Hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19: Nhân văn, kịp thời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng với việc triển khai các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19, Gia Lai đang tích cực thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, hộ kinh doanh và doanh nghiệp. Sự quan tâm đúng lúc, kịp thời là nguồn động viên để các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Hỗ trợ kịp thời
Đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 441/QĐ-UBND về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, các địa phương đã khẩn trương rà soát, lập danh sách và nhanh chóng hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng.
Bà Trần Thị Hồng Nhung-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ia Grai-cho hay: “Trên địa bàn huyện có 47 doanh nghiệp có đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên số lượng người lao động không quá nhiều. Qua rà soát các điều kiện theo quy định, Phòng Giao dịch đã hỗ trợ làm thủ tục cho 3 doanh nghiệp có quan hệ vay vốn để trả lương cho 52 lượt lao động ngừng việc với số tiền hơn 159 triệu đồng”. 
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ia Grai ký kết hợp đồng tín dụng với các đơn vị được hỗ trợ vay. Ảnh: Phương Linh
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ia Grai ký kết hợp đồng tín dụng với các đơn vị được hỗ trợ vay. Ảnh: Phương Linh
Là địa phương vừa trải qua đợt giãn cách theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, TP. Pleiku cũng khẩn trương triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tính đến ngày 17-8, toàn thành phố có 891 lao động không có giao kết hợp đồng lao động được phê duyệt hỗ trợ với số tiền 1,5 triệu đồng/người; 147 hộ kinh doanh được hỗ trợ mức 3 triệu đồng/hộ. Bà Nguyễn Lê Phương Minh-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố-cho hay: “So với năm ngoái, người dân và doanh nghiệp đã chủ động hơn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Các xã, phường cũng tích cực tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định số 441/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Do đó, việc rà soát, lập danh sách các đối tượng thuận lợi và nhanh chóng hơn. Chúng tôi tăng cường cán bộ làm thêm cả thứ bảy, chủ nhật để cập nhật danh sách, rà soát kỹ lưỡng nhằm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng”.
Cùng với các chính sách hỗ trợ cho người lao động lần này, chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng được chú trọng. Cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp đã rà soát và thông báo cho gần 2.000 đơn vị sử dụng 38.000 lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp về 0%. Về cơ bản, Gia Lai đã hoàn thành chính sách này. Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-nhận định: “Các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP đã được giảm 2/3 thủ tục và rút ngắn 2/3 thời gian so với Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ. Ví dụ như chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không cần yêu cầu người lao động, người sử dụng lao động cung cấp hồ sơ bởi cơ sở dữ liệu đã có sẵn. Riêng chính sách hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động thì còn khó khăn trong quá trình thực hiện. Vì cần có thời gian để người sử dụng lao động xây dựng phương án cụ thể, việc đào tạo lao động phải phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp”.
Ý nghĩa nhân văn

Tổng số lao động đã được hỗ trợ đến thời điểm hiện tại là trên 44.000 người với tổng kinh phí chi trả trên 23 tỷ đồng. Tổ công tác chuyên trách triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg có kế hoạch kiểm tra công tác triển khai thực hiện các chính sách nói trên. Thời gian kiểm tra các địa phương dự kiến bắt đầu từ ngày 25-8 đến 31-12.

Thời gian qua, Công ty TNHH một thành viên Ba Ka (xã Ia Yok, huyện Ia Grai) bị ảnh hưởng khá nặng nề bởi dịch Covid-19. Chuỗi 5 cửa hàng kinh doanh cà phê của Công ty ở TP. Pleiku phải tạm dừng hoạt động, hoạt động sản xuất cũng trì trệ do hàng hóa không xuất được. Ông Phan Bá Kiên-Giám đốc Công ty-chia sẻ: “Doanh nghiệp gặp khó nên người lao động cũng bị ảnh hưởng. Nhờ chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, tôi vay gần 40 triệu đồng để trả lương cho 12 lượt lao động với lãi suất 0%. Tôi cảm thấy rất vui vì doanh nghiệp đang nhận được sự quan tâm, chia sẻ của Đảng và Nhà nước. Sau khi dịch bệnh kết thúc, tôi sẽ tiếp tục làm hồ sơ để vay vốn tái phục hồi sản xuất kinh doanh”.
Giữa lúc đại dịch hoành hành, việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động theo Quyết định số 441/QĐ-UBND tỉnh có ý nghĩa rất thiết thực. Tiếp cận quyết định trên, người bán hàng rong, buôn bán nhỏ, thu gom phế liệu không có địa điểm cố định, người bốc vác, vận chuyển hàng hóa bằng xe ba gác, xe thô sơ, xe ôm truyền thống, lái xe, phụ xe vận chuyển hành khách hoặc làm thuê tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú; thợ uốn tóc, cắt tóc, gội đầu; nhân viên xoa bóp y học, bấm huyệt, giác hơi, người bán lẻ xổ số lưu động đều được nhận hỗ trợ với mức 1,5 triệu đồng/người.
Gia đình chị Lê Thị Tuyết Nhung (tổ 5, thị trấn Đak Đoa) được thụ hưởng từ chính sách trên. Chị bộc bạch: “Gia đình tôi chỉ có 2 mẹ con. Con tôi đang học lớp 7. Cháu chuẩn bị vào năm học mới mà cà phê thì chưa thu hoạch, công việc ở nhà hàng không có nên tôi không còn nguồn thu nào khác. May mắn được nhận tiền hỗ trợ của tỉnh, tôi mừng lắm”.
Trao đổi với P.V, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng: “Để phát huy hiệu quả gói hỗ trợ này và không để xảy ra trường hợp trục lợi chính sách, điều kiện tiên quyết là nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính tự giác của người lao động, người sử dụng lao động và chính quyền địa phương trong quá trình triển khai. Sự vào cuộc tích cực, quyết liệt ngay từ đầu của cả hệ thống chính trị là cơ sở đảm bảo việc thực thi chính sách công khai, dân chủ, minh bạch, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao”.
PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
 Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

(GLO)- Chiều 22-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội LHPN xã Phú An và Câu lạc bộ tấm lòng vàng thị xã An Khê thực hiện phần việc “trách nhiệm với cộng đồng” và phát động cuộc thi “Phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.