Đi tìm di chỉ gốm Champa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bình Định là vùng đất cổ, từng là kinh đô của vương quốc Chiêm Thành (còn gọi là Champa) suốt gần 500 năm (từ thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XV). Đến nay, bên cạnh hàng chục cổ tháp thách thức với thời gian, ngành Văn hóa tỉnh Bình Định còn quản lý nhiều di chỉ gốm khá bề thế của cư dân Champa thời thịnh hành như: di chỉ lò gốm Lai Nghi ở Nhơn Mỹ, di chỉ gốm Trường Cửu bên bờ Nam sông Côn và di chỉ gốm Gò Hời, Gò Cây Ké ở Tây Sơn. Đặc biệt là di chỉ gốm Gò Sành ở thôn Phụ Quang, xã Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn.
Tôi vượt qua sông Cửa Tiền, một chi lưu của sông Côn (còn gọi là sông Trường Thi) để tìm về làng Phong Đông (thôn Phụ Quang) vào buổi trưa đầy nắng. Nơi này chính là trung tâm gốm cổ của người Chăm, cách kinh thành Đồ Bàn xưa (Vijaya) không xa lắm. Ngày nay, di chỉ gốm Gò Sành nằm lẩn khuất trong khu dân cư nên khó nhận biết nếu không có 2 tấm bia di tích được dựng lên năm 1998, trên đó ghi rõ: “Di tích khảo cổ lò Cây Quăng” và “Di tích khảo cổ lò Cây Mận”.
Được biết, trước năm 1975, giới buôn đồ cổ đã sưu tầm được một số hiện vật như: chậu, bát, đĩa, thạp, lọ hoa… có xuất xứ từ các lò gốm cổ ở Bình Định. Từ đó, các chuyên gia khảo cổ ở Sài Gòn đã tìm đến khảo sát ở vùng Phụ Quang, Nhơn Hòa ngày nay. Tuy họ không tổ chức khai quật di chỉ nơi này nhưng qua một số tư liệu và hiện vật còn lại, nhóm chuyên gia này đã khẳng định đây là vùng có nhiều lò gốm cổ mà chủ nhân là người Chăm, thuộc thời kỳ thịnh hành của kinh đô Vijaya. Địa danh “gốm Gò Sành” có từ khi ấy. 
Sau ngày thống nhất đất nước, từ những thông tin được nhắc đến trong luận án tiến sĩ về nghệ thuật gốm cổ Đông Nam Á của Rosana Brown (người Mỹ), trong đó có một chương nghiên cứu gốm cổ Gò Sành, Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Bình Định cùng các chuyên gia người Nhật đã tiến hành nhiều đợt khai quật tại vùng này, từ đó phát hiện hàng chục dấu tích lò nung gốm cổ, trong đó nhiều lò còn khá nguyên vẹn, có cấu trúc, thiết kế lạ (lò có dạng hình ống) không giống với cách xây cất lò nung gốm truyền thống của người Việt xưa. 
Di tích khảo cổ lò Cây Quăng. Ảnh: Bùi Quang Vinh
Di tích khảo cổ lò Cây Quăng. Ảnh: Bùi Quang Vinh
Ông Trần Ngọc Lang (73 tuổi, thôn Phụ Quang) là người từng tham gia các đợt khai quật di chỉ lò gốm cổ trên quê hương mình. Trò chuyện với tôi, ông cho biết: Gia đình ông sinh sống lâu đời ở nơi này nhưng không hề biết dưới lòng đất có những lò gốm cổ. Mặc dù trước đó trẻ con thường nhặt được những mảnh sành hay chén bát sành sứt mẻ về làm đồ chơi nhưng không ai để ý đó là di vật của người xưa. Hiện nay, các di vật tại di chỉ gốm Gò Sành còn được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Định, gồm các loại bát, đĩa, chậu tráng men, bình vại tráng men, ngói tráng men, ngói không men và vật trang trí kiến trúc…
Sau này, giới nghiên cứu về gốm cổ đã phát hiện nhiều di vật gốm Gò Sành xuất hiện trong cộng đồng người Mạ ở Lâm Đồng và một số vùng của Tây Nguyên. Người ta đang nghi vấn loại ché cổ có tráng men nâu mà các dân tộc ít người ở Trường Sơn-Tây Nguyên dùng làm ché rượu cần truyền thống là có xuất xứ từ Gò Sành, nhưng chưa được kiểm chứng. Không những thế, sau khi phát hiện hàng ngàn đồ gốm cổ Gò Sành từ con tàu đắm ngoài khơi thuộc hải phận Philippines, giới nghiên cứu cho rằng, gốm cổ nơi này đã tham gia vào thị trường xuất khẩu sang các nước vùng Đông Nam Á và xa hơn là Ai Cập.
Về niên đại của những lò gốm Gò Sành, các chuyên gia khảo cổ cho rằng nó xuất hiện muộn hơn sau khi xây dựng kinh thành Vijaya, tức là từ khoảng thế kỷ XIII đến XV. Trong giai đoạn này, người Chăm đã giao lưu buôn bán với các giới thương thuyền nước ngoài nhiều loại sản vật, trong đó có đồ gốm thông qua một số cảng thị như: Thị Nại, Cửa Thử, Đề Gi…
Việc phát hiện các di chỉ lò gốm cổ của người Chăm ở Bình Định, đặc biệt là ở trung tâm gốm Gò Sành không những làm phong phú thêm các tầng văn hóa trên vùng đất võ mà giúp giới nghiên cứu có những tư liệu xác thực về kỹ thuật, nghệ thuật chế tác gốm truyền thống của các nước trên thế giới.
BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm

