Những gia đình bảo tồn văn hóa dân tộc ở Ia Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với mong muốn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Jrai, nhiều gia đình ở huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đang cố gắng bảo tồn và truyền dạy lại cho lớp kế cận những nét văn hóa âm nhạc đặc sắc của dân tộc mình.

1. Theo lời giới thiệu của anh Rmah Máy-cán bộ Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Ia Pa, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Siu A Nhuel (SN 1956, buôn Ia Rniu, xã Ia Broăi). Mặc dù bận rộn với công việc nương rẫy nhưng ông A Nhuel vẫn tranh thủ giới thiệu với chúng tôi bộ chiêng cổ Arap và các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình như: đàn trưng, kni, goong...

Ông Siu A Nhuel và con trai tập luyện các nhạc cụ truyền thống của người Jrai. Ảnh:  R'Ô HOK
Ông Siu A Nhuel và con trai tập luyện các nhạc cụ truyền thống của người Jrai. Ảnh: R'Ô HOK


Trò chuyện về cơ duyên đến với cồng chiêng, ông A Nhuel trải lòng: Từ nhỏ, ông đã đam mê với âm thanh trầm bổng của tiếng cồng chiêng. Bởi vậy, mỗi khi làng có sự kiện, lễ hội là ông thường đi theo và sau đó được các già làng kèm cặp, truyền dạy đánh các bài chiêng truyền thống. Với tố chất thông minh, không bao lâu, ông đã đánh thành thục các nhạc cụ nên được đưa vào đội chiêng của địa phương để đi biểu diễn khắp nơi.

Ông A Nhuel thổ lộ: “Thầy mình là ông Kpă Tôk ở buôn Broăi, xã Ia Broăi. Trước đây, mình thường theo ông đi biểu diễn cồng chiêng và chỉnh chiêng. Danh tiếng của ông được nhiều người biết đến. Sau khi đất nước thống nhất, mình nằm trong đội văn nghệ của địa phương nên thường xuyên được biểu diễn ở TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đak Lak. Trong các buổi biểu diễn, 2 thầy trò thường diễn tấu các bài như: lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu... được khán giả thích thú và đánh giá cao. Qua mỗi chuyến đi như vậy, mình học được nhiều kinh nghiệm lắm. Chính vì vậy, niềm đam mê cồng chiêng cứ lớn lên theo mùa rẫy”.

Với 1 bộ chiêng Arap (12 cái) tại nhà riêng của mình, tận dụng lúc rảnh rỗi, ông còn mở lớp dạy cồng chiêng cho thanh-thiếu niên trong làng, mỗi khóa 15 thành viên. Nhờ vậy, nhiều thế hệ học trò và con của ông là một trong những thành viên đội chiêng của xã thường xuyên đi biểu diễn ở các hội thi do các cấp tổ chức và đạt giải cao. Gần đây nhất, đội cồng chiêng của xã Ia Broăi đạt giải nhì tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Pa lần thứ III-2018. Tháng 6-2020, ông cùng các thành viên đại diện tỉnh đi biểu diễn ở Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Khu du lịch Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội).

Niềm vui lớn nhất là 5 người con của ông đều là thành viên đội cồng chiêng của địa phương. Anh Kpă Tư (SN 1994) chia sẻ: “Từ nhỏ, mình được cha truyền dạy. Bây giờ, mình đã thành thạo đánh các loại chiêng và chơi một số nhạc cụ truyền thống. Mình rất đam mê các loại nhạc cụ của người Jrai và sẽ học thêm cách chế tác nhạc cụ để tiếp nối truyền thống của cha ông, để nét đẹp truyền thống không bị mai một”. Còn anh Ksor Yiên thì chia sẻ: “Năm 2019, mình tham gia lớp truyền dạy cồng chiêng của ông A Nhuel. Được ông tận tình chỉ dạy cách cầm dùi gõ chiêng, giữ nhịp điệu... nên mình học chỉ trong một thời gian ngắn là thành thục. Bây giờ, mình được cử vào đội chiêng của địa phương”.

2. Tại buôn Plei Pa Ama Đă (xã Chư Mố), anh Ksor Nghĩa là người đánh chiêng khá nổi tiếng. Sau khi lấy vợ, anh Nghĩa được bố vợ là ông Rmah Nuôt truyền dạy đánh chiêng. Năm 2019, anh Nghĩa trở thành thành viên chính trong đội cồng chiêng thanh niên của huyện Ia Pa tham dự Liên hoan cồng chiêng, hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc thanh-thiếu niên tỉnh Gia Lai lần thứ IV-2019 do Tỉnh Đoàn tổ chức tại huyện Chư Sê và đạt giải ba.

 Anh Ksor Nghĩa là thành phần không thể thiếu của đội cồng chiêng xã Chư Mố. Ảnh: R'Ô HOK
Tại buôn Plei Pa Ama Đă (xã Chư Mố, huyện Ia Pa), anh Ksor Nghĩa là người đánh chiêng khá nổi tiếng. Ảnh: R'Ô HOK


Anh Nghĩa bộc bạch: “Năm 2012, mình tốt nghiệp Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai (nay là Trường Cao đẳng Gia Lai). Ngoài niềm đam mê ca hát và chơi guitar, mình rất thích cồng chiêng. Chính vì vậy, mình tích cực học hỏi từ bố vợ và học thêm người già trong làng nên mình đánh ngày càng thành thục”.

Cũng theo anh Nghĩa, hiện nay, rất ít người trẻ biết chơi các loại nhạc cụ dân tộc. Vì vậy, anh rất muốn khơi gợi tình yêu âm nhạc cho lớp trẻ để góp phần bảo tồn vốn văn hóa quý.

Toàn huyện có 99 bộ cồng chiêng với 3 loại chiêng. Trong đó, chiêng Djal (cải tiến) 39 bộ, chiêng Kđơ (hay còn gọi Tnah, Mnhum) 31 bộ và chiêng Arap 29 bộ; 1.230 người biết đánh chiêng; 9 người biết chỉnh chiêng; 15 người biết chế tác các nhạc cụ truyền thống và sử dụng như đàn trưng; 75 người biết tạc tượng; 40 người biết hát dân ca (dân ca Jrai, dân ca Tày...); 65 người biết kể sử thi; 430 người biết dệt thổ cẩm, 519 người biết đan lát.

 R'Ô HOK
 

Có thể bạn quan tâm

Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.