Tết con dúi của người Bahnar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặt trời chưa hiện hình trong màn sương đặc quánh, ông A Nghem (làng Kon Ktonh, xã Kon Pne, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đã vác cuốc lên rừng. Mai là Tết con dúi, phải kiếm cho kỳ được một con để cúng Yàng.
Đào dúi là công việc không mấy dễ dàng. Hang dúi dài hàng chục mét, lúc xuyên qua những tầng cổ thụ, lúc luồn lách dưới những khóm le rậm rịt. Nhưng là người đã có kinh nghiệm, ông Nghem lấy một cây le dài luồn vào hang dò hướng đi rồi bỏ qua một đoạn mới đào tiếp. Mồ hôi ướt đẫm lưng áo ông nhưng cuối cùng thì con dúi cũng bị dồn tới bước đường cùng. Đó là một chú dúi béo múp, nặng cỡ 1 kg.
Sáng hôm sau, ông dậy sớm làm thịt dúi, xát muối để một lúc cho thấm rồi luộc chín, xuyên vào một chiếc que, ôm theo một ghè rượu cùng vợ ra nhà rông. Lúc này, mọi nhà trong làng cũng đã có mặt. Ông Nghem lấy con dúi của mình treo lên cây nêu cạnh con dúi của mọi người. Sau hồi chiêng ngân vang, già làng bước tới cây nêu khấn Yàng, đại ý là cầu cho mọi người sức khỏe, mưa thuận gió hòa, cây lúa tốt tươi, không bị thú rừng phá hoại… Rồi sau đó, mọi người cùng lên nhà rông uống rượu. Đầu tiên, họ cắt thịt dúi chấm với bột cốm. Đó là thứ bột cốm được làm từ những bông lúa đẹp nhất mà ông Nghem lựa về mấy hôm trước góp lại với dân làng. Sau khi “ăn phép” xong món này, mọi người mới ăn sang các món khác. Cho đến giữa trưa thì không gian đã nồng nàn hơi rượu, chuếnh choáng những bóng người bên ché rượu. Tiếng cồng chiêng rộn rã, tiếng người cười nói đầy sung mãn đan thành một khoảng âm thanh sôi động tưởng như rạn vỡ cả một góc rừng.
Tết con dúi, đúng như tên gọi của nó, thực chất là một lễ hội cầu mùa của người Bahnar nhằm gửi gắm ước mong một cuộc sống no đủ. Nhưng vì sao lại chọn con dúi làm biểu trưng? Theo ông Đinh A Ngưi-cán bộ Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Kbang, dúi là một con vật hiền lành, không phá hoại mùa màng. Thêm nữa, dúi là con vật siêng năng, thức ăn của nó là rễ cây, các loại trái cây rừng nên không bao giờ bị đói… Cũng theo ông A Ngưi, cách nay trên hai chục năm, đồng bào Bahnar vùng Đông Trường Sơn gần như làng nào cũng tổ chức ăn Tết con dúi, nhất là đồng bào Bahnar Kon Kơdeh (Bahnar vùng thấp). Cũng có một số làng chỉ tổ chức vào những năm mất mùa. Tết con dúi diễn ra vào những ngày cuối tháng 10, tháng 11 và đó là cái tết rất to. Người ta tập trung ăn uống, nhảy múa suốt 2-3 ngày đêm. Tuy nhiên, bây giờ, Tết con dúi gần như chỉ còn ở xã Kon Pne. Có lẽ như bà con nói, phương thức canh tác, cơ cấu cây trồng thay đổi, đặc biệt là cây lúa rẫy đã làm thay đổi niềm tin tâm linh, phai nhạt nhiều lễ thức chứ không riêng một Tết con dúi.
Tết con dúi là một nét văn hóa độc đáo của người Bahnar. Ảnh: Ngọc Tấn
Tết con dúi là một nét văn hóa độc đáo của người Bahnar. Ảnh: Ngọc Tấn
Nhưng khác với người Bahnar vùng Đông Gia Lai, người Bahnar ở Kon Tum nhiều nơi vẫn duy trì Tết con dúi hay còn gọi là Tết Et Đông. Tuy nhiên, đặc sắc nhất phải nói đến nhánh Bahnar Jơ Lâng hiện sống tập trung chủ yếu tại 2 xã Tân Lập và Đak T’re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. Lễ hội này đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 5-2021.
