Người nối nhịp chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Góp phần vào việc giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, để tiếng cồng, chiêng vang vọng truyền từ đời này sang đời khác, anh Đinh Lê, người dân tộc Bahnar ở làng Jro Ktu (xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ, Gia Lai) đã và đang tận tình chỉ bảo những kỹ năng đánh cồng, chiêng cho lớp trẻ.
 

Chạy dọc theo những con đường bê tông, trải dài theo cánh đồng mì, chúng tôi tìm về với làng Jro Ktu, hỏi thăm anh Đinh Lê, người đang ngày đêm truyền lại cho lớp trẻ niềm đam mê cồng chiêng, góp phần mình vào việc giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa của dân tộc, để tiếng cồng, chiêng vang vọng truyền từ đời này sang đời khác. Chúng tôi gặp anh đúng lúc anh đang dạy cho  thanh niên trong làng bài chiêng mới để chuẩn bị tham gia liên hoan cồng chiêng do UBND xã Yang Bắc tổ chức.

Anh Đinh Lê. Ảnh: Tuyết Mai
Anh Đinh Lê. Ảnh: Tuyết Mai



Khi hỏi anh về niểm đam mê cồng chiêng, anh kể, anh được sinh ra và lớn lên giữa núi rừng hùng vĩ. Ngay từ bé, tiếng cồng, tiếng chiêng đã tắm mát tâm hồn anh, và rồi tiếng cồng, tiếng chiêng lại theo anh mà lớn lên, lúc buồn cũng như lúc vui, anh lại gửi tâm sự mình qua cồng chiêng.  Đến năm 10 tuổi, anh  đã biết đánh chiêng. Mỗi lần buôn làng có lễ mừng trẻ ra đời, lễ đặt tên, lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới... được nghe những nhịp chiêng, lời ca, điệu múa của các bậc cao niên trong làng làm anh đắm say, càng nghe anh càng bị cuốn hút và càng yêu quý cồng chiêng.

Thời gian gần đây do ảnh hưởng của công nghệ, con người dễ dàng tiếp thu với âm nhạc hiện đại nên lớp trẻ ở làng anh không còn yêu thích cồng chiêng nữa, ngay những bậc trung niên, nhiều người cũng không biết đánh cồng chiêng. Bởi vậy anh luôn trăn trở câu hỏi, làm gì để khôi phục, gìn giữ và phát huy văn hóa cồng chiêng. Luôn trăn trở bởi câu hỏi đó, năm 2018, anh quyết tâm đem những hiểu biết của mình về cồng chiêng để truyền lại cho lớp trẻ. Ban đầu anh gặp không ít khó khăn, nhưng lâu dần thứ âm thanh của núi rừng ấy cũng thấm được vào đầu của đám thanh niên làng anh. Và giờ, cứ đều đặn, lớp học cồng chiêng 18 học viên của anh, với các độ tuổi từ 9 đến 18, đúng 7 giờ tối lại tập hợp ở nhà rông của làng để học đánh cồng chiêng. Anh Đinh Lê tâm sự: "Xuất phát từ chính bản thân tôi muốn cho mấy đứa trẻ để mà mai mốt nó biết. Nó phát triển lại truyền thống tốt đẹp trong làng cũng như toàn xã, mong muốn để mà các cháu được đánh chiêng, rồi mai mốt có xảy ra chuyện gì có người chết, đau ốm này kia để mà họ tiếp nối cho các cháu nhỏ tiếp nữa, cồng chiêng này không thể bỏ được".

Các bạn trẻ trong lớp học đánh chiêng của anh Đinh Lê. Ảnh: Tuyết Mai
Các bạn trẻ trong lớp học đánh chiêng của anh Đinh Lê. Ảnh: Tuyết Mai



Mong ước lưu truyền điệu chiêng truyền thống của anh gửi gắm vào thế hệ trẻ đã thôi thúc anh cùng các nghệ nhân khác trong làng hình thành đội cồng chiêng nữ vào đầu năm 2014. Hàng ngày, chị em vẫn đi làm rẫy, tối đến tập trung về nhà rông của làng tập luyện. Tuy không có được sự khỏe khoắn, mạnh mẽ như đội cồng chiêng nam nhưng cách đánh nhịp nhàng, uyển chuyển của đội cồng chiêng nữ đã tạo sự độc đáo trong phong trào gìn giữ và bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng.

Đánh chiêng đối với nam đã khó, càng khó hơn đối với nữ, ngoài việc phải có một sức khỏe dẻo dai thì còn phải biết cảm nhận được hết thần thái, biểu cảm của từng nhịp chiêng, vì đó là vẻ đẹp tâm hồn người Bahnar. Chị Đinh Thị Don ở làng Jro Ktu (xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) vui vẻ nói: “Truyền thống văn hóa từ trước đến giờ không thể bỏ được, chị em phải tham gia, chuyện vui hay chuyện buồn của làng cũng đều phải có cồng chiêng mới được, vì nó là truyền thống của người Bahnar mình mà”.

Bằng niềm đam mê cồng chiêng, anh Đinh Lê đã bỏ công, bỏ sức để truyền lại cho lớp trẻ, với mong muốn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình sẽ không mai một. Rời lớp học đánh chiêng của anh Đinh Lê đã khá xa nhưng bên tai chúng tôi vẫn còn vang vọng mãi những âm thanh của núi rừng thật rộn ràng.     

                Tuyết Mai

Có thể bạn quan tâm

Một thời sưu tầm văn nghệ dân gian

Một thời sưu tầm văn nghệ dân gian

(GLO)- Tôi sinh hoạt cùng anh chị em văn nghệ sĩ ở Gia Lai-Kon Tum từ những năm cuối thập niên tám mươi của thế kỷ trước. Khi ấy, phong trào nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian (Folklore) đang rộ lên. Tôi tự cảm thấy đây là lĩnh vực cũng cần tìm hiểu và có trách nhiệm với nơi mình đang sống.
Lễ cúng rụng rốn của người Bahnar

Lễ cúng rụng rốn của người Bahnar

(GLO)- Lễ cúng rụng rốn (Et tuh klok) là nghi lễ đầu tiên trong vòng đời của mỗi người Bahnar. Không chỉ là cúng tạ ơn, mong muốn các thần linh che chở, bảo vệ đứa trẻ khỏe mạnh, mà lễ cúng còn là sự xác nhận đứa bé chính thức trở thành thành viên trong gia đình, dòng tộc và cộng đồng.
Ché quý của người Jrai

Ché quý của người Jrai

(GLO)- Người Jrai ở Krông Pa (tỉnh Gia Lai) còn lưu giữ nhiều loại ché (ghè) rất giá trị. Bước vào một ngôi nhà dài, quan sát vị trí, số lượng các loại ché, chúng ta có thể đánh giá mức độ giàu có của chủ nhân.
Người dành trọn tình yêu với văn hóa Jrai

Người dành trọn tình yêu với văn hóa Jrai

(GLO)- Bằng tình yêu và niềm tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, ông Ak (80 tuổi, làng Chuét 2, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đã dành trọn cuộc đời để bảo tồn văn hóa cồng chiêng, đan lát và chế tác nhạc cụ dân tộc với mong muốn lưu giữ cho thế hệ mai sau.
Những người “giữ lửa” dân ca Jrai

Những người “giữ lửa” dân ca Jrai

(GLO)- Với người Jrai, hát dân ca là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt. Vì vậy, những người biết hát dân ca luôn quan tâm tới việc bảo tồn, lưu giữ và khơi gợi niềm đam mê cho thế hệ trẻ để góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.