"Nói không với rau 2 luống, heo 2 chuồng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng với hoạt động truyền thông, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh còn thành lập Câu lạc bộ (CLB) “Nói không với rau 2 luống, heo 2 chuồng”, từ đó lan tỏa những cách làm hay, góp phần đẩy lùi tư duy sản xuất lạc hậu. 
Từ kinh nghiệm dân gian
Nhiều năm nay, sạp rau quả của bà Bùi Thị Thảnh ở chợ Ia Nhin (huyện Chư Păh) trở thành địa chỉ tin cậy của khách hàng. Những bó rau tươi xanh bà bán hàng ngày từ vườn rau sạch gia đình ở thôn 2 (xã Ia Nhin). Nhà có mấy sào đất trồng đủ loại rau củ ăn không hết, ban đầu, bà đem cho xóm giềng, sau đó mở sạp để bán. “Nhà tôi ăn gì thì đem bán thứ đó. Bán không hết thì đem về ăn, không có chuyện rau trồng để ăn và để bán khác nhau”-bà Thảnh vui vẻ cho biết.
Mùa nào thức nấy, bà Thảnh áp dụng kinh nghiệm dân gian để diệt sâu bệnh, tuyệt đối không dùng tới thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Bà cho biết: Trong các loại rau thì su hào, bắp cải, rau cải là những loại dễ sinh sâu bệnh nhất. Đặc thù của các loại sâu rau này là đêm xuống chúng từ dưới đất chui lên ăn lá nên chỉ việc soi đèn pin để bắt. “Kinh nghiệm này do ông bà mình đúc kết từ xưa đến giờ, nếu làm nông nghiệp để ý một chút sẽ hiểu đặc tính của sâu bọ. Có hôm 11 giờ đêm, vợ chồng tôi còn ở ngoài vườn bắt sâu cho rau. Cách làm này vừa không tốn tiền mua thuốc trừ sâu, vừa bảo vệ môi trường, sức khỏe”-bà Thảnh nói.
Sạp rau quả của bà Bùi Thị Thảnh tại chợ xã Ia Nhin (huyện Chư Păh) được khách hàng tin dùng. Ảnh: Minh Châu
Sạp rau quả của bà Bùi Thị Thảnh tại chợ xã Ia Nhin (huyện Chư Păh) được khách hàng tin dùng. Ảnh: Minh Châu
Bà Chu Thị Thanh ở cùng thôn cũng có vườn rau sạch rộng 4 sào. Không chỉ trồng rau, bà còn trồng khoai môn, bắp, cây ăn quả và đào ao thả cá. Đưa chúng tôi tham quan ruộng bắp, bà cho biết cá dưới ao cũng chỉ cho ăn cỏ và lá bắp. “Chúng tôi kết hợp cả kinh nghiệm dân gian với khoa học kỹ thuật hiện đại vào trồng trọt, chăn nuôi để tăng năng suất. Hàng ngày, mình tiếp xúc với từng cây rau, từng gốc cây ăn quả, nếu dùng thuốc hóa học thì chính mình là người bị ảnh hưởng trước”-bà nói. Bà Thanh cũng cho biết, có những đợt sâu bệnh không thể tiêu diệt theo cách thủ công, gia đình phải phun thuốc nhưng luôn tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của nhà sản xuất.
Mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ia Nhin thành lập CLB “Nói không với rau 2 luống”, bà Bùi Thị Thảnh và Chu Thị Thanh đều tham gia CLB với mong muốn chia sẻ những cách làm hay sản xuất đến các hội viên. Bà Thảnh cho hay: “Ngoài chia sẻ cách làm hiệu quả mà gia đình áp dụng, tham gia CLB, tôi cũng học hỏi thêm kiến thức bổ ích để cùng hội viên, phụ nữ trong xã xây dựng thương hiệu rau an toàn”. Bà Nguyễn Thị Thư-Chủ tịch Hội LHPN xã-cho biết: “Trên địa bàn xã không có tình trạng hội viên, phụ nữ trồng 2 luống rau khác nhau: sạch để ăn và rau không đảm bảo an toàn thực phẩm để bán. Thành lập CLB đi đôi với công tác truyền thông trước tiên để khuyến khích mỗi gia đình nên có một vườn rau sạch, đồng thời lan tỏa, chia sẻ nhiều mô hình, cách làm hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn. Chị em kinh doanh thì nói không với thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc”.
Vì sức khỏe cộng đồng
Được xác định là địa bàn trọng điểm của TP. Pleiku về sản xuất nông nghiệp, Hội LHPN xã Trà Đa luôn chú trọng tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ “nói không với rau 2 luống, heo 2 chuồng”. Để làm thay đổi tư duy của hội viên về vấn đề này, Hội đã tổ chức tuyên truyền cho 60 hội viên phụ nữ và hộ sản xuất kinh doanh nông sản những quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn; công tác xây dựng nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp, tạo thói quen không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.  
Tuyên truyền về sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn vì sức khỏe cộng đồng. JPG
Tuyên truyền về sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn vì sức khỏe cộng đồng. Ảnh: Minh Châu
Hội LHPN xã cũng đã ra mắt CLB “Nói không với heo 2 chuồng” với 20 hộ đăng ký tham gia. Chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (thôn 3, xã Trà Đa) cho biết: “Thị trường thức ăn gia súc đa dạng khiến người chăn nuôi lúng túng không biết lựa chọn loại nào an toàn, phù hợp. Tham gia lớp tập huấn, tôi biết thêm kinh nghiệm và những kiến thức thiết thực về an toàn thực phẩm, những chất cấm trong chăn nuôi. Gia đình tôi chăn nuôi heo nhiều năm nay, trừ trường hợp heo bệnh phải tìm đến bác sĩ thú y, còn thì luôn sử dụng thức ăn an toàn trong chăn nuôi”.
Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Nga-Phó Chủ tịch Hội LHPN TP. Pleiku-cho biết: “Chúng tôi xây dựng kế hoạch và phát động phong trào phụ nữ sản xuất nông sản, thực phẩm sạch ở phường Thống Nhất và xã Diên Phú từ năm 2019, nay thêm mô hình “Nói không với heo 2 chuồng” ở xã Trà Đa. Kết quả đã đem lại sự thay đổi rất lớn trong tư duy, nhận thức, trách nhiệm của hội viên, phụ nữ về an toàn thực phẩm, sức khỏe cộng đồng. Hội tiếp tục nhân rộng cách làm hay, hiệu quả ra các xã, phường trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi trên địa bàn thành phố, để cùng với các ngành, các cấp xây dựng một hệ sinh thái xanh-sạch trong trồng trọt và chăn nuôi ở địa phương”.
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

