Dự án "Không còn nạn đói": Đa dạng sinh kế cho người nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thông qua Dự án “Không còn nạn đói”, nhiều hộ dân tại làng Krắc và Kliết-H'Ôn (xã Đak Song, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) đã được hỗ trợ sinh kế để từng bước thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.

Người dân hưởng lợi

Tháng 3-2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành đề cương hướng dẫn xây dựng Dự án điểm nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng năm 2020 thuộc Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam. Tại Gia Lai, Dự án được triển khai thí điểm tại làng Krắc và Kliết-H'Ôn (xã Đak Song) vào tháng 8-2020. Dự án có tổng kinh phí 500 triệu đồng được trích từ nguồn vốn của Chương trình 30a theo Quyết định số 84/QĐ-UBND ngày 3-3-2020 của UBND tỉnh.

  Anh Đinh Chân (làng Kliết-H'Ôn, xã Đak Song) chăm sóc đàn dê của gia đình. Ảnh: Hà Phương
Anh Đinh Chân (làng Kliết-H'Ôn, xã Đak Song, huyện Kông Chro) chăm sóc đàn dê của gia đình. Ảnh: Hà Phương


Theo đó, Dự án đã hỗ trợ 84 con dê sinh sản cho 40 hộ nghèo của 2 làng Krắc và Kliết-H'Ôn. Ngoài ra, Dự án hỗ trợ 400 cây dừa xiêm xanh và 400 cây mít Chan Rai cho 36 hộ nghèo. Ủy ban nhân dân xã Đak Song cũng tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi dê cho hộ tham gia Dự án.

Theo đánh giá của UBND xã Đak Song, cây mít Chan Rai và dừa xiêm xanh sau khi được trồng đã sinh trưởng, phát triển tốt. Đối với dê giống, các hộ dân cũng tích cực chăm sóc, đảm bảo thức ăn cũng như phòng bệnh cho vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Ghi nhận thực tế tại làng Kliết-H'Ôn, đàn dê của nhiều hộ dân đã sinh trưởng và nhân giống rất hiệu quả.

Gia đình anh Đinh Chân (làng Kliết-H'Ôn) được hỗ trợ 2 con dê. Sau 1 năm, 2 con dê đã sinh sản nhân đàn lên thành 6 con. Ngoài nuôi dê, nương rẫy cũng bổ sung đáng kể nguồn thu cho gia đình. Cuộc sống gia đình anh Chân đã tương đối ổn định. “Lâu lâu, tôi lại bán bớt 1 con dê để lấy tiền mua sắm vật dụng thiết yếu trong gia đình. Cuộc sống hiện giờ không vất vả như trước nữa”-anh Chân bộc bạch.

Từng bước giảm nghèo bền vững

Ông Huỳnh Văn Cư-Chủ tịch UBND xã Đak Song-cho biết: Dự án “Không còn nạn đói” tương đối khác biệt so với các dự án khác mà tỉnh cũng như huyện hỗ trợ trước đó. Thông thường, các dự án hỗ trợ cấp bò giống thì nay người dân được cấp dê và cây ăn quả về nuôi, trồng.

 Một góc làng Kliết-H'Ôn, xã Đak Song. Ảnh: Hà Phương
Một góc làng Kliết-H'Ôn (xã Đak Song, huyện Kông Chro). Ảnh: Hà Phương


Nhìn chung, Dự án đã phần nào mang lại hiệu quả, nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Dự án vẫn còn những khó khăn nhất định. Chẳng hạn, một số hộ dân được cấp giống cây ăn quả nhưng nắm kỹ thuật chưa vững, cây trồng ít được chăm sóc. Trong khi đó, một số hộ thiếu ý thức trong chăm sóc, bảo vệ đàn dê. “Để khắc phục khó khăn, chúng tôi tuyên truyền, tập huấn cho người dân về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, làm thay đổi tập quán chăn nuôi, trồng trọt và phân công cán bộ phụ trách các hộ theo dõi, hướng dẫn thêm để Dự án phát huy hiệu quả. Cây, con giống bị bệnh, thiệt hại thì báo ngay UBND xã để cử cán bộ xuống hỗ trợ giải quyết kịp thời”-ông Cư cho biết thêm.

Theo ông Y Nguyên Ênuôl-Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, đối tượng được thụ hưởng từ dự án này là những hộ nghèo, ưu tiên hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Dù bước đầu thí điểm nhưng Dự án đạt được những kết quả nhất định. Tuy quá trình thực hiện vẫn còn một số bất cập nhưng hầu hết người dân đồng tình ủng hộ, hài lòng trước sự quan tâm của Nhà nước. Sở Nông nghiệp và PTNT giao huyện Kông Chro kiểm tra, nắm tình hình và đề xuất để có cơ sở báo cáo tỉnh hỗ trợ kịp thời trong quá trình thực hiện Dự án.

“Giai đoạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có kế hoạch và hướng dẫn tập huấn cho cán bộ, người dân ở các địa phương triển khai xây dựng Dự án nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng thuộc Chương trình “Không còn nạn đói” ở Việt Nam. Hy vọng đến năm 2022, nguồn vốn thực hiện Dự án sẽ được phân bổ để hỗ trợ người dân vùng khó khăn từng bước giảm nghèo bền vững”-ông Y Nguyên Ênuôl thông tin.

 

 HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.