Lớp học đặc biệt tại Đê Chơ Gang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Khi ông mặt trời đi ngủ/Mẹ đến lớp, bên ánh đèn/Bản làng em rộn vang tiếng hát”. Có một lớp học đặc biệt như lời hát diễn ra hàng đêm ở làng Đê Chơ Gang (xã Phú An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai). Cả thầy và trò cũng rất đặc biệt khi cô là công chức xã, còn trò là những phụ nữ Bahnar học làm mẹ, làm bà trước khi học con chữ.
Lớp học của cô Phúc
Khi ánh điện bắt đầu sáng lên dưới những nóc nhà sàn ở làng Đê Chơ Gang, ở các ngả đường lác đác bóng dáng những phụ nữ Bahnar đi bộ tới điểm trường làng. Có người dẫn theo con nhỏ, có người bà địu theo cháu. Đúng 19 giờ, gần 20 phụ nữ ở nhiều độ tuổi khác nhau đã có mặt đông đủ trong lớp học xóa mù chữ do cô Nguyễn Thị Phúc phụ trách. Những em bé theo mẹ đến lớp nhẩn nha chơi ngoài hành lang hoặc nhìn qua khe cửa xem mẹ học tiếng Việt với sự tò mò, thích thú.
Cô Phúc hiện là công chức Tuyên giáo-Dân vận xã Phú An. Mặc dù đang nuôi con nhỏ nhưng cô Phúc xung phong phụ trách lớp xóa mù chữ đầu tiên của xã Phú An. Tốt nghiệp Khoa Sư phạm (Đại học Quy Nhơn), cô Phúc có kỹ năng sư phạm để giúp chị em tiếp cận với mặt chữ. Tuy vậy, cô cũng có những khó khăn riêng. “Lớp học tổ chức vào buổi tối nên tôi phải theo thời gian biểu đó. Để lên lớp vào các buổi tối thứ hai, ba, tư, chồng tôi phải giúp vợ chăm con. Con nhỏ thường đòi mẹ nên nhiều hôm đi dạy nghe tiếng con khóc cũng không tránh khỏi nóng ruột. Bù lại, niềm vui lớn nhất của tôi là chứng kiến các chị tiến bộ từng ngày. Thấy các chị học hỏi nhanh và ngày càng mạnh dạn, tự tin, tôi coi đó là niềm vui của mình để có thêm động lực”-cô Phúc chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Phúc-công chức Tuyên giáo-Dân vận xã Phú An tình nguyện đứng lớp xóa mù chữ cho phụ nữ làng Đê Chơ Gang. Ảnh: Hoàng Ngọc
Bà Nguyễn Thị Phúc-công chức Tuyên giáo-Dân vận xã Phú An tình nguyện đứng lớp xóa mù chữ cho phụ nữ làng Đê Chơ Gang. Ảnh: Hoàng Ngọc
Sau 1 tháng tham gia lớp học, chị Đinh Thị Dư đã thuộc bảng chữ cái, viết được tên mình, tên con. Chị Dư kể: “Trước đây, có lần con mình đau phải đưa đi bệnh viện, lúc bác sĩ đưa hồ sơ giấy tờ để ký tên, mình không biết chữ nên rất xấu hổ. Vì vậy, khi xã mở lớp học mình đăng ký tham gia và quyết tâm phải học bằng được. Hôm vừa rồi đưa con đi bệnh viện, mình có thể ký tên vào giấy tờ, vui không thể diễn tả hết cảm giác lúc đó”. Chị Dư cho biết thêm, nhờ cô giáo Phúc dạy rất tỉ mỉ, dễ hiểu nên các chị tiếp thu bài học nhanh. Buổi học nào cô giáo cũng giao bài tập về nhà, tối nào không tới lớp chị thường ở nhà tập đọc, luyện viết chữ.
Trong khi đó, chị Đinh Thị Nhút tiến bộ nhanh nhất lớp nhờ vừa học từ cô Phúc, vừa học từ con. Ngoài giờ học trên lớp, chị còn nhờ con gái chỉ thêm mặt chữ, ghép vần. Ước mơ biết chữ của chị Nhút đang dần trở thành hiện thực, mang theo bao khát vọng của người mẹ trẻ này. Chị chia sẻ: “Mình phải biết chữ để còn hiểu con cái nữa. Lúc chưa biết chữ, thấy con ngồi học bài, nắn nót viết chữ mà mình không biết con đang học gì, viết chữ gì, thấy rất buồn. Giờ mình có thể cùng học với con, sau này có thể dạy cho con nữa”.
Nhận xét về những học trò đặc biệt, cô Nguyễn Thị Phúc cho biết: “Các chị rất khao khát được học chữ và có quyết tâm rất cao. Chị Nhút hầu như không vắng học buổi nào, luôn làm bài tập đầy đủ trước khi đến lớp nên có thể nhìn thấy sự tiến bộ rõ rệt từng ngày”.
Nhân rộng mô hình
Chị Bùi Thị Minh Dương-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phú An-cho biết: “Khi nghe xã mở lớp xòa mù chữ tại làng Đê Chơ Gang, nhiều chị em rất hào hứng đăng ký tham gia. Nhiều chị đã lớn tuổi, ngày đi làm mệt nhưng tối vẫn đều đặn tới lớp, kể cả những hôm trời mưa. Biết đọc, biết viết tiếng phổ thông giúp các chị tự tin, mạnh dạn hơn khi trao đổi, phát biểu ý kiến trong các buổi sinh hoạt chi hội”.
Phụ nữ Bahnar tự tin hơn nhờ biết đọc, biết viết tiếng phổ thông. Ảnh: Hoàng Ngọc
Quang cảnh một buổi học của chị em phụ nữ xã Phú An. Ảnh: Hoàng Ngọc
Theo bà Nguyễn Thị Liên-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đak Pơ: Sau lớp học này, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện sẽ tổng kết, đánh giá để tiếp tục mở thêm các lớp xóa mù chữ cho phụ nữ Bahnar ở các xã Ya Hội, Yang Bắc. “Nhằm duy trì lớp học xóa mù chữ ở làng Đê Chơ Gang, chúng tôi đã vận động sự hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân, tình nguyện viên. Để nhân rộng mô hình lớp học tại các xã trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn được sự phối hợp giúp đỡ của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên để có đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đủ trình độ chuyên môn. Đây cũng là hình thức tiếp sức cho phụ nữ, giúp họ xóa mù chữ là giúp họ tự tin hơn. Xa hơn còn có ý nghĩa giúp các chị học hỏi kiến thức, biết tính toán, tiếp cận với khoa học kỹ thuật để áp dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, tự tin hơn về nuôi dạy con cái, tích cực tham gia các hoạt động của Hội”-bà Liên đề xuất.
Cô Nguyễn Thị Phúc sau quá trình phụ trách lớp học cũng có một số lưu ý để tổ chức hiệu quả hơn mô hình này: “Vấn đề lớn nhất ở đây là tạo tâm lý thoải mái cho hội viên phụ nữ. Lớp học thường có những chị hoàn toàn mù tiếng Việt nhưng cũng có chị bập bõm được vài chữ. Những chị không biết chữ thường có tâm lý tự ti, mặc cảm ngại phát biểu, không mạnh dạn hỏi nên khó tiến bộ. Do đó, khi tổ chức lớp học cần phân từng nhóm riêng, có cách dạy riêng và động viên, khích lệ kịp thời đối với những người học chăm chỉ, chuyên cần”.
HOÀNG NGỌC
 
