Mái ấm Thiên Ân: "Trường nghề" nhân ái

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sở hữu trang trại rộng lớn với 7 ha cây công nghiệp và 7 ha lúa, bắp, mì, cây ăn quả cùng khu chăn nuôi, chế biến thực phẩm, Mái ấm Thiên Ân (thôn 4, xã Chư Á, TP. Pleiku) không những tự chủ một phần chi phí chăm lo cho hơn 200 em nhỏ tại đây mà còn làm rất tốt công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề. 
Mái ấm Thiên Ân hiện có 50 em đang theo học bậc mầm non, 80 em học tiểu học, 60 em THCS, 10 em học nghề, 5 em học đại học; chưa kể 10 trẻ khuyết tật và 6 trẻ sơ sinh. Sơ Nguyễn Thị Kim Chi-Giám đốc điều hành Mái ấm-cho hay: “Các sơ không chỉ lo cái ăn và dạy dỗ từ những điều nhân bản nhất mà còn hướng nghiệp, đào tạo nghề. Em nào học giỏi thì cho học lên cao đẳng, đại học, những em không giỏi chữ nghĩa thì phải có nghề nghiệp để ổn định cuộc sống sau này”. Với định hướng dài hơi ấy cùng sự yêu thương, bảo bọc của các sơ, mái ấm của những đứa trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn ngày càng thêm vững chãi. 
Rộn ràng niềm vui lao động
Mỗi lần đến với Thiên Ân là một lần chứng kiến không gian đầy ắp niềm vui lao động. Ngoài giờ học, em nào cũng bận rộn với những phần việc được giao. Trên vườn cà phê, nhiều em đang đội nắng tỉa cành, nhổ cỏ; tại khu chế biến, các em khéo tay được hướng dẫn làm bánh mì, xay và đóng gói bột cà phê, ngũ cốc. Trong bếp, 2 bạn nhỏ vừa gạt mồ hôi trán vừa tự giúp nhau chế biến tinh dầu bơ. Nơi góc vườn, một nhóm đang xử lý rác thải. Khu nhà vệ sinh đang được 3-4 “thợ hồ” đảm trách xây dựng; khu chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn cũng dần hình thành nhờ bao đôi tay thạo nghề. Những em ít kỹ năng hơn được giao phụ bếp, chăm em… Tất cả cho thấy cách thức tổ chức bài bản, nền nếp, quy củ.
Vườn ươm cây giống tại Mái ấm Thiên Ân (thôn 4, xã Chư Á, TP. Pleiku). Ảnh: Phương Duyên
Vườn ươm cây giống tại Mái ấm Thiên Ân (thôn 4, xã Chư Á, TP. Pleiku). Ảnh: Phương Duyên
Tốt nghiệp Khoa Nông lâm nghiệp (Đại học Tây Nguyên) nên sơ Kim Chi có điều kiện tổ chức và duy trì hiệu quả hoạt động của một trang trại. Quanh Mái ấm giờ đây trù phú màu xanh của cà phê, hồ tiêu, mắc ca, lúa, bắp, mì… Chỉ tay về phía khu nhà rộng đang xây dựng, sơ Kim Chi cho biết đó là khu chăn nuôi với quy mô 100 con heo, 30 con bò và 300 con gà. Chưa kể, trang trại còn có một nhóm phụ trách việc nuôi 80 thùng ong mật. Tất cả đều được phân công lao động theo hướng “chuyên môn hóa”, mỗi khâu đều có 1 trưởng nhóm phụ trách để tiện cho việc quản lý.
Cùng với nuôi trồng, các em ở Mái ấm còn tham gia chế biến trà gừng, cà phê bột, hồ tiêu, ngũ cốc, đậu phộng cay giòn, làm bánh ngọt… Trẻ lớn kèm trẻ nhỏ, “cầm tay chỉ việc”. Đáng nói là các em đều được “trả lương” theo giờ hoặc theo sản phẩm từ các công việc trên. Số tiền này được giao lại cho thầy giáo để mua sắm cho các em quần áo và vật dụng cá nhân thiết yếu. Trên hết, bài học lớn nhất mà các em học được chính là giá trị của lao động. Cứ thế, Thiên Ân trở thành một “trường nghề” tổng hợp: trồng trọt, chăn nuôi, cơ khí, điện, xây dựng, may gia công, sửa chữa xe máy, chế biến thực phẩm… 
Một mái ấm đúng nghĩa
