Khi lòng tốt được san sẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Câu chuyện về người phụ nữ có tên Nguyễn Thị Hương, 50 tuổi, quê Nghi Lộc (Nghệ An) cùng 3 người con từ Trảng Bom (Đồng Nai) đi xe đạp để về quê đã làm xúc động bao người trong mấy ngày qua.

Xúc động không chỉ vì hoàn cảnh rất đáng thương của người phụ nữ này khi phải đi xe đạp vượt ngàn cây số mà chị còn lay thức bao trái tim vì cách hành xử trước bao tấm lòng dành cho chị. Đó là cách hành xử của một nhân cách biết sẻ chia với những đồng bào có cùng cảnh ngộ.

Theo lời kể của chị Hương, chị cùng các con vào Trảng Bom để làm thuê, nhưng suốt 2 tháng nay, dịch Covid-19 đã đẩy gia đình bé mọn của chị vào cảnh khốn khó. Không còn việc gì để làm, những đồng tiền ít ỏi dành dụm được cũng đã cạn dần, chị bàn với các con rồi đưa ra quyết định khó khăn: đèo nhau bằng 2 chiếc xe đạp để về quê!

Mảnh đất phương nam từng cưu mang bao số phận, trong đó có mẹ con chị Hương nhưng giờ chị đành phải nói lời từ giã. Dù sẽ phải trải qua chặng đường trên 1.300 cây số mới có thể đặt chân tới quê nhà Nghệ An nhưng nếu ở lại thì, hoặc là sẽ bị dịch tấn công hoặc sẽ phải sống trong đói khát, có khi phải trả giá bằng mạng sống của mình. Thôi thì đành về quê, dẫu vẫn biết trước mắt mấy mẹ con là vời vợi nghìn trùng với quãng đường nắng nôi xa ngái ấy. Trong hai cái xấu, chị chọn cái xấu ít hơn.

Chốt kiểm dịch tại TT.Phước Dân, H.Ninh Phước (Ninh Thuận) đã phát hiện ra 4 mẹ con chị Hương và biết rõ sự tình. Cảm động trước hoàn cảnh của chị, mấy anh em trong tổ kiểm dịch đã biếu chị 1 triệu đồng cùng một số thực phẩm để mẹ con chị tiếp tục cuộc hành trình. Thông tin trên đã được đưa lên mặt báo, làm xúc động bao người.

Bạn đọc của Báo Thanh Niên ở khắp các tỉnh dọc miền Trung đều gọi điện thăm hỏi để biết cụ thể hành trình của mẹ con chị Hương, đồng thời lên kế hoạch “đón lõng” để giúp đỡ chị. May thay, một người đồng hương Nghệ An đã dẫn 4 mẹ con lên ga Tháp Chàm và mua tặng chị 4 chiếc vé tàu để về quê, đồng thời biếu chị một ít tiền làm lộ phí. Nhiều người cũng đã kịp gửi cho mẹ con chị tiền và quà để ăn dọc đường. Chị Hương nói rằng tổng số tiền mà mọi người cho mẹ con chị khoảng hơn 10 triệu đồng nên chị từ chối nhận sự giúp đỡ của mọi người sau khi cảm thấy như thế đã là “quá đủ” cho một chuyến trở về và muốn mọi người dành số tiền đó tặng cho những cảnh đời còn đang gặp khó khăn hơn.

Xin được lưu ý là, hơn 10 triệu cho một chuyến trở về của 4 mẹ con, nhưng “như thế đã là quá đủ” - không một lời nói nào tử tế hơn trong hoàn cảnh này. Biết nhường nhau trong lúc khó khăn, nghĩa là biết “đủ”. Nghĩa cử ấy như một đốm sáng thắp lên bao hy vọng về những điều tốt đẹp đang chờ ta phía trước.

Theo TRẦN ĐĂNG (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.