Nhân ngày Trà thế giới 21.5: Người Việt uống trà Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

21.5 là ngày của Trà thế giới, Hiệp hội Chè Việt Nam, người sản xuất trà, hội nhóm yêu trà, những người uống trà... lập chương trình hưởng ứng dành cho ngành trà Việt với tên gọi: “Vì sức khỏe gia đình tôi yêu”.

Người H’mông ở bản Giàng Pằng, xã Sùng Đô, H.Văn Chấn (Yên Bái) trên cây trà Shan cổ thụ - Ảnh: THIÊN AN
Người H’mông ở bản Giàng Pằng, xã Sùng Đô, H.Văn Chấn (Yên Bái) trên cây trà Shan cổ thụ - Ảnh: THIÊN AN


Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực thế giới (FAO) của Liên Hiệp Quốc chọn ngày 21.5 là ngày Trà thế giới, bởi nhiều lý do, có thể rút gọn rằng: Trà không chỉ là loại cây công nghiệp lâu đời nhất thế giới, là thức uống được tiêu thụ nhiều nhất thế giới. Ở xã hội hiện đại, ngành trà là thành tố góp phần giảm nghèo cùng cực và chấm dứt nạn đói, bởi tạo ra việc làm, nguồn thu nhập và cải thiện sinh kế của cộng đồng tham gia sản xuất và kinh doanh trà. Ở một số quốc gia, trà còn góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ bởi họ là nhân tố trực tiếp tham gia quy trình chăm sóc, thu hái, sản xuất, chế biến, tiếp thị trà đến người tiêu dùng.

Chú trọng vấn đề trà sạch

Việt Nam cũng là quốc gia tiêu thụ trà lớn. Mỗi người Việt sử dụng trung bình 0,47 kg trà/năm, tương đương 45.000 tấn, đạt giá trị doanh thu nội tiêu 7.245 tỉ đồng (315 triệu USD). Trong khi đó, mức xuất khẩu là 185.000 tấn, nhưng chỉ đạt 225 triệu USD (thống kê năm 2020, Hiệp hội Chè Việt Nam). Sở hữu vùng nguyên liệu trà công nghiệp dồi dào với hơn 110.000 ha, đặc biệt là hơn 20.000 ha trà Shan tuyết cổ thụ với những cây trà đã được khoa học xác định là cây di sản, có độ tuổi trung bình từ 600 đến hơn 1.000 năm, nhưng cả hai nguồn tài nguyên này thực sự chưa được khai thác đúng với giá trị vốn có.

Ngành trà công nghiệp 5 năm trở lại đây đã có nhiều chuyển biến tích cực trong kỹ thuật gieo trồng, chế biến, khoanh vùng nguyên liệu, tạo vùng nguyên liệu an toàn, sản xuất có trách nhiệm, đặc biệt chú trọng vấn đề trà sạch.

Ngành trà đặc sản Shan tuyết cũng chuyển biến tích cực. Người làm trà từ các vùng nguyên liệu của Hà Giang, Sơn La, Yên Bái... đã từng bước làm chủ nguyên liệu, cho ra nhiều dòng sản phẩm vượt trội so với mặt bằng chung của ngành trà thế giới.

Nói về những thay đổi tích cực trong ngành trà Việt, ông Hoàng Vĩnh Long, Phó tổng thư ký, Chánh văn phòng Hiệp hội Chè Việt Nam, cho biết: “Thói quen uống trà Việt có từ lâu, nhưng từng có sự thay đổi trong tư duy tiêu dùng vì tính an toàn. Gần đây, các doanh nghiệp, hợp tác xã bắt đầu xây dựng thương hiệu trà sạch, tối thiểu là VietGAP. Nhờ những động thái như vậy người tiêu dùng an tâm hơn. Kỹ thuật làm trà cũng cải tiến, từ công nghệ sinh học là cây giống, đến công nghệ máy móc, rồi trách nhiệm các tổ chức, hội nhóm, doanh nghiệp đăng ký mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc, quản lý vùng nguyên liệu, minh bạch trong sản xuất của người làm trà”.

