Kbang gìn giữ "báu vật" cồng chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) hiện có khoảng 690 bộ cồng chiêng được lưu giữ trong dân và cộng đồng thôn, làng. Số lượng cồng chiêng lớn phần nào cho thấy, công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc rất được cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương quan tâm. 
Xã Kông Lơng Khơng hiện còn lưu giữ được nhiều cồng chiêng nhất huyện với 92 bộ. Ông Đinh Văn Lum-Phó Chủ tịch UBND xã-cho hay: Xã có 7 làng người dân tộc Bahnar, 1 thôn người Kinh và 1 làng người dân tộc Tày, Nùng. Những năm qua, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của huyện, UBND xã đã chỉ đạo rà soát, xây dựng kế hoạch gìn giữ, bảo tồn cồng chiêng trên địa bàn.
Theo đó, giai đoạn 2016-2020, xã đã phối hợp với đội ngũ già làng, người uy tín tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động người dân không bán cồng chiêng. Đồng thời, UBND xã xuất ngân sách 25 triệu đồng, cộng với 108 triệu đồng mà người dân các làng Mơ Tôn, Mơ Hven-Ôr, Mơ Hra-Đáp, Bờ-Chư Pâu và Dơng đóng góp để mua 5 bộ cồng chiêng tập thể. Nhiều cá nhân vừa gìn giữ, vừa mua thêm đã làm tăng số lượng cồng chiêng. 
“Hiện nay, 2 làng Pờ Ngăl và Kgiang chưa có bộ chiêng chung. Ủy ban nhân dân xã sẽ chỉ đạo trưởng thôn cùng già làng vận động người dân đóng góp tiền để mua. Bên cạnh đó, xã cũng sẽ chỉ đạo các ban, ngành, hội, đoàn thể phối hợp với các thôn, làng tuyên truyền những cá nhân, tập thể đang lưu giữ cồng chiêng tăng cường trách nhiệm, có biện pháp bảo quản hiệu quả số cồng chiêng hiện có”-ông Lum thông tin thêm.
Ông Đinh Các (làng Bờ-Chư Pâu, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) bên những bộ cồng chêng. Ảnh: Ngọc Minh
Ông Đinh Các (làng Bờ-Chư Pâu, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) bên những bộ cồng chiêng của gia đình. Ảnh: Ngọc Minh
Ông Đinh Các (làng Bờ-Chư Pâu) là một trong những người lưu giữ cồng chiêng nhiều nhất xã Kông Lơng Khơng với 4 bộ, trong đó có 1 bộ do cha mẹ ông để lại. Ông kể: “Năm 1989, nghe tin người xã bên bán cồng chiêng, mình dắt con trâu mẹ đang mang thai sang đổi lấy bộ chiêng 15 cái. Đến nay, bộ chiêng này vẫn được gia đình mình sử dụng, thỉnh thoảng cho các nghệ nhân trong làng mượn về để luyện tập, truyền dạy cho các cháu thiếu niên”.
Sau lần đó, vào năm 1998 và năm 2009, ông Các tiếp tục đổi 4 con bò (giá trị hơn 50 triệu đồng) lấy 2 bộ chiêng. “Phải có duyên và may mắn mới đổi được những bộ chiêng quý này. Mình sẽ để lại số cồng chiêng cho các con. Mình mong con cháu biết trân quý, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của ông cha”-ông Các chia sẻ.  
Ở xã Tơ Tung, ông Đinh Jrang (làng Leng) cũng là người lưu giữ nhiều bộ cồng chiêng. Sau gần 45 năm nỗ lực sưu tầm, ông Jrang đang sở hữu 7 bộ chiêng. Ông tâm sự: “Bố mẹ mình nghèo, không có cồng chiêng để lại. Thấy nhà người ta có cồng chiêng, mình thích lắm. Năm 1975, có người mang bộ cồng chiêng đến làng bán, mình ưng cái bụng, vợ mình cũng thế. Do không có tiền, vợ chồng mình quyết định đổi 10 gùi lúa lấy bộ cồng chiêng gồm 6 chiếc cồng và 8 chiếc chiêng. Bộ cồng chiêng này có kích thước vừa phải, rất thích hợp cho việc trình diễn, âm thanh trầm vang ổn định, ít khi bị lạc âm. Chính vì thế, mỗi khi làng có công việc đều đến gia đình mình mượn bộ cồng chiêng về sử dụng”.
Theo ông Jrang, cũng vì trân trọng giá trị cồng chiêng nên gia đình ông đã nỗ lực lao động để tiền mua thêm 6 bộ cồng chiêng trong những năm sau này. Đồng thời, với uy tín của mình, ông cũng đã tuyên truyền, vận động người dân trong làng không bán cồng chiêng. Hiện nay, hơn 10 hộ dân của làng Leng còn lưu giữ 21 bộ cồng chiêng. 
Ông Đinh Jrang (làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang) gìn giữ bộ cồng chiêng mua từ năm 1975. Ảnh: Ngọc Minh
Ông Đinh Jrang (làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang) gìn giữ bộ cồng chiêng mua từ năm 1975. Ảnh: Ngọc Minh
Ông Nguyễn Văn Dũng-Chủ tịch UBND huyện Kbang-cho biết: Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mà ý thức bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc của người dân ở địa phương ngày càng được nâng lên. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng, huyện đã đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa-văn nghệ và liên hoan nghệ thuật cồng chiêng. 3 năm gần đây, huyện tổ chức Ngày hội du lịch thu hút đông đảo nghệ nhân, người dân tham gia trình diễn cồng chiêng.
“Thời gian tới, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành chức năng tích cực phối hợp thực hiện các cơ chế, chính sách, trong đó quan tâm đến chính sách bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể nói chung, cồng chiêng nói riêng. Đặc biệt, kịp thời khen thưởng các cá nhân, hộ gia đình có nhiều thành tích trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống”-ông Dũng cho biết. 
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.