Tạ ơn mẹ lúa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Canh tác nương rẫy là phương thức sản xuất lâu đời và kinh tế nương rẫy đóng vị trí hàng đầu của các tộc người vùng Trường Sơn-Tây Nguyên. Lúa là cây lương thực chính duy trì cuộc sống của dân làng. Người làm ra hạt lúa chính là người phụ nữ, người mẹ. Nhiều tộc người quan niệm hồn lúa, thần lúa là người mẹ, là nữ thần mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho gia đình và buôn làng. Bởi vậy, nghi lễ quan trọng nhất là lễ ăn cơm mới để tạ ơn mẹ lúa.
Các tộc người vùng Trường Sơn-Tây Nguyên rất tin vào thần lúa, mẹ lúa. Họ quan niệm rằng, mẹ lúa là phúc thần luôn gần gũi với gia đình, buôn làng. Khi mẹ lúa ở lại với gia đình mình thì sẽ luôn được mùa, ăn đủ năm. Lúa dư thừa có thể đổi trâu bò, tài sản, vật dụng trong gia đình. Nếu vi phạm các điều kiêng cữ, mẹ lúa sẽ bay về trời, làm rẫy lúa xấu, mất mùa, đói kém. Từ đó, đồng bào có những điều kiêng cữ để cầu mong thần lúa phù hộ.
Việc canh tác lúa rẫy phụ thuộc vào thiên nhiên. Nhiều gia đình làm rẫy to, tỉa mất 4-5 gùi lúa giống, nhưng khi thu hoạch chỉ được vài chục gùi hoặc chỉ vài gùi. Năm bị mất mùa, thiếu ăn, dân làng phải đào củ mài để cầm cự qua ngày. Lúc đó, 1 con trâu bò chỉ đổi được từ 10 đến 15 gùi lúa, con trâu đực to mới được 20 gùi. Nhưng không phải ai cũng có nhiều lúa để mà đổi nên nhiều người đành phải chịu sống qua ngày với củ mài, trái giẻ, đọt măng.
Đồng bào M’Nông ở Nam Tây Nguyên có nhiều nghi lễ cúng mẹ lúa và thực hành nhiều điều kiêng cữ liên quan đến hồn lúa, nhất là lúc thu hoạch. Khi gùi lúa từ rẫy về nhà, họ phải hết sức cẩn thận, xem lại dây quai có chắc không. Nếu đang đi mà bị đứt dây gùi làm đổ lúa trên đường thì thần lúa sẽ hoảng sợ bay đi, không còn ở với gia đình mình nữa. Mang lúa qua cầu, lội qua suối càng phải cẩn thận, không để đứt dây gùi hoặc vấp ngã làm lúa đổ xuống nước, xuống bùn, làm thần lúa bị chết đuối. Chiếc gùi đựng lúa, cái nia phơi lúa khi lấy xuống, treo lên sàn, lên vách phải nhẹ nhàng, không làm rơi khiến thần lúa đang ở trong gùi, trong nia sợ hãi bỏ đi. Chiếc cối, cái chày giã gạo cất vào, lấy ra nhẹ nhàng. Muốn rửa cối phải nghiêng từ từ mà đổ nước bên trong ra, không được để ngã cối, ngã chày.
Cô gái Cơ Tu nâng niu những bông lúa đến mùa thu hoạch. Ảnh: Tấn Vịnh
Cô gái Cơ Tu nâng niu những bông lúa đến mùa thu hoạch. Ảnh: Tấn Vịnh
Khi chòi rẫy bị cháy, dù chỉ bị cháy ít hạt lúa hoặc khi sấy lúa bất cẩn làm rơi hạt vào lửa, thần lúa sẽ quở phạt, làm cho gia đình bị ốm đau hoặc gặp rủi ro. Muốn cho thần lúa hết giận, trở về với gia đình thì phải cúng tạ lỗi. Trường hợp làm cho thần lúa sợ hãi bay đi thì chỉ cần cúng rượu, gà hoặc heo. Đến ngày lễ cúng lúa mừng lúa mới phải hiến sinh một con bò để gọi thần lúa trở về với gia đình. Trường hợp lỡ làm lúa bị rơi xuống suối, xuống bùn sình lầy, hạt lúa bị cháy phải cúng đủ lễ để bồi thường thiệt hại cho thần lúa. 
Mừng lúa mới là lễ nghi lớn nhất của đồng bào Pa Cô ở núi rừng Trường Sơn. Trong lễ hội này, đồng bào làm cây nêu rất kỳ công. Bông cây nêu tượng trưng cho bông lúa vàng chắc hạt, thể hiện sự tôn thờ của con người đối với mẹ lúa đã ban cho gia đình, buôn làng mùa màng bội thu. Đối với người Cơ Tu, mùa thu hoạch lúa là dịp để họ ăn mừng những hạt lúa mới, mừng một vụ mùa bội thu, gọi là lễ hội cha ha roo tamêê. Trước khi vào lễ, người phụ nữ lớn tuổi đeo gùi lên rẫy tuốt những bông lúa chín vàng đầu tiên đem về giã gạo nấu cơm. Những bông lúa trĩu hạt chín vàng được họ buộc thành từng chùm treo lên vách nhà. Lúc đó, họ lấy lúa trên nhà kho (crlăng) xuống để nấu xôi, làm bánh.
Tín ngưỡng thờ mẹ lúa là nét đặc trưng của các tộc người vùng Trường Sơn-Tây Nguyên. Niềm tin, tập tục và những thực hành kiêng cữ của đồng bào thể hiện quan niệm, ứng xử giàu tính nhân văn. Người mẹ lúa trong đời sống tâm linh của đồng bào các dân tộc nơi đây mang hình ảnh và rất gần gũi với người mẹ, người phụ nữ ngoài đời thực. Đôi vai người mẹ trĩu nặng lưng gùi như cây lúa oằn bông, tràn đầy nhựa sống. Mẹ lúa chính là người mẹ đảm đang, tảo tần chăm lo nương rẫy, đảm đang việc nhà, nuôi dưỡng, chăm sóc con cái, mang khát vọng ấm no, hạnh phúc cho mỗi gia đình và cộng đồng.
TẤN VỊNH

Có thể bạn quan tâm

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.