Qua 13 năm gắn bó với tấm lòng nhân từ, đến nay, các sơ đã biến Thiên Ân thực sự trở thành một mái ấm. Vừa chế biến tinh dầu bơ, em Nguyễn Trần Đức An (14 tuổi) vừa đưa mắt nhìn người bạn làm cùng rồi nói: “Bạn này còn có ba đến thăm, chứ con không biết ba mẹ mình là ai”. An bị bỏ rơi từ lúc còn là trẻ sơ sinh và được các sơ ở Cô nhi Sao Mai (TP. Pleiku) nuôi dưỡng. Cái tên Đức An mà các sơ đặt cho em chính là tên ngôi giáo đường gần đó. Cách đây 2 năm, em được đưa đến đây để học thêm kỹ năng sống. Trước kia chỉ biết ăn và học, nay em được chỉ dạy làm nhiều việc vừa sức như: làm vườn, chế biến tinh dầu bơ, làm mít sấy… Chia sẻ về mơ ước tương lai, An nói: “Con thích vẽ nên mơ ước sau này sẽ trở thành kiến trúc sư”. 
Khu chăn nuôi gia súc rộng lớn này đều do các em đang được nuôi dạy hoặc đã trưởng thành từ Mái ấm chung tay xây dựng. Ảnh: Phương Duyên
Khu chăn nuôi gia súc này do các em đang được nuôi dạy hoặc đã trưởng thành từ Mái ấm Thiên Ân chung tay xây dựng. Ảnh: Phương Duyên
Đang phụ trách làm đường dẫn vào khu chăn nuôi, anh Dinh (29 tuổi) tạm ngừng tay chia sẻ: Nhà nghèo, đông anh em nên anh được các sơ đưa vào đây nuôi dạy từ năm 2007. Được học cách làm nông nghiệp bài bản, Dinh trở thành trưởng nhóm làm cành cà phê, tiếp đó học thêm nghề xây dựng. Đến giờ, anh đã lấy vợ, ra riêng nhưng ngày nào cũng đến đây làm việc và được các sơ trả tiền công 170 ngàn đồng/ngày. “Mình may mắn được gặp các sơ. Ở đây không ngày nào là không có việc. Nhờ vậy, mình có thu nhập ổn định để nuôi gia đình”. Chăm chỉ làm lụng và biết tiết kiệm, anh Dinh đã mua được đất, xây được ngôi nhà nhỏ cho riêng mình. Cũng trưởng thành từ đây là anh Ksor Tiêu (25 tuổi).  
Hiện nay, khó khăn lớn nhất mà Mái ấm gặp phải là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, các nhà hảo tâm cũng không thể thường xuyên hỗ trợ như trước. Dù vậy, những người điều hành tại đây vẫn cố gắng duy trì hoạt động. Đưa chúng tôi đến thăm nhà lưới trang bị béc phun tưới tự động để ươm trồng hàng trăm cây giống va ni, sơ Kim Chi cho hay họ đang ươm trồng những loại cây thường dùng trong ngành chế biến thực phẩm để có sản phẩm xuất khẩu, dự kiến khoảng 2 năm nữa sẽ sản xuất đại trà. Ngoài ra, các sơ cũng đang cho xây nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm (có phục vụ cà phê, bánh ngọt), cũng là nơi nghỉ chân cho các đoàn thiện nguyện đến thăm Mái ấm. Những “dự án” ấy giúp Thiên Ân giữ được sự vững vàng vốn có để tiếp tục phụng sự, như phương châm mà sơ Kim Chi đã chia sẻ, ấy là “bảo vệ sự sống”.
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Nhớ rận rồng ruộng lúa

Nhớ rận rồng ruộng lúa

(GLO)- Người Bắc từ xa xưa đã có sở thích ăn con cà cuống giống như là việc sử dụng giống thủy sinh chân đốt cua đồng, tôm tép làm món ăn vậy. Mà cà cuống lại được gọi với cái tên rất ảo diệu, là con “rận rồng”.

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
 Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

(GLO)- Chiều 22-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội LHPN xã Phú An và Câu lạc bộ tấm lòng vàng thị xã An Khê thực hiện phần việc “trách nhiệm với cộng đồng” và phát động cuộc thi “Phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.