Người phụ nữ thiện nguyện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Làm việc thiện phải xuất phát từ tâm, không gượng ép, giúp đỡ được người khó khăn là niềm vui”-đó là tâm niệm để bà Trần Thị Hà-Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) gắn bó với công tác từ thiện nhân đạo trong suốt hàng chục năm qua.

Ngày cuối tuần, chúng tôi theo bà Hà đến thăm 3 chị em mồ côi cha ở thôn 1, xã Nghĩa Hưng. Hành trang mang theo của bà Hà để tặng cho 3 chị em: Phạm Minh Thư (lớp 11, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi), Phạm Minh Ánh (lớp 7, Trường THCS Nghĩa Hưng), Phạm Quốc Trọng (lớp 5, Trường Tiểu học Nghĩa Hưng) là 10 kg gạo và rau củ. Thấy bà Hà đến, 3 chị em chạy ra phụ bê đồ vào nhà rồi đon đả rót nước mời khách.

 Bà Trần Thị Hà-Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh) thăm hỏi, động viên gia đình em Phạm Minh Thư. Ảnh: Minh Nhật
Bà Trần Thị Hà-Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh) thăm hỏi, động viên gia đình em Phạm Minh Thư. Ảnh: Minh Nhật



3 chị em Phạm Minh Thư là “địa chỉ quen thuộc” được bà Hà giúp đỡ gần 1 năm qua. Mẹ đi lấy chồng khác, bố làm thợ xây vất vả để nuôi 3 chị em. Một năm trước, bố bị đột quỵ rồi ra đi mãi mãi, để lại 3 chị em Thư bơ vơ. Thương hoàn cảnh các cháu, bà Hà đứng ra kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ. Ngoài sự hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân, bà Hà nhận giúp đỡ thường xuyên 3 chị em. Hễ nhà hết gạo, thiếu sách vở, áo quần hay phương tiện đi học, chỉ cần nghe điện thoại là bà Hà tìm cách hỗ trợ ngay. Em Thư chia sẻ: “Từ ngày bố em mất, bà Hà trở thành người thân của gia đình. Cuối năm học vừa rồi, bà tặng phần thưởng vì 3 chị em đều có thành tích học tập tốt. Bà luôn động viên chúng em cố gắng học tập để sau này đỡ vất vả. Em biết ơn bà nhiều lắm”.
 

Ông Dương Đình Diện-Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh: Nhiều năm gắn bó với công tác này, bà Hà rất nhiệt tình, năng nổ và luôn được mọi người yêu mến và kính trọng. Bà Hà xứng đáng là tấm gương trong công tác Hội và hoạt động nhân đạo để cán bộ, hội viên học tập và noi theo.

Rời nhà em Thư, bà Hà đến trao tặng gạo cho gia đình bà Nguyễn Thị Liệu (93 tuổi, thôn 1, xã Nghĩa Hưng). Bà cho biết: Căn nhà này do Hội Chữ thập đỏ xã trao tặng vào tháng 9-2021. Chồng bà Liệu mất đã lâu, 3 người con đều lập gia đình nhưng cũng khó khăn nên chẳng đỡ đần mẹ gì nhiều. Hiện bà Liệu sống cùng người con trai đã hơn 50 tuổi mắc bệnh thần kinh. Mọi chi phí sinh hoạt của 2 mẹ con đều dựa vào tiền trợ cấp của Nhà nước. Chính vì thế, Hội Chữ thập đỏ xã đã xây tặng gia đình bà Liệu ngôi nhà mới rộng 38 m2 với tổng kinh phí 67 triệu đồng. Hàng tháng, Hội còn hỗ trợ gia đình 25-30 kg gạo.

Thấy bà Hà đến tặng quà, bà Liệu cầm chặt tay và rối rít cảm ơn. Tâm sự với chúng tôi, bà Liệu nói: “Bà Hà tốt bụng lắm. Nhờ bà ấy kết nối mà mẹ con tôi có nhà mới để ở, có gạo để ăn. Chúng tôi biết ơn bà Hà nhiều lắm”.

