Bươn chải ngày hè

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi bạn bè cùng trang lứa đang nghỉ ngơi, vui chơi sau những ngày học tập vất vả thì không ít trẻ em lại phải bươn chải mưu sinh. 
Chuyện 2 cô bé bán rau ở chợ Yên Thế
Người dân ở khu vực chợ Yên Thế (TP. Pleiku) không còn xa lạ với cô bé Nguyễn Thị Bích Vân (14 tuổi). 4 năm qua, cứ đến những tháng hè, Vân lại ngồi nơi góc chợ để bán rau củ quả. Đây vốn là công việc hàng ngày của bà nội Vân. Thương bà tuổi cao, sức yếu nên em thay bà bán hàng trong những ngày hè. Biết hoàn cảnh của hai bà cháu nên người dân quanh vùng thường xuyên ghé mua ủng hộ.
Trò chuyện với chúng tôi, Vân bộc bạch: “Nhà em ở xã Ia Piơr, huyện Chư Prông. Bố mất khi em mới 2 tuổi và em kế 7 tháng tuổi. Cuộc sống khó khăn nên khi em vào lớp 1, bà nội đón ra ở cùng. Bà nội đã 77 tuổi mà hàng ngày vẫn phải vất vả mưu sinh. Em rất thương bà nhưng chỉ có thể phụ giúp những lúc hè về”. Hàng ngày, Vân ra góc chợ để ngồi bán. Những năm trước, mỗi ngày, em có thể bán được vài chục ký trái cây và củ quả, kiếm được 100-150 ngàn đồng. “Hè năm nay bán hàng ế lắm. Nhiều hôm, em ngồi cả buổi mà chẳng bán được gì”-Vân buồn rầu nói.
Em Nguyễn Thị Bích Vân (bìa phải) và Nguyễn Thị Bảo Nhi bán củ quả ở một góc vỉa hè chợ Yên Thế. Ảnh: Hà Tây
Em Nguyễn Thị Bích Vân (bìa phải) và Nguyễn Thị Bảo Nhi bán củ quả ở một góc vỉa hè chợ Yên Thế. Ảnh: Hà Tây
Ngồi kế bên Vân là cô em họ Nguyễn Thị Bảo Nhi (13 tuổi). Nhà ở phường Đống Đa (TP. Pleiku), cạnh nhà bà nội của Vân. Hoàn cảnh của Nhi cũng đáng thương không kém. Khi mới tròn tuổi, bố mẹ ly hôn, Nhi về ở cùng bà ngoại. Thấy chị Vân phụ giúp bà nội bán hàng, Nhi cũng xin theo. Ban đầu chỉ ngồi cùng cho vui. Về sau, Nhi cũng nhờ bà ngoại mua cho ít khoai lang để bán. Nhi tâm sự: “Phụ giúp bà ngoại được gì là em rất vui. Năm nay, do dịch Covid-19 nên nghỉ hè sớm hơn, tranh thủ thêm thời gian, em bán hàng để đỡ đần bà ngoại”.
Rạc bước ngày hè
“Chú ơi mua giúp con tờ vé số”, “Cô ơi mua giùm con bì bỏng ngô”… Đó là những câu chào mời gắn liền với hình ảnh mưu sinh ngày hè của nhiều trẻ em trên các con phố. Em Nguyễn Thị Hiền (14 tuổi, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) trải lòng: “Cách đây 3 năm, khi lần đầu theo mẹ đi bán vé số, em ngại lắm. Em sợ bị bạn bè bắt gặp sẽ cười nhạo, sợ mời người ta không mua mà la mắng. Em cứ đi bên cạnh mẹ chứ không dám đi riêng”. Nhưng rồi sự ngượng ngùng ấy đã nhanh chóng qua đi khi em thấu hiểu những nhọc nhằn của cha mẹ. Em biết việc mình làm là để có thêm tiền mua gạo, mua rau, vì cuộc sống gia đình.
Em KPă Luân (bìa phải) và KPă Khích (bìa trái) trên đường đi nhặt phân bò. Ảnh. Hà Tây
Em Kpă Luân (bìa phải) và Kpă Khích. Ảnh: Hà Tây
Gia đình thuộc diện hộ nghèo nên 2 em Kpă Luân và Kpă Khích (học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, xã Ia Glai, huyện Chư Sê) tranh thủ đi nhặt phân bò. Mỗi sớm, các em đã mang gùi, xách bao tải theo chân người lớn ra đồng. Có ngày, 2 em nhặt được đầy bao, đầy gùi, bán cho điểm thu gom được 20-25 ngàn đồng. “Tiền bán được em đưa hết cho mẹ để mua gạo”-Luân nói. Còn Khích thì cho hay: “Bố bỏ mẹ con em đi lâu rồi. Mẹ em lại đang ốm nặng. Em chỉ biết cố gắng làm được gì để giúp mẹ thôi và dành dụm tiền mua sách vở, may quần áo chuẩn bị cho năm học mới”.
HÀ TÂY

Có thể bạn quan tâm

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

(GLO)-

Những ngày này, người dân trên địa bàn làng Sơn và thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang quay quắt vì hạn, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng không còn. Trước những khó khăn ấy, Công ty TNHH một thành viên 72 đã huy động xe chở nước miễn phí cho người dân.

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

(GLO)- Năm 2006, Binh đoàn 15 bắt đầu triển khai thực hiện mô hình “gắn kết hộ” giữa hộ công nhân người Kinh và hộ công nhân người dân tộc thiểu số (DTTS). Đến nay, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn biên giới.
Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

(GLO)- Thời gian qua, huyện Kông Chro đẩy mạnh giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình quản lý, bảo vệ. Nhờ đó, huyện từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Chiến trường xưa lưu dấu

Chiến trường xưa lưu dấu

(GLO)- Ngày 18-4, đoàn cựu chiến binh Ban Liên lạc truyền thông Đại đoàn Đồng Bằng (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) trong chuyến về thăm chiến trường xưa đã tổ chức dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Đức Cơ và Nhà bia chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ.
Giỗ Tổ trong tiết Thanh minh

Giỗ Tổ trong tiết Thanh minh

(GLO)- Dân gian Việt Nam từ xa xưa lưu truyền bài ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba/Khắp miền truyền mãi câu ca/Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.