Cách nay vài năm, tôi được dự tết này ở làng Kon Brăp Du thuộc xã Tân Lập. Theo những người già thì xa xưa, làng vốn gốc ở huyện An Khê. Vì xung đột với các làng lân cận, khoảng năm 1912, họ di cư đến vùng đất này. Không như người Bahnar phía Đông Gia Lai ăn Tết con dúi lúc mùa màng đã kết thúc, Tết Et Đông của người Bahnar Jơ Lâng thường được tổ chức vào đầu tháng 10, khi cây lúa đang vào thời điểm ngậm hạt. Không chỉ mang tính biểu trưng, con dúi ở đây được “nâng bậc” thành “Thần dúi”.
Cũng như người Bahnar vùng Đông Gia Lai, mục đích của Tết con dúi là cầu cho mưa thuận gió hòa, cây lúa tốt tươi, nhà nhà no ấm. Tuy nhiên, về lễ thức, tiến trình thì công phu và đặc sắc hơn rất nhiều. Vào những ngày trước khi diễn ra lễ hội, mọi người đã lên rừng đào dúi. Dúi làm lễ vật cúng Yàng phải là những con to, nguyên lành, không được xây xát. Chọn được con đạt “tiêu chuẩn”, họ mang về làm thịt, ướp muối luộc chín, bọc lá chuối khô rồi gắn vào ngọn le chuốt nhẵn; đầu que uốn cong tượng trưng cho chiếc bẫy xua đuổi thú rừng. Thêm một dúm bông được gắn vào đó để thể hiện ước muốn no ăn, đủ mặc.
Sáng sớm ngày diễn ra lễ hội, con dúi cùng một ché rượu được mọi nhà lần lượt mang đến nhà rông buộc vào một cây nứa. Có thể nói cây nêu Tết là một công trình nghệ thuật đầy sinh động. Với ý nghĩa tôn vinh cây lúa là nguồn sống bao đời của con người, họ cạy lớp vỏ tre chuốt thành hình những bông lúa đầy sống động. Cùng với những hạt cườm đủ màu sắc, gắn tua hình bông hoa sặc sỡ, cây nêu trông như một cây pháo bông đang bung nở giữa trời. Sau hồi trống ngân dài báo hiệu giờ hành lễ, già làng bước đến trước cây nêu đọc lời khấn, thể hiện ước muốn của dân làng. Kết thúc phần lễ, tiệc ăn uống sẽ kéo dài suốt 2 ngày đêm. Không gian làng như vỡ ra bởi điệu chiêng và những vòng xoang rậm rịch. Không khí vui tươi, lạc quan rạng rỡ mọi gương mặt già trẻ… Với người Bahnar vùng Đông Gia Lai, lễ Sơmă Kơcham đánh dấu sự bắt đầu một chu kỳ sản xuất tiếp theo cùng với những công việc hệ trọng. Trong khi đó, người Bahnar Jơ Lâng xem Tết Et Đông là điểm khởi đầu không chỉ sản xuất mà còn của những việc lớn như làm nhà, cưới hỏi, mua sắm chiêng ché, trâu bò… Ai cũng tin tưởng một năm mới mùa màng sẽ tốt tươi, muôn việc đều tốt đẹp khi mọi lời khẩn cầu của họ đã vọng đến tai các vị thần linh.
Lấy con vật hoang dã làm biểu trưng để gửi gắm ước mơ về một cuộc sống mà con người vẫn bao đời mong ước, lấy nghệ thuật làm phương tiện để củng cố mối gắn kết thiêng liêng, bền chặt giữa các thành viên với cộng đồng là ý nghĩa nhân văn của Tết con dúi, dù niềm tin tâm linh trong cuộc sống hiện đại có thể ít nhiều mai một.
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.