Bộ Công an sẽ "quản" toàn bộ dịch vụ đòi nợ thuê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an ninh, trật tự đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

 
Công an Hải Phòng trấn áp một nhóm đòi nợ thuê ở Hải Phòng
Công an Hải Phòng trấn áp một nhóm đòi nợ thuê ở Hải Phòng



Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ để lấy ý kiến.

Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nêu rõ Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an ninh, trật tự đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Cụ thể, Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng công an các cấp kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện các quy định tại nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của Chính phủ cho các DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Bộ Công an có trách nhiệm thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với các DN có hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội; tổ chức kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm quy định về an ninh, trật tự trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Đồng thời, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Đây là nội dung mới được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi.

Hiện nay, việc quản lý nhà nước đối với các DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ được thực hiện như sau: đối với DN nhà nước thì bộ chuyên ngành sẽ thực hiện quản lý nhà nước đối với các DN (như Bộ Tài chính đối với các DN bảo hiểm, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC); Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng; Bộ Giao thông Vận tải đối với các DN giao thông, vận tải,...). Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành chế độ tài chính đối với các DN nhà nước.

Đối với các DN khác thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật DN và các văn bản hướng dẫn liên quan; Bộ Tài chính có trách nhiệm giám sát DN thực hiện chính sách thuế.



Nhân viên đòi nợ thuê phải mặc đồng phục, đeo thẻ khi hành nghề

Trong dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi nội dung về điều kiện kinh doanh, bổ sung quy định về trang phục đối với nhân viên đòi nợ.

Theo đó, người lao động của DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi thực hiện các hoạt động đòi nợ phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu của DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi làm việc trực tiếp với chủ nợ hoặc khách nợ hoặc với tổ chức, cá nhân khác liên quan.

Giải trình về lý do bổ sung quy định nêu trên, Bộ Tài chính cho biết theo báo cáo của các địa phương, thời gian qua xảy ra tình trạng DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ tổ chức thành đoàn, tụ tập đông người với trang phục kiểu "xã hội đen, đầu gấu" để đi thu nợ, gây rối tại nơi ở, nơi sản xuất của cá nhân, tổ chức khách nợ... gây tâm lý hoang mang, cản trở kinh doanh, ảnh hưởng đến danh dự, quyền tự do của cá nhân, của tổ chức là khách nợ.

Bộ Tài chính cho rằng kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề kinh doanh khá nhạy cảm, nên việc quy định về trang phục cho người lao động trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ là rất cần thiết để tăng cường sự giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động này thông qua việc nhận diện nhân viên đòi nợ, qua đó hạn chế tình trạng tụ tập, gây rối như nêu trên.

Việc quy định về trang phục còn tạo ra ý thức tuân thủ pháp luật của người lao động trong DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ, hạn chế các vi phạm khi thực hiện đòi nợ, thể hiện sự chuyên nghiệp của người lao động trong DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Theo tờ trình của Bộ Tài chính gửi Chính phủ, do tính chất nhạy cảm của hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nên trên thực tế, hoạt động của các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt còn xảy ra các vi phạm về an ninh, trật tự.

Cụ thể, dịch vụ này sử dụng nhân viên không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; hoạt động không đúng địa chỉ, không đúng nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng còn hạn chế do các doanh nghiệp (DN) thường xuyên không thực hiện báo cáo theo quy định. Bộ Tài chính cũng chỉ rõ một số sai phạm liên quan đến an ninh trật tự như một số công ty đòi nợ có hành vi "khủng bố", nhân viên có cấu kết với các đối tượng xã hội đen bắt cóc, tống tiền để đòi nợ…


 


Minh Chiến (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

 Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

(GLO)- Chiều 22-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội LHPN xã Phú An và Câu lạc bộ tấm lòng vàng thị xã An Khê thực hiện phần việc “trách nhiệm với cộng đồng” và phát động cuộc thi “Phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.
“Nhân lên hạnh phúc cho mọi người”

“Nhân lên hạnh phúc cho mọi người”

(GLO)- Đó là chủ đề của Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3) năm nay. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai Nguyễn Văn Hạnh, mỗi người hãy tự làm cho mình sống hạnh phúc, cùng vun đắp cho gia đình hạnh phúc, xã hội hạnh phúc để có một đất nước hạnh phúc.