 

Có thể bạn quan tâm

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

(GLO)-

Những ngày này, người dân trên địa bàn làng Sơn và thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang quay quắt vì hạn, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng không còn. Trước những khó khăn ấy, Công ty TNHH một thành viên 72 đã huy động xe chở nước miễn phí cho người dân.

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

(GLO)- Năm 2006, Binh đoàn 15 bắt đầu triển khai thực hiện mô hình “gắn kết hộ” giữa hộ công nhân người Kinh và hộ công nhân người dân tộc thiểu số (DTTS). Đến nay, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn biên giới.
Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

(GLO)- Thời gian qua, huyện Kông Chro đẩy mạnh giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình quản lý, bảo vệ. Nhờ đó, huyện từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Chiến trường xưa lưu dấu

Chiến trường xưa lưu dấu

(GLO)- Ngày 18-4, đoàn cựu chiến binh Ban Liên lạc truyền thông Đại đoàn Đồng Bằng (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) trong chuyến về thăm chiến trường xưa đã tổ chức dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Đức Cơ và Nhà bia chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ.
Giỗ Tổ trong tiết Thanh minh

Giỗ Tổ trong tiết Thanh minh

(GLO)- Dân gian Việt Nam từ xa xưa lưu truyền bài ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba/Khắp miền truyền mãi câu ca/Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.