Nhà vườn tất bật chăm hoa Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày này, các nhà vườn trong tỉnh đang tất bật chăm sóc hoa để chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nhâm Dần. Trải qua một năm khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các nhà vườn kỳ vọng sẽ có vụ hoa Tết như ý.
Đang tất bật chăm sóc hàng trăm cây quất để phục vụ dịp Tết, ông Triệu Dặm (tổ dân phố 5, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) cho biết: Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên tôi chủ động giảm từ 700 cây xuống còn 400 cây so với năm ngoái.
Vườn quất của ông Dặm quả đã bắt đầu chuyển màu vàng, to đều. Mỗi cây quất ước tính có hàng trăm quả. Để có những cây quất quả chín vàng đúng dịp Tết, ông Dặm phải canh đúng thời gian sinh trưởng, tỉa hoa, vặt bớt quả nhỏ và sửa cành. Theo ông Dặm, nhà vườn phải biết dưỡng cây cho thật khỏe để có những cành quất sai quả. Ngoài ra, phải canh thời tiết để biết khi nào ngưng nước, khi nào nên vặt bớt hoa. “2 tuần trước, nhiều người đến đây để chọn những cây ưng ý đặt mua. Hiện khách đã đặt hơn 30% số cây trong vườn. Mỗi cây có giá trung bình từ 500 ngàn đến 2 triệu đồng. Ước tính sau khi trừ chi phí, gia đình lãi hơn 200 triệu đồng”-ông Dặm cho hay.
Ông Võ Văn Dân (tổ 9, phường Yên Thế) bên vườn cây ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Hà Phương
Ông Võ Văn Dân (tổ 9, phường Yên Thế) bên vườn cây ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Hà Phương
Trong khi đó, nhiều nhà vườn trồng hoa ngũ sắc tại phường Yên Thế (TP. Pleiku) cũng đang tất bật tỉa lá, tạo dáng cho cây. Ngoài màu sắc bắt mắt, hoa ngũ sắc có sức sống rất mãnh liệt. Tận dụng những đặc điểm này, nhiều nghệ nhân đã kỳ công tạo cho cây thành nhiều dáng, thế khác nhau. Ông Võ Văn Dân (tổ 9, phường Yên Thế) cho hay: “Cây hoa ngũ sắc thường mọc ở khu vực đồi núi, ven đường. Sau khi đem về chặt hết phần ngọn, còn lại phần gốc để nuôi dưỡng. Khi cây bám rễ, đâm chồi, tôi mua giống hoa ngũ sắc có nguồn gốc từ Thái Lan về ghép”.
Để có được một cây hoa ngũ sắc bắt mắt, người trồng phải biết cách chăm sóc, có kiến thức về ghép cây, tạo tán. “Thường thì một chậu hoa ngũ sắc giá dao động từ 500 ngàn đến 1,5 triệu đồng. Còn với những cây bộ đế to, thế độc, lạ thì giá cao hơn nhiều”-ông Dân chia sẻ thêm. Hiện tại, ông Dân đang sở hữu gần 200 chậu hoa ngũ sắc đủ để phục vụ cho khách hàng dịp Tết năm nay.
Gia đình ông Lê Đại Hành đang tất bật chăm sóc. Ảnh: Hà Phương
Gia đình ông Lê Đại Hành (làng Păng Gol-Phù Tiên, xã Ia Bă, huyện Ia Grai) tất bật chăm hoa Tết. Ảnh: Hà Phương
Ông Lê Đại Hành (làng Păng Gol-Phù Tiên, xã Ia Bă, huyện Ia Grai) đang sở hữu gần 250 chậu cúc pha lê, 150 chậu hoa hướng dương, 200 chậu hoa giấy và hoa ly. Ông Hành cho biết: Để hoa đồng loạt nở đúng dịp Tết, hàng ngày, nhà vườn phải thường xuyên chăm sóc, bón phân, phun thuốc, bấm ngọn và kịp thời “bắt bệnh” để điều trị. Đặc biệt, ngoài xuống giống đúng thời vụ, kỹ thuật chăm sóc thì phải kể đến yếu tố thời tiết đóng vai trò rất lớn. 
“Nếu năm nay hoa được giá thì gia đình tôi lãi gần 100 triệu đồng. Thường thì khoảng 20 đến 22 tháng Chạp, thương lái đến đặt mua. Tuy nhiên do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên không biết giá cả thế nào. Năm ngoái, 1 chậu hoa cúc có giá 350-400 ngàn đồng. Tôi dự đoán năm nay giá bán mỗi chậu chỉ 200-250 ngàn đồng thôi”-ông Hành nói.
HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.