quan tâm

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.