Thiêng liêng mùa Vu lan báo hiếu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù ở thời nào thì đạo hiếu cũng được đề cao, gìn giữ và phát huy như một vốn quý của dân tộc. Và, tháng 7 Âm lịch hàng năm là thời điểm mọi người cùng hướng về Đại lễ Vu lan-mùa báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

Vu lan là dịp để mọi người dành nhiều thời gian nghĩ về ơn cha nghĩa mẹ. Mỗi chúng ta vẫn không khỏi bùi ngùi khi nghe giai điệu trầm cảm sâu lắng với những ca từ chan chứa nỗi niềm của tình mẫu tử trong nhạc phẩm “Bông hồng cài áo” của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ: “Một bông hồng cho những ai, cho những ai, đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn. Rủi mai này, mẹ hiền có mất đi, như đóa hoa không mặt trời, như trẻ thơ không nụ cười, như đời mình không lớn khôn thêm, như bầu trời thiếu ánh sao đêm…”. Ca từ trong nhạc phẩm như thay lời muốn nói trong trái tim của mỗi người rằng: Sẽ là niềm tự hào lớn lao cho những ai may mắn khi mẹ kính yêu còn sống trên đời!

 Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh ủng hộ vật tư y tế cho các cơ sở điều trị bệnh Covid-19 trước dịp lễ Vu lan năm nay. Ảnh: Thanh Nhật
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh ủng hộ vật tư y tế cho các cơ sở điều trị bệnh Covid-19 trước dịp lễ Vu lan năm nay. Ảnh: Thanh Nhật


Dù ở thời nào thì đạo hiếu cũng được đề cao, gìn giữ và phát huy như một vốn quý của dân tộc. Đó còn là căn bản của luân thường đạo lý, là văn hóa ứng xử không thể thiếu để đánh giá nhân cách của một con người. Theo Hòa thượng Thích Tâm Tường-Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Gia Lai, thành viên Ban Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh: “Đạo Phật đã có mặt trên đất nước Việt Nam ta hơn 2.000 năm, giáo lý của Đức Phật Thích Ca đã hòa nhập vào đời sống văn hóa của người Việt một cách hài hòa và sâu sắc, tạo cho nền văn hóa Việt Nam một đặc trưng vừa mang đậm nét dân tộc và dấu ấn của Phật giáo. Do đó, Vu lan đã mang đậm ý nghĩa thiết thực trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam”.

Hòa thượng lý giải thêm: “Trong quan niệm của Phật giáo, ý nghĩa đúng đắn và đầy đủ của sự báo hiếu không những chỉ dừng ở một lễ Vu lan. Không phải mỗi năm chỉ tổ chức một lần đã tự cho mình là người con chí hiếu. Công ơn cha mẹ như trời biển, làm con suốt đời báo ơn cha mẹ vẫn không đủ. Báo hiếu có nhiều cách, nhưng không ngoài hai phương diện là vật chất và tinh thần. Trong đó, báo hiếu về tinh thần là phải làm cho cha mẹ được yên vui, thanh tịnh trong hiện tại và cả tương lai”.

Bà Hoàng Thị Thương-phật tử tại chùa Phổ Hiền (xã Trà Đa, TP. Pleiku) chia sẻ: “Ở ngưỡng tuổi gần 70, tôi thấy rất mãn nguyện vì các con đều có gia đình riêng êm ấm, hạnh phúc, có công việc làm và cuộc sống ổn định. Con cháu sống có đạo đức, luôn hiếu thảo quan tâm chăm lo cho cha mẹ, tôn kính ông bà tổ tiên”. Còn bà Nguyễn Thị Lan-phật tử ở tịnh xá Ngọc Phúc, thành viên nhóm từ thiện Từ Tâm Gia Lai thì bày tỏ: “Mỗi dịp Vu lan, tôi thường cùng anh chị em trong nhóm tổ chức các hoạt động thiện nguyện để chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Vợ chồng tôi thường động viên, nhắc nhở con cháu phải biết gìn giữ nếp sống gia đình, trở thành công dân có ích cho xã hội”.

  Các chùa, tịnh xá trên địa bàn TP. Pleiku hạn chế tiếp xúc và không tổ chức các nghi lễ tập trung để phòng dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Thanh Nhật
Các chùa, tịnh xá trên địa bàn TP. Pleiku hạn chế tiếp xúc và không tổ chức các nghi lễ tập trung để phòng dịch Covid-19. Ảnh: Thanh Nhật


Trao đổi với P.V, Hòa thượng Thích Từ Vân-Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh-nhấn mạnh: Mùa Vu lan năm nay, các chùa và tịnh xá trên địa bàn tỉnh cùng tăng ni và bà con phật tử cần thực hiện tốt quy định về phòng-chống dịch Covid-19. Tiếp tục phát huy tinh thần từ bi cứu khổ, quan tâm các hoạt động từ thiện xã hội giúp đỡ người nghèo khó, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thể hiện tình dân tộc, nghĩa đồng bào; đồng thời, gắn với tinh thần báo hiếu tứ ân của Phật giáo, trong đó có ân quốc gia và dân tộc, luôn tưởng nhớ công ơn các thế hệ anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.
 

 THANH NHẬT
 

Có thể bạn quan tâm

Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.