(GLO)-

Những ngày này, người dân trên địa bàn làng Sơn và thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang quay quắt vì hạn, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng không còn. Trước những khó khăn ấy, Công ty TNHH một thành viên 72 đã huy động xe chở nước miễn phí cho người dân.

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

(GLO)- Năm 2006, Binh đoàn 15 bắt đầu triển khai thực hiện mô hình “gắn kết hộ” giữa hộ công nhân người Kinh và hộ công nhân người dân tộc thiểu số (DTTS). Đến nay, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn biên giới.
Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

(GLO)- Thời gian qua, huyện Kông Chro đẩy mạnh giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình quản lý, bảo vệ. Nhờ đó, huyện từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Chiến trường xưa lưu dấu

Chiến trường xưa lưu dấu

(GLO)- Ngày 18-4, đoàn cựu chiến binh Ban Liên lạc truyền thông Đại đoàn Đồng Bằng (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) trong chuyến về thăm chiến trường xưa đã tổ chức dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Đức Cơ và Nhà bia chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ.
Giỗ Tổ trong tiết Thanh minh

Giỗ Tổ trong tiết Thanh minh

(GLO)- Dân gian Việt Nam từ xa xưa lưu truyền bài ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba/Khắp miền truyền mãi câu ca/Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.