Một thời sưu tầm văn nghệ dân gian

Một thời sưu tầm văn nghệ dân gian

(GLO)- Tôi sinh hoạt cùng anh chị em văn nghệ sĩ ở Gia Lai-Kon Tum từ những năm cuối thập niên tám mươi của thế kỷ trước. Khi ấy, phong trào nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian (Folklore) đang rộ lên. Tôi tự cảm thấy đây là lĩnh vực cũng cần tìm hiểu và có trách nhiệm với nơi mình đang sống.
Lễ cúng rụng rốn của người Bahnar

Lễ cúng rụng rốn của người Bahnar

(GLO)- Lễ cúng rụng rốn (Et tuh klok) là nghi lễ đầu tiên trong vòng đời của mỗi người Bahnar. Không chỉ là cúng tạ ơn, mong muốn các thần linh che chở, bảo vệ đứa trẻ khỏe mạnh, mà lễ cúng còn là sự xác nhận đứa bé chính thức trở thành thành viên trong gia đình, dòng tộc và cộng đồng.
Ché quý của người Jrai

Ché quý của người Jrai

(GLO)- Người Jrai ở Krông Pa (tỉnh Gia Lai) còn lưu giữ nhiều loại ché (ghè) rất giá trị. Bước vào một ngôi nhà dài, quan sát vị trí, số lượng các loại ché, chúng ta có thể đánh giá mức độ giàu có của chủ nhân.
Người dành trọn tình yêu với văn hóa Jrai

Người dành trọn tình yêu với văn hóa Jrai

(GLO)- Bằng tình yêu và niềm tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, ông Ak (80 tuổi, làng Chuét 2, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đã dành trọn cuộc đời để bảo tồn văn hóa cồng chiêng, đan lát và chế tác nhạc cụ dân tộc với mong muốn lưu giữ cho thế hệ mai sau.
Những người “giữ lửa” dân ca Jrai

Những người “giữ lửa” dân ca Jrai

(GLO)- Với người Jrai, hát dân ca là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt. Vì vậy, những người biết hát dân ca luôn quan tâm tới việc bảo tồn, lưu giữ và khơi gợi niềm đam mê cho thế hệ trẻ để góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.