Gói hỗ trợ lao động tự do gặp khó khăn: Nhanh chóng, kịp thời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang gấp rút rà soát, thẩm định hồ sơ, lập danh sách hỗ trợ người lao động tự do và một số đối tượng đặc thù gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.
Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 441/QĐ-UBND về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn quy trình, thủ tục để các đơn vị, địa phương rà soát, thẩm định hồ sơ, lập danh sách đối tượng được hỗ trợ. Đây là những người bị mất việc làm từ 14 ngày liên tục trở lên và bắt đầu từ ngày 1-5 đến 31-12-2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng-chống dịch bệnh. Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người và chi trả 1 lần.
Có 8/9 nhóm đối tượng được hỗ trợ gồm: bán hàng rong, buôn bán nhỏ; thu gom phế liệu không có địa điểm cố định; bốc vác, vận chuyển hàng hóa bằng xe ba gác, xe thô sơ; xe ôm truyền thống; lái xe, phụ xe vận chuyển hành khách; tự làm hoặc làm thuê tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú; thợ uốn tóc, cắt tóc, gội đầu; nhân viên xoa bóp y học, bấm huyệt, giác hơi. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm thẩm định, ban hành quyết định phê duyệt danh sách và chi hỗ trợ theo quy định.
Những người bán vé số  lưu động ở TP. Pleiku mong có được sự hỗ trợ để vượt qua đại dịch Covid-19. Ảnh. Đinh Yến
Những người bán vé số lưu động ở TP. Pleiku mong có được sự hỗ trợ để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Đinh Yến
Bà Nguyễn Lê Phương Minh-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội TP. Pleiku-cho hay: “Đến nay, các xã, phường đã hướng dẫn các đối tượng làm hồ sơ, niêm yết danh sách 3 ngày tại hội trường thôn, làng, tổ dân phố để người dân theo dõi, điều chỉnh thông tin. Sau đó, gửi về UBND TP. Pleiku rà soát lần cuối và ra quyết định hỗ trợ. Dự kiến, thành phố sẽ hoàn thành hỗ trợ đợt 1 cho các đối tượng lao động tự do vào ngày 7-8”.
Theo dự kiến, thị xã Ayun Pa có hơn 2.000 đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ theo quy định. Theo ông Võ Văn Tùng-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thị xã Ayun Pa: “Để công tác hỗ trợ kịp thời và chính xác, các xã, phường đã liên tục cập nhật danh sách các đối tượng đủ điều kiện theo quy định. Chúng tôi trình danh sách lên UBND thị xã để phê duyệt và ra quyết định hỗ trợ đối tượng theo nhiều đợt. Mỗi tuần hỗ trợ các đối tượng 1 lần chứ không nhất thiết phải chờ thống kê đủ danh sách mới giải quyết. Dự kiến đến ngày 5-8, thị xã sẽ chi trả hỗ trợ đợt 1 cho các đối tượng lao động tự do”.
Nói về chính sách hỗ trợ của Chính phủ, chị Nguyễn Thị Duyên (03 Đồng Tiến, phường Ia Kring, TP. Pleiku) bộc bạch: “Cơ sở uốn tóc của tôi tạm ngừng hoạt động gần 1 tháng nay theo yêu cầu của chính quyền địa phương. Nguồn thu nhập chính của gia đình bị ảnh hưởng rất nhiều. Vừa rồi, tôi được cán bộ phường hướng dẫn làm thủ tục đề nghị thụ hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ. Hy vọng khoản hỗ trợ này sẽ giúp gia đình tôi giảm được phần nào gánh nặng trong cuộc sống hàng ngày”.
Cán bộ phường Thống Nhất (TP. Pleiku) hướng dẫn người lao động tự do làm thủ tục đề nghị thụ hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ. Ảnh: Đinh Yến
Cán bộ phường Thống Nhất (TP. Pleiku) hướng dẫn người lao động tự do làm thủ tục đề nghị thụ hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ. Ảnh: Đinh Yến
Riêng đối tượng bán lẻ vé số lưu động, Công ty TNHH Xổ số kiến thiết Gia Lai chịu trách nhiệm rà soát, lập danh sách những người đủ điều kiện được hỗ trợ. Sau đó, danh sách gửi qua Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để tổng hợp, trình UBND tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ. Ông Nguyễn Hoàng Nam-Giám đốc Công ty TNHH Xổ số kiến thiết Gia Lai-thông tin: “Công ty đã rà soát, lập danh sách trình cấp có thẩm quyền xem xét. Khi được UBND tỉnh phê duyệt thì chúng tôi chi trả ngay. Kinh phí hỗ trợ lấy từ nguồn chi phí sản xuất kinh doanh năm 2021”.
Trao đổi với P.V, bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Kinh phí hỗ trợ cho đối tượng lấy từ nguồn ngân sách địa phương. Với TP. Pleiku thì tỉnh hỗ trợ 50%, ngân sách thành phố 50%. Đối với các huyện, thị xã, tỉnh hỗ trợ 70%, địa phương hỗ trợ 30%. “Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương phân công cán bộ trực tiếp gặp người lao động đủ điều kiện để hướng dẫn kê khai hồ sơ nhằm đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách”-bà Rcom Sa Duyên nhấn mạnh.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông: Hơn 3.500 hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp

Chư Prông: Hơn 3.500 hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp

(GLO)- Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Chư Prông chú trọng, phát động thường xuyên. Đến nay, huyện có trên 3.500 hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2024.

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

(GLO)- Năm 2006, Binh đoàn 15 bắt đầu triển khai thực hiện mô hình “gắn kết hộ” giữa hộ công nhân người Kinh và hộ công nhân người dân tộc thiểu số (DTTS). Đến nay, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn biên giới.
Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

(GLO)- Thời gian qua, huyện Kông Chro đẩy mạnh giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình quản lý, bảo vệ. Nhờ đó, huyện từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.