Tục xăm mặt của đồng bào thiểu số Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo các nhà nghiên cứu, tục xăm mặt, xăm mình có từ thời kỳ đồ đá. Không chỉ là một cách làm đẹp mà theo quan niệm của một số tộc người, hình xăm giúp tránh được vũ khí của kẻ thù lúc lâm trận và là một trong những dấu hiệu để nhận biết người quen, họ hàng.
Một số tộc người như Brâu, Xơ Đăng, Cơ Tu... sinh sống ở vùng Trường Sơn-Tây Nguyên trước đây có tập tục xăm mặt. Người Brâu là một trong những dân tộc có số dân thấp nhất trong cộng đồng các dân tộc ít người ở nước ta, sinh sống ở làng Đak Mế (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum). Phụ nữ Brâu có tục xăm mặt và cà răng, căng tai.
Nhiều nhiếp ảnh gia đã đến tận làng người Brâu để ghi lại những bức chân dung của các cụ bà còn lưu giữ dấu vết hình xăm trên gương mặt của mình. Trong đó phải kể đến cụ bà Nàng Bun-nhân chứng cuối cùng còn giữ tập tục xăm mặt của tộc người và đã mang gương mặt xăm về với tổ tiên gần hai mươi năm nay.
Gần đây, trên một vài trang Facebook cá nhân cũng chia sẻ bức ảnh chân dung phụ nữ dân tộc Rơ Măm (không rõ tác giả) khắc họa đường nét dân tộc học khá độc đáo: tay cầm ống điếu, đeo vòng đồng bài hình chóp, cổ đeo nhiều chuỗi trang sức bằng hạt cườm, đá ngọc, đồng tiền, lục lạc... Đặc biệt, trên gương mặt có những hình xăm mang yếu tố tạo hình rõ nét.
Hình xăm gây ấn tượng nhất là những đường gạch đứng song song sát vào nhau nằm phía dưới cằm, nối tiếp là hình xăm tựa như ngọn dây leo bò hai bên má. Trên trán cũng có hình xăm vòng cung chạy dài từ trán xuống hai bên thái dương, phía đuôi mắt còn có hình bông hoa nhỏ. Đây cũng là bức ảnh dân tộc học khá thú vị, minh chứng cho tập tục cổ xưa của các tộc người sinh sống ở vùng Bắc Tây Nguyên.
Cụ bà Nàng Bun-nhân chứng cuối cùng về tập tục xăm mặt của người Brâu. Ảnh: Nguyễn Văn Kự
Cụ bà Nàng Bun-nhân chứng cuối cùng về tập tục xăm mặt của người Brâu. Ảnh: Nguyễn Văn Kự
Jean-Marie Duchange-nhà nhiếp ảnh “nghiệp dư” người Pháp cũng đã có nhiều bức ảnh tư liệu quý giá về văn hóa Tây Nguyên. Ông tham gia quân đội và sang Việt Nam làm việc 3 năm (1952-1955) ở Vụ Y tế cộng đồng khu vực miền núi Nam Đông Dương.
Trong 3 năm đó, ông đã đi nhiều nơi để chụp ảnh theo sở thích cá nhân. Từ tháng 6-1952 đến tháng 7-1955, Jean-Marie Duchange chụp khoảng 200 bức ảnh về cuộc sống muôn màu trong cộng đồng người Tây Nguyên.
Sau khi ông qua đời, người thân của ông đã tặng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam một số bức ảnh. Bộ ảnh của ông được trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng tỉnh Kon Tum, Bảo tàng tỉnh Đak Lak, trong đó có bức ảnh đặc tả 2 cô gái Xơ Đăng xăm mỗi bên 3 chấm tròn nơi khóe miệng. Qua bức ảnh, chúng ta hình dung được một tập tục tồn tại trong cộng đồng người Xơ Đăng mà ngày nay đã không còn nữa.
Tại Thư viện Đông Dương, những người sưu tầm ảnh cũng đã “trình làng” một bức ảnh khác cũng của tác giả này chụp nhóm thiếu nữ Xơ Đăng xăm những chấm tròn ở khóe miệng.
Người Cơ Tu ở núi rừng Trường Sơn cũng nổi tiếng với tục xăm mình. Khi đến tuổi trưởng thành, cả nam và nữ đều thích xăm hình trên mặt. Người ta sử dụng cây rừng (axáp) đốt cháy để hứng lấy khói, dùng gai mây bỏ vào một ống trúc nhỏ để làm cán và xăm lên vị trí đã định, sau đó bôi thuốc và khói cây rừng lên các vết xăm.
Nghệ thuật xăm hình của người Cơ Tu được Le Pichon đề cập đến trong tác phẩm Những người săn máu: “Họ thường xăm những hình vẽ kỳ lạ; trên trán hình padil ya ýa (người đàn bà nhảy múa); ở hai mép xăm mặt trời; hai lông mày kéo dài ra bằng một loạt những chấm lớn màu đen ra đến phần trên lỗ tai; trên mình xăm sao và hình chữ thập”.
Ngày nay, tục xăm mặt của các tộc người thiểu số ở Việt Nam hầu như không còn nữa. Một số bạn trẻ dân tộc ít người có hình xăm nhưng theo trào lưu hiện đại chứ không theo cách truyền thống của ông bà ngày xưa.
TẤN VỊNH

Có thể bạn quan tâm

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

(GLO)- Trong các nghi lễ truyền thống của người Jrai thì lễ bỏ mả mang đậm nét văn hóa dân gian, là lễ hội nổi trội nhất, hấp dẫn nhất và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo quan niệm của người Jrai, lễ bỏ mả là ngày vui cộng cảm, ngày hội của cộng đồng.
Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.