Đào tạo nghề cho người dân sống gần rừng: Hiệu quả "kép"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) chú trọng công tác đào tạo nghề nông thôn cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là người dân có cuộc sống dựa vào rừng.
Hiệu quả bước đầu
Xã Hà Ra có nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gần rừng tự nhiên. Trước đây, dân làng thường vào rừng tận thu lâm sản phụ hoặc lén lút khai thác gỗ. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ các cánh rừng quanh xã. Để từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao thu nhập và bảo vệ lá phổi xanh, UBND huyện chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp UBND xã Hà Ra tiến hành mở lớp dạy nghề thợ xây cho dân làng Dơ Dùng và Kon Chrăh.
Ông Trần Thanh Tuấn-Chủ tịch UBND xã Hà Ra-thông tin: “Sau khi được dạy nghề, làng Dơ Dùng và Kon Chrăh đã thành lập 2 tổ xây dựng với 20 thành viên. Hiện nay, 2 tổ này hoạt động khá hiệu quả. Không chỉ nhận xây dựng nhà cửa cho người dân trong xã, 2 tổ còn đảm nhận công trình ở một số địa phương khác. Nhờ vậy, thu nhập của các tổ viên cũng ổn định hơn trước”.
Học viên học nghề xây dựng tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Mang Yang. Ảnh: B.T
Học viên học nghề xây dựng tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Mang Yang. Ảnh: Bảo Trung
Tại làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang), nhiều hộ dân phấn khởi khi năng suất cà phê và lúa nước tăng lên rõ rệt sau khi tham gia lớp học nghề do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức. Bên ruộng lúa mới gieo trồng của gia đình, anh Driu chia sẻ: “Giữa năm ngoái, dân làng tham gia lớp chăm sóc cà phê và lúa nước. Được các thầy-cô giáo “cầm tay chỉ dạy” nên bà con tiếp thu nhanh. Chính vì thế mà chúng tôi nắm vững kỹ thuật chăm sóc, bón phân để cây trồng phát triển tốt. Trước đây, 2 sào lúa nước của gia đình gieo trồng theo cách cũ chỉ được vài bao. Tuy nhiên vụ mùa năm 2020, nhà tôi thu được hơn chục bao lúa. Tôi mừng lắm”.
Theo thống kê của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Mang Yang, tính riêng năm 2020, đơn vị đã phối hợp tổ chức 18 lớp dạy nghề nông thôn. Giám đốc Trung tâm Lưu Quốc Bảo Trung cho hay: “Kết thúc khóa học, đa phần học viên các lớp nghề đã áp dụng tốt kiến thức vào thực tiễn. Làng Đê Bơ Tưk (xã Đak Jơ Ta) là một điển hình. Trước đây, người dân chỉ biết vào rừng khai thác lâm sản. Sau khi theo học lớp dạy sửa xe máy, máy nông nghiệp, nhiều hộ dân đã tự sửa máy móc để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Có người đã mở quán sửa xe máy, máy cày loại nhỏ ngay trong làng, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình”.
Mong muốn có thêm nhiều lớp dạy nghề
Ông Lương Đình Lực-Chủ tịch UBND xã Kon Thụp-cho biết: “Hàng chục hộ dân tộc thiểu số đang có cuộc sống ổn định hơn sau khi tham gia học các lớp dạy nghề nông thôn. Đặc biệt là gia đình có thanh niên theo học các lớp đào tạo nghề xây dựng. Thời gian qua, hàng chục thanh niên trong xã có thu nhập ổn định từ việc xây dựng công trình cho người dân và nhà xưởng tại một số công ty đứng chân trên địa bàn. Tiền công mà những người thợ nhận được khoảng 200-300 ngàn đồng/ngày, ổn định hơn so với việc đi vào rừng khai thác lâm sản phụ. Trong năm nay, chúng tôi kiến nghị UBND huyện cho phép mở thêm lớp dạy nghề nông thôn nhưng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên tạm hoãn. Tới đây, nếu hết dịch thì chúng tôi sẽ xin mở 1 lớp dạy nghề cho dân ở làng Dơ Nâu”.
4. Dạy người dân làng Pờ Yầu kỹ thuật chăm sóc cà phê (ảnh chụp năm 2020). Ảnh Bảo Trung
Người dân làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) được tập huấn kỹ thuật chăm sóc cà phê (ảnh chụp năm 2020). Ảnh: Bảo Trung
Còn nói như anh Nin-Trưởng thôn Đê Bơ Tưk (xã Đak Jơ Ta) thì: “Kết thúc khóa học, chúng tôi biết sửa máy móc, xe máy để phục vụ cuộc sống gia đình. Nhờ thế mà đỡ được khá nhiều tiền thuê thợ sửa chữa. Tôi và nhiều người dân trong làng mong muốn huyện sẽ mở thêm nhiều lớp học nghề khác như xây dựng, chăm sóc cây trồng… để bà con có công việc ổn định hơn, từ đó không còn phải vào rừng tận thu lâm sản phụ như trước kia nữa”.
Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Mang Yang cho biết thêm: “Dự kiến trong năm 2021, chúng tôi sẽ đào tạo nghề nông thôn cho 544 học viên dân tộc thiểu số, trong đó có 44 học viên ở 3 làng khó khăn là Đê Kôn, Đê Bơ Tưk và Pờ Yầu. Danh sách học viên thì các địa phương đã lập rồi nhưng chưa thể mở dạy vì dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Tới đây, nếu khống chế được dịch thì chúng tôi sẽ dạy trở lại”.
THIÊN DI

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
 Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

(GLO)- Chiều 22-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội LHPN xã Phú An và Câu lạc bộ tấm lòng vàng thị xã An Khê thực hiện phần việc “trách nhiệm với cộng đồng” và phát động cuộc thi “Phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.