Cấp bách bảo tồn di sản văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngoài việc xây dựng cơ sở pháp lý đầy đủ và quy hoạch bảo tồn di sản chặt chẽ, cần sử dụng linh hoạt các công cụ để hài hòa lợi ích của các bên
 


Tại tọa đàm "Bảo tồn và phát huy giá trị đình làng ở TP HCM" mới diễn ra, các chuyên gia về kiến trúc, bảo vệ di sản cho rằng cần có giải pháp căn cơ, cụ thể để giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa của thành phố trước tốc độ quy hoạch phát triển đô thị ồ ạt như hiện nay.

Nguy cơ mất trắng

Cuộc tọa đàm trên do Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, Hội Di sản văn hóa TP HCM cùng Bảo tàng TP HCM tổ chức, thu hút nhiều ý kiến đề cập sự xuống cấp của cơ sở vật chất tại các đình ở thành phố hiện nay. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ Nguyễn Thanh Lợi, những ngôi đình hơn 100 năm tuổi bị xuống cấp là điều không thể tránh khỏi. Hiện nay, việc trùng tu đúng như bản gốc rất khó vì một số vật liệu xây dựng xưa khó tìm. Điều quan trọng là tìm đúng vật liệu thay thế mà vẫn giữ được hồn cốt.

Bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản TP HCM, nhận định việc trùng tu ở một số đình chưa có chiều sâu, chưa làm thật bài bản, nhất là việc gắn đình với hoạt động tại cộng đồng dân cư và kết nối với du lịch thành phố. "Nếu không chấn chỉnh kịp thời sẽ là mối nguy, có thể dẫn đến việc mất trắng các di sản quý đã gắn liền với không gian văn hóa của TP HCM" - bà Cẩm quan ngại.

Theo các nhà chuyên môn, dưới áp lực của sự phát triển theo xu hướng hiện đại và quá trình đô thị hóa, các di sản kiến trúc đã phải đối mặt với tình trạng bị tháo dỡ hoặc phá bỏ. TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định trong quá trình phát triển mạnh mẽ tại các đô thị ở Việt Nam, đặc biệt từ thập niên 1990 đến nay, số lượng các di sản quy hoạch kiến trúc bị tổn hại, hư hao, bị phá bỏ để làm dự án là rất lớn. Riêng tại TP HCM, trong năm qua, nhiều công trình kiến trúc ở những vị trí đắc địa của thành phố có nguy cơ bị mất trắng.

 

Dinh Thượng thơ gần 160 tuổi tại TP HCM. Ảnh: MINH HIẾU
Dinh Thượng thơ gần 160 tuổi tại TP HCM. Ảnh: MINH HIẾU


Nói không với bê-tông hóa

Nhiều chuyên gia, kiến trúc sư cũng phân tích để tìm giải pháp cho câu hỏi làm thế nào bảo vệ những công trình di sản kiến trúc có giá trị tại TP HCM. PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái khẳng định những công trình kiến trúc xưa cũ giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh ký ức đô thị và tạo nên bản sắc riêng cho không gian văn hóa của TP HCM.

"Cứ nghĩ đơn giản làm mới tức là đổ bê-tông cho vững chắc, điều này sai lầm. Bởi những công trình được công nhận di tích còn gắn bó với cuộc sống của người dân đô thị, ghi dấu ấn của từng giai đoạn phát triển lịch sử và lưu giữ truyền thống văn hóa. Đã đến lúc cần phải làm ngay, chấn chỉnh kịp thời và đừng kêu ca nữa" - bà Thái nhấn mạnh.

Cũng theo PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, ngoài việc xây dựng cơ sở pháp lý đầy đủ và quy hoạch bảo tồn di sản chặt chẽ, cần sử dụng linh hoạt các công cụ để hài hòa lợi ích của các bên. Bà tin rằng khi các cấp chính quyền và người dân đã nhận thức được ý nghĩa, giá trị của những di sản kiến trúc để có cách ứng xử cho phù hợp, việc nói không với bê- tông hóa trong bảo tồn di sản sẽ là tiền đề cho việc bảo vệ giá trị văn hóa, lịch sử của di sản.

TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh trước hết cần phải xây dựng hệ thống hành lang pháp lý đầy đủ và có những điều chỉnh phù hợp trong Luật Di sản. Công cuộc bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, cũng như các công trình kiến trúc nói riêng, là trách nhiệm chung của mọi người đang sinh sống trong thành phố.

Ông Ngô Viết Nam Sơn dẫn ra 3 cấp độ cần nhận diện thấu đáo. Cấp độ 1 thuộc về quản lý, đề ra chính sách. Việc này cần đến những văn bản có khung pháp lý rõ ràng và cụ thể. Nếu không cụ thể, dễ sử dụng tùy tiện những ngôn ngữ trong văn bản, khiến công trình vẫn có thể bị phá bỏ dù có những văn bản bảo vệ nó trên lý thuyết.

Cấp độ 2 là ở góc độ chuyên môn. Giới nghiên cứu trong lĩnh vực này sẽ phải là những người tiên phong, đóng sứ mệnh lớn trong việc chứng minh rằng công trình này có giá trị hay không hoặc chỉ ra nếu phải bảo tồn thì làm thế nào cho phù hợp. Giới chuyên môn phải đưa ra được những luận cứ khoa học, thuyết phục được các nhà quản lý và người dân tham gia vào công tác này. Cấp độ 3 liên quan đến người dân và những người sử dụng công trình. Họ phải hiểu bản thân sẽ được hưởng lợi từ việc bảo tồn chứ không phải làm theo phong trào.


“Ở thời đại công nghệ, nhiều di sản khi truy cập trên mạng chẳng có gì ngoài vài tấm ảnh được quảng bá đơn điệu. Cần sự kết hợp hài hòa giữa di sản với nghệ thuật sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, thơ ca...làm phong phú thêm cách giới thiệu, quảng bá với công nghệ 3D như một số bảo tàng mỹ thuật đã làm trong thời gian qua” - PGS - TS Nguyễn Thị Minh Thái gợi ý. Bà cũng cho rằng cần đẩy mạnh công tác hậu kiểm di sản, thực hiện việc tôn vinh và giải quyết chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nhà nghiên cứu có công bảo vệ di sản, đồng thời chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành di sản văn hóa...


Theo Thanh Hiệp (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.