Thổ cẩm làng Chuét Ngol vươn ra thị trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm duy trì và phát triển nghề truyền thống, biến thổ cẩm thành hàng hóa, mới đây, Tổ hợp tác dệt thổ cẩm của làng làng Chuét Ngol (xã Chư Á, TP. Pleiku) đã được thành lập.
Chiều chiều, sau khi xong việc ruộng rẫy, 6 chị em trong Tổ hợp tác dệt thổ cẩm làng Chuét Ngol lại tập trung tại nhà chị H’Yứt để dệt vải. Bên khung dệt, những đôi tay thô ráp quen với công việc đồng áng trở nên mềm mại, khéo léo. Không gian vang tiếng lách cách vui tai, đều đặn theo nhịp tay của các chị.
Thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm làng Chuét Ngol tập trung tại nhà chị H’Yứt để dệt vải. Ảnh: Trần Dung
Thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm làng Chuét Ngol tập trung tại nhà chị H’Yứt để dệt vải. Ảnh: Trần Dung

Chị H’Yứt-Tổ trưởng Tổ hợp tác-chia sẻ: “Chúng tôi lớn lên là biết dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, chị em trong làng mới chỉ dừng lại ở việc dệt cho các thành viên trong gia đình. Nhiều người lâu dần cũng quên đi cách dệt, nhất là làm sao để có thổ cẩm đẹp, hoa văn giàu ý nghĩa”. Từ thực tế đó, sau nhiều trăn trở, chị H’Yứt đã vận động một số chị em trong làng tập hợp lại để cùng phát triển nghề dệt thổ cẩm. Theo chị, dệt thổ cẩm không chỉ đòi hỏi tính kiên trì, nhẫn nại mà cần sự tỉ mỉ, khéo léo, tinh tế của người dệt. Để có một tấm thổ cẩm chắc chắn, hoa văn đẹp mắt, độc đáo, người thợ cần sự tinh tế và khiếu thẩm mỹ. “Mình muốn thổ cẩm làng Chuét Ngol sẽ mang một sức sống mới với những đường dệt tinh xảo, không chỉ phục vụ người dân trong làng mà còn chinh phục du khách gần xa”-chị H’Yứt kỳ vọng.

Cùng chung niềm mong mỏi ấy, chị H’Yưng cho hay: “Chị em trong làng trước giờ chỉ quen với việc ruộng rẫy và lâu lâu mới mở khung dệt khi có dịp đặc biệt. Bởi vậy, chúng tôi cùng nhau trao đổi để dệt nên những tấm thổ cẩm có hoa văn sinh động, sắc sảo, ý nghĩa và mang nét riêng của làng”. Theo đó, hoa văn trên trang phục cũng như trên các vật dụng làm từ thổ cẩm của người Jrai ở làng Chuét Ngol thường theo mô típ tượng trưng, cách điệu các hình tượng từ thiên nhiên và đời sống thường ngày như hoa lá, động vật.
Chị H'Yưt tự hào với đường nét hoa văn của thổ cẩm làng Chuet Ngol. Ảnh Trần Dung
Sau nhiều trăn trở, chị H’Yứt đã vận động một số chị em trong làng Chuét Ngol tập hợp lại để cùng phát triển nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: Trần Dung
Với mong muốn phát triển nghề dệt thổ cẩm, chị em phụ nữ làng Chuét Ngol đã đứng ra thành lập tổ hợp tác dựa trên quá trình tham vấn, hỗ trợ về mặt pháp lý của UBND xã. Tổ hợp tác dệt thổ cẩm làng Chuét Ngol hoạt động dựa trên nguyên tắc tự chủ về tài chính, hợp tác và phát triển cộng đồng với mức đóng góp vốn của mỗi thành viên là 500.000 đồng; sản xuất tập trung tại một địa điểm theo mô hình của làng dệt thổ cẩm truyền thống.
Chị H’Thi-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Chuét Ngol-cho biết: Tuy mới thành lập vào tháng 5-2021 nhưng Tổ hợp tác hoạt động khá hiệu quả. Tổ đã nhận được nhiều đơn hàng với giá từ 1,2 đến 2 triệu đồng/sản phẩm. Cách làm này không chỉ góp phần duy trì và bảo tồn nghề truyền thống, phát huy hiệu quả kinh tế mà còn tạo sinh kế bền vững cho chị em phụ nữ dân tộc thiểu số.
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Những người “giữ lửa” dân ca Jrai

Những người “giữ lửa” dân ca Jrai

(GLO)- Với người Jrai, hát dân ca là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt. Vì vậy, những người biết hát dân ca luôn quan tâm tới việc bảo tồn, lưu giữ và khơi gợi niềm đam mê cho thế hệ trẻ để góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

(GLO)- Trong các nghi lễ truyền thống của người Jrai thì lễ bỏ mả mang đậm nét văn hóa dân gian, là lễ hội nổi trội nhất, hấp dẫn nhất và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo quan niệm của người Jrai, lễ bỏ mả là ngày vui cộng cảm, ngày hội của cộng đồng.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.