Những "cửa hàng rau di động"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vào buổi sáng, không khó để bắt gặp hình ảnh những phụ nữ dân tộc thiểu số với chiếc gùi trên lưng chứa đầy ắp các loại rau củ rong ruổi trên những tuyến đường Phố núi Pleiku. Những “cửa hàng rau di động” này giúp nhiều gia đình có nguồn thực phẩm tươi ngon và cũng mang lại một chút thu nhập cho chị em.
Hầu như ngày nào bà Puih H’Bunh (55 tuổi, làng Pleiku Roh, phường Yên Đổ, TP. Pleiku) cũng dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị các loại rau củ nhà trồng để mang đi bán. Nhà chỉ có một khoảnh vườn nhỏ nhưng bà trồng nhiều loại rau quanh năm như: hành, xà lách, đậu cô ve, cải ngọt... Bà cho biết: “Nhà có ít người, rau dùng không hết nên mình tranh thủ đem đi bán để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Nhiều phụ nữ trong làng cũng làm vậy. Tuy có vất vả một chút nhưng bù lại, mình bán nhanh hơn. Mình cũng có thể đi đến nhiều con hẻm rao bán trực tiếp cho những gia đình bận rộn công việc không thể đến chợ. Rau tươi, sạch, an toàn nên người mua cũng yên tâm”.
Giống như bà H’Bunh, một số phụ nữ dân tộc thiểu số ở làng Pleiku Roh cũng chọn cách bán rau dạo. Đi lại có vất vả hơn ngồi một chỗ nhưng họ lại bán nhanh hơn. Chị Nguyễn Thị Minh Hiếu-khách hàng thường xuyên của bà H’Bunh-cho biết: “Do công việc bận rộn nên tôi thường mua rau để trong tủ lạnh dùng trong 2-3 ngày, nhất là ở giai đoạn dịch bệnh cần hạn chế đến nơi đông người. Mua chỗ quen biết nên yên tâm là rau sạch và tươi”.
Những phụ nữ dân tộc thiểu số bán rau củ trên đường Nguyễn Thiện Thuật (TP. Pleiku). Ảnh: Minh Huệ
Những phụ nữ dân tộc thiểu số bán rau củ trên đường Nguyễn Thiện Thuật (TP. Pleiku). Ảnh: Minh Huệ
Không chỉ buôn bán các loại rau củ do nhà trồng được, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số sinh sống tại các làng vùng ven của TP. Pleiku còn đến khu vực chợ đêm trên đường Nguyễn Thiện Thuật (phường Diên Hồng) để mua các loại rau củ quả rồi gùi đi bán dạo. Em Puih H’Như (làng Plei Ốp, phường Hoa Lư) cũng tranh thủ những ngày hè gùi rau đi bán dạo để kiếm thêm tiền mua quần áo và sách vở chuẩn bị cho năm học mới. “Lúc đầu, em gặp rất nhiều khó khăn khi phải đi bộ nhiều với chiếc gùi đựng đầy rau trên vai. Nhiều lúc cũng ngại với bạn bè nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em phải cố gắng. Em cảm thấy rất vui khi mình có thể kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình”-H’Như chia sẻ. Nhà H’Như không có vườn rẫy, ba mẹ phải thường xuyên đi làm thuê nuôi 3 chị em ăn học. H’Như là chị cả trong nhà nên em muốn làm gì đó để giúp đỡ ba mẹ. H’Như cho biết: “Em thường dậy từ 5 giờ sáng nhận rau rồi gùi đi bán. Mỗi ngày, em đi bộ khoảng 10 km, khi nào hết rau mới về nhà. Nhiều bữa phải đến hơn 11 giờ mới bán hết rau nhưng bù lại, em kiếm được 150-200 ngàn đồng”.
Chị Lê Thị Hồng-một người buôn bán rau ở chợ đầu mối trên đường Nguyễn Thiện Thuật-chia sẻ: “Khu chợ này luôn nhộn nhịp từ 2 giờ sáng, người bán kẻ mua tấp nập, trong đó có nhiều chị em dân tộc thiểu số đến lấy rau mỗi sáng đưa đi bán dạo kiếm lời”.
CHÍ CÔNG

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.