Phó thủ tướng: Học sinh không đến trường dễ dẫn đến nguy cơ sang chấn tâm lý, trầm cảm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Học sinh không đến trường, nhất là các cháu nhỏ, rất dễ dẫn đến nguy cơ sang chấn tâm lý, thậm chí còn có nguy cơ trầm cảm. Đây là công việc chúng ta phải giải quyết ngay từ đầu năm và không thể chậm trễ được.

Đây là đây là lưu ý của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ LĐ-TB-XH tổ chức chiều 12.1.
 

 Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mạnh Dũng
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mạnh Dũng


Theo Phó thủ tướng, Việt Nam đã thông qua luật Trẻ em và có chương trình giám sát việc triển khai, thực hiện chính sách pháp luật bảo vệ trẻ em, nhưng vẫn có những sự việc bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra. Tại hội nghị năm ngoái, Phó thủ tướng cho hay, ông cũng nhắc đến vấn đề này. Tuy nhiên, năm vừa qua, xảy ra một số sự vụ nhức nhối.

Nhắc lại sự việc bé gái 8 tuổi tử vong do bị bạo hành ở TP.HCM, Phó thủ tướng cho rằng, các tỉnh, thành phải rất nghiêm túc thiết lập mạng lưới bảo vệ trẻ em đến cấp xã, phường.

"Năm nay, chúng ta phải làm rất nghiêm túc, việc này càng quan trọng vì dịch bệnh các cháu đã không đến trường một thời gian dài và nó ảnh hưởng rất lớn đến các cháu. Không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập mà còn ảnh hưởng đến tâm, sinh lý của trẻ em", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phó thủ tướng cũng lưu ý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về vấn đề học sinh không đến trường, nhất là các cháu nhỏ, nếu không có biện pháp kết hợp thật tốt giữa gia đình, nhà trường và xã hội thì rất dễ dẫn đến nguy cơ sang chấn tâm lý, thậm chí ở một số cháu còn có nguy cơ trầm cảm nhiều hơn. Theo Phó thủ tướng, đây là công việc chúng ta phải giải quyết ngay từ đầu năm và không thể chậm trễ được.

Tương tự, đối với người lao động, Phó thủ tướng cho rằng, nếu nghỉ lâu hoặc làm tại chỗ cũng sẽ bị ảnh hưởng về tâm lý.

“Tôi đã hỏi các các bác sĩ chuyên gia tâm lý, người ta nói trong 3 tuần là bình thường, trên 3 tuần là có vấn đề. Có nơi người lao động làm đến 2 tháng trong thời gian giãn cách. Cho nên, năm nay ngành LĐ-TB-XH cùng với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam có các chương trình trợ giúp tâm lý cho người lao động”, ông Đam lưu ý.

Liên quan đến các gói hỗ trợ an sinh xã hội, Phó thủ tướng yêu cầu ngành LĐ-TB-XH phải liên tục đôn đốc công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán hoạt động giải ngân, chi trả hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, bảo đảm không thất thoát, không nhầm đối tượng, không để lợi dụng chính sách, gây tiêu cực.

Ông Đam cũng đề nghị trong năm 2022, Bộ LĐ-TB-XH quyết tâm, nỗ lực chuyển đổi số mạnh mẽ, theo hướng quản lý tất cả các đối tượng bằng tin học hóa, thực hiện hỗ trợ chi trả qua ngân hàng, trừ một số ít người dùng tiền mặt thì thông qua mạng lưới bưu điện để chi trả, còn ngành LĐ-TB-XH thực hiện giám sát, thanh tra hoạt động này.

Nhân dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Phó thủ tướng đề nghị ngành LĐ-TB-XH, các bộ, ngành, địa phương chăm lo cho người dân đón tết an toàn, ấm cúng, nhất là những người chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, bên cạnh vật chất cần có nhiều hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ về tinh thần.


Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, ước tính số người bị mất việc làm chiếm khoảng 5% và 32% số người lao động phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; gần 50% người lao động bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên. Đây là một mức giảm đáng kể, làm suy yếu sức mua của thị trường và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người lao động.

Trong bối cảnh đó, T.Ư và các địa phương đã dành tổng kinh phí 71.482 tỉ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ gần 742.000 lượt người sử dụng lao động, trên 42,8 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác. Trong đó, với gói 26.000 tỉ đồng, toàn quốc có 378.300 lượt người sử dụng lao động, trên 30 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác được hỗ trợ với tổng kinh phí là 33.564 tỉ đồng.

Với gói hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, có 363.600 lượt người sử dụng lao động và 12,6 triệu lượt người lao động được hỗ trợ với tổng kinh 37.918 tỉ đồng.

Theo Thu Hằng (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Nhớ rận rồng ruộng lúa

Nhớ rận rồng ruộng lúa

(GLO)- Người Bắc từ xa xưa đã có sở thích ăn con cà cuống giống như là việc sử dụng giống thủy sinh chân đốt cua đồng, tôm tép làm món ăn vậy. Mà cà cuống lại được gọi với cái tên rất ảo diệu, là con “rận rồng”.

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
 Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

(GLO)- Chiều 22-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội LHPN xã Phú An và Câu lạc bộ tấm lòng vàng thị xã An Khê thực hiện phần việc “trách nhiệm với cộng đồng” và phát động cuộc thi “Phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.