Món quà tri ân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa nhiều thập niên nhưng những mất mát, đau thương thì vẫn còn đó. Bao người mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha. Và biết bao người đã gửi lại một phần thân thể nơi chiến trường. Vào dịp tháng 7 hàng năm, các ngành, địa phương đều có những món quà nặng nghĩa tri ân công lao to lớn ấy.

Thấy đoàn công tác của tỉnh đến thăm gia đình nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, bà Đoàn Thị Phương (thôn Thống Nhất, xã Ia Din, huyện Đức Cơ) không khỏi xúc động. Nắm chặt tay Đại tá Lê Kim Giàu-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, bà Phương bày tỏ: “Cả tỉnh có hàng ngàn gia đình chính sách, người có công, ấy thế mà các đồng chí lãnh đạo vẫn dành thời gian đến nhà tôi thăm hỏi, động viên. Tôi xúc động vô cùng”.

 Bà Đoàn Thị Phương (thôn Thống Nhất, xã Ia Din, huyện Đức Cơ) rưng rưng xúc động đón nhận món quà của lãnh đạo tỉnh. Ảnh: Anh Huy
Bà Đoàn Thị Phương (thôn Thống Nhất, xã Ia Din, huyện Đức Cơ) rưng rưng xúc động đón nhận quà của lãnh đạo tỉnh. Ảnh: Anh Huy


Năm 1975, bà Phương lập gia đình với ông Phạm Văn Hiệp. Phải tận 11 năm sau, vợ chồng bà mới đón con gái đầu lòng. Ông bị nhiễm chất độc hóa học từ những năm tháng tham gia chiến trường. Vì vậy, khi sinh con, vợ chồng bà vừa mừng vừa lo. Mãi đến lúc con gái chập chững đi, cất tiếng gọi bi bô, vợ chồng bà mới thở phào nhẹ nhõm. Nhưng 3 người con sinh sau đó lại không được may mắn như thế. Nặng nhất là cô con gái thứ 3, ngay lúc sinh ra đã bị bại não và đến năm 14 tuổi thì qua đời. Cậu con trai út nay đã 21 tuổi cũng ngây dại. Cô con gái thứ 2 bước sang tuổi 31 nhưng đầu óc cũng chẳng tỉnh táo như người bình thường. Có chồng và 2 người con bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học khiến cuộc sống gia đình bà Phương càng thêm khó khăn. Gần 70 tuổi, bà vẫn phải làm lụng, cáng đáng mọi việc để nuôi sống gia đình. “Cách đây 6 năm, con gái lớn, đứa lành lặn nhất trong 4 chị em bị tai nạn qua đời để lại 2 đứa con nhỏ. Rồi đứa thứ 3 cũng ra đi. Có nhiều lúc tôi gần như gục ngã. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, số phận mình đã thế thì phải chấp nhận để sống tiếp, để lo cho chồng, cho con”-bà Phương bộc bạch.

Đã 96 tuổi, nhưng bà Lê Thị Hàng (tổ 5, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) vẫn còn minh mẫn. Khi nhắc về 2 người con trai đã hy sinh trong chiến tranh, mắt bà nhìn xa xăm. Bà có tổng cộng 9 người con, nhưng 7 trong số đó đã rời xa khi tuổi đời còn rất trẻ. “2 đứa con của tôi xung phong đi bộ đội, trực tiếp cầm súng chiến đấu với quân thù, 5 đứa khác ở nhà. Nhưng rồi bọn địch đánh phá ác liệt, chúng càn quét, bắt bớ và giết chồng cùng các con tôi. 2 đứa con đi bộ đội cũng hy sinh ngoài chiến trường”-bà nhớ lại. Quá đau lòng, bà rời quê hương Bình Định lên Gia Lai sinh sống. Ở đây, bà đi thêm bước nữa và sinh được 2 người con. Hiện bà đang sống cùng gia đình con trai út và được 2 đơn vị: Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Ban Chỉ huy Quân sự thị xã An Khê nhận phụng dưỡng đến cuối đời. Khi lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể đến thăm dịp 27-7, bà Hàng không giấu được niềm vui. “Tôi nghĩ các con tôi rất vui khi đất nước độc lập, hòa bình và ngày càng phát triển. Bản thân tôi rất xúc động, ấm lòng vì được các cấp, ngành quan tâm, thăm hỏi và giúp đỡ thường xuyên”-bà Hàng chia sẻ.

Đồng chí Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thăm, tặng quà bệnh binh Đinh Thị Hluch (xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ).  Ảnh: Đinh Yến
Đồng chí Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thăm, tặng quà bệnh binh Đinh Thị Hluch (xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ). Ảnh: Đinh Yến


Nở nụ cười hiền, bệnh binh Đinh Thị Hluch (67 tuổi, làng Jrơ Dơng, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) mời đồng chí Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các thành viên trong đoàn công tác của tỉnh vào nhà. Bà Hluch kể câu chuyện tham gia kháng chiến của mình. Theo đó, năm 16 tuổi, bà Hluch tham gia cách mạng, làm nhiệm vụ gùi cõng lương thực, đạn dược tiếp tế cho bộ đội đánh Mỹ. Bà cùng với người dân trong làng trồng mì, trồng bắp để bộ đội ăn no, có sức đánh đuổi giặc xâm lăng. Chiến tranh lùi xa, đồng đội của bà giờ nhiều người đã không còn. Cách đây mấy năm, chồng bà cũng ra đi sau một cơn bạo bệnh. Bà và con gái sống nương tựa vào nhau. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, vài năm trước, các cấp, ngành đã quan tâm, hỗ trợ xây tặng mẹ con bà ngôi nhà tình nghĩa. Bà Hluch trải lòng: “Hiện tại, mỗi tháng mình đều có tiền chế độ trợ cấp cho bệnh binh. Như thế là hạnh phúc rồi, công lao của mình đã được ghi nhận. Hôm nay, còn được lãnh đạo tỉnh không ngại xa xôi đến tận nhà thăm hỏi, mình vui mừng lắm”.
 

 ĐINH YẾN - ANH HUY

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
 Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

(GLO)- Chiều 22-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội LHPN xã Phú An và Câu lạc bộ tấm lòng vàng thị xã An Khê thực hiện phần việc “trách nhiệm với cộng đồng” và phát động cuộc thi “Phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.