 

Nông dân ở xóm Hồng Thái, xã Tân Cương, TP.Thái Nguyên (Thái Nguyên) trong vụ thu hoạch trà
Nông dân ở xóm Hồng Thái, xã Tân Cương, TP.Thái Nguyên (Thái Nguyên) trong vụ thu hoạch trà


Thức uống tác động trực tiếp đến sức khỏe

Là nước xuất khẩu trà lớn thứ 4, thứ 5 thế giới, sản xuất trà xanh lớn thứ 2 thế giới, người Việt có uống trà Việt? Thực tế vẫn tồn tại tâm lý sính ngoại trong tư duy tiêu dùng, sản phẩm trà nhập khẩu từ các nước quanh khu vực vẫn được ưa chuộng, bởi kinh doanh mang lợi nhuận cao, sản phẩm vào bằng đường tiểu ngạch nên giá cả thượng vàng hạ cám, đẹp về hình thức, nhưng chất lượng và nguồn gốc không ai dám đảm bảo.

 

Thưởng trà online

Tình hình dịch bệnh căng thẳng, những người yêu trà Việt cũng đã tạo nên nhiều cách thức uống trà online, họ chọn khung giờ nhất định, hẹn nhau lên mạng, uống trà và chia sẻ những kiến thức về loại trà đang thưởng thức.

Hưởng ứng ngày Trà thế giới 2021, chủ đề: “Vì sức khỏe gia đình tôi yêu”, với hình thức uống trà tại nhà, tham gia các cuộc thi đăng bài, chụp ảnh, làm video clip chia sẻ thú vui uống trà, và nhận những giải thưởng được các nhà sản xuất trà trao tặng. Đây là một trong số những tiêu điểm do các cộng đồng sản xuất, tiêu dùng trà Việt tạo lập để kết nối người uống trà khắp vùng miền thông qua các trang mạng của Hiệp hội Chè Việt Nam, các nhóm Uống trà đi, Yêu trà Việt, Đỉnh trà, Trà chiều vintage, Nghiện trà... vừa là hoạt động kết nối thú vị, đồng thời tăng thêm uy thế của ngành trà Việt ngay trên sân nhà, khuyến khích người Việt dùng trà Việt

Trà Việt đang dần lấy lại vị thế, không chỉ bằng quy trình sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, mà kỹ thuật chế biến, với các dòng sản phẩm đa dạng như trà lên men với bạch trà, hồng trà, trà ép bánh, trà vàng, hay trà diệt men như trà xanh... được thị trường đón nhận. Sôi động nhất là các sản phẩm trà cổ thụ đặc sản, được ngành trà thế giới thừa nhận ở độ tinh khiết, an toàn tuyệt đối, nội chất phong phú, tốt cho sức khỏe tiêu dùng, với những thứ bậc cao, luôn trong nhóm 3 sản phẩm trà hàng đầu thế giới ở các cuộc thi trà uy tín tại Mỹ, Pháp, Canada, Trung Quốc...

Trà là thức uống tác động trực tiếp đến sức khỏe. Tổ chức FAO cũng đặc biệt chú trọng yếu tố này khi đưa ra lời kêu gọi ở ngày Trà thế giới 21.5.2021 với chủ đề: “Trà: Kiên cường, bền vững, sức khỏe, từ vùng nguyên liệu đến chén trà”. Ngành trà Việt, trong đó có người sản xuất trà, những tiệm trà, người uống trà cũng nhiệt tình tham gia, lan tỏa hiệu ứng người Việt uống trà Việt.

Ông Hoàng Vĩnh Long chia sẻ: “Chúng tôi kỳ vọng việc lan tỏa văn hóa thưởng thức trà thông qua các bạn trẻ, họ là người xây dựng các quán trà, trà thất, những phòng trà gia đình, cộng đồng mạng, vì là người tiêu dùng nên cho ra nhận xét chính xác nhất. Qua đó, giúp các nhà sản xuất lắng nghe, có trách nhiệm cộng đồng, đáp ứng yêu cầu thị trường. Mỗi nhà sản xuất có kỹ thuật riêng, nhưng phải kiểm soát được quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng, nhất là yếu tố an toàn, sạch, mà người tiêu dùng nhắm đến”.

Theo Thiên An (TNO)

Có thể bạn quan tâm

 Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

(GLO)- Chiều 22-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội LHPN xã Phú An và Câu lạc bộ tấm lòng vàng thị xã An Khê thực hiện phần việc “trách nhiệm với cộng đồng” và phát động cuộc thi “Phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.