11 năm gắn bó với công tác từ thiện nhân đạo, bà Hà đã góp phần đưa công tác Hội Chữ thập đỏ xã Nghĩa Hưng hoạt động ngày một hiệu quả. 4 mô hình “Thùng gạo tình thương” đặt tại cơ sở xay xát do Hội Chữ thập đỏ xã triển khai đã giúp đỡ được nhiều trường hợp khó khăn. Từ năm 2021 đến nay, Hội đã trợ giúp hơn 300 lượt hộ nghèo, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, học sinh nghèo. Hội đã vận động cán bộ, hội viên và người dân đóng góp vật chất, kinh phí giúp đỡ đồng bào miền Trung bị lũ lụt được hơn 80 triệu đồng. Đợt dịch Covid-19 bùng phát, bà Hà đã vận động hội viên và người dân trong xã đóng góp hơn 4 tấn nhu yếu phẩm hỗ trợ các khu cách ly tập trung trên địa bàn huyện.

Với mỗi trường hợp cần giúp đỡ, bà Hà đều tìm hiểu kỹ hoàn cảnh để hỗ trợ đúng người, đúng địa chỉ. Khi nhận được sự hỗ trợ của Mạnh Thường Quân, bà Hà đều đến tận nhà trao từng món quà. Nhiều trường hợp cần sự giúp đỡ khẩn cấp, bà Hà lại tự bỏ tiền túi rồi vận động thêm người thân đóng góp. Chia sẻ về việc làm thiện nguyện, bà Hà cho rằng: “Hỗ trợ đúng người, công khai minh bạch thu chi nên tôi luôn nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của các Mạnh Thường Quân. Ở tuổi 62, tôi không còn nhanh nhẹn như trước nhưng với sự đồng cảm, tôi đều cố gắng để chia sẻ, kết nối nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Gia đình luôn ủng hộ tôi làm công việc thiện nguyện ý nghĩa này”.

Nhờ có “đầu tàu” trách nhiệm, tận tâm mà Hội Chữ thập đỏ xã Nghĩa Hưng luôn là lá cờ đầu, là điển hình trong công tác nhân đạo của huyện, tỉnh nhiều năm liền. Bà Hà được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, huyện khen thưởng. Nhưng phần thưởng lớn nhất đối với bà chính là niềm vui, tình cảm yêu mến của những người từng được bà giúp đỡ. “Khi giúp được ai đó vơi bớt phần nào khó khăn, tôi cảm thấy vui và càng có động lực để tiếp tục hoạt động nhân đạo mà mình đã gắn bó 11 năm qua”-bà Hà bày tỏ.

 

 MINH NHẬT

Có thể bạn quan tâm

Chung tay hỗ trợ làng đặc biệt khó khăn Plei Hlốp

Chung tay hỗ trợ làng đặc biệt khó khăn Plei Hlốp

(GLO)- Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 5-12-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về tăng cường công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số, Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) vừa tổ chức kết nghĩa với làng Plei Hlốp.
“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

(GLO)- Nhà nghèo, nuôi 3 con nhỏ, lại thêm người chồng đột nhiên bị mù cả 2 mắt nên gánh nặng cơm áo hàng ngày càng đè lên đôi vai gầy của chị Rơ Châm Thủy (SN 1984, trú tại làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
602 phần quà tặng người nghèo, người khuyết tật huyện Krông Pa, Đak Đoa và Đak Pơ

602 phần quà tặng người nghèo, người khuyết tật huyện Krông Pa, Đak Đoa và Đak Pơ

(GLO)- Ngày 16 và 17-3, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các huyện: Krông Pa, Đak Đoa, Đak Pơ và Đoàn từ thiện Phước Huệ (phường 15, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh) tặng quà cho người dân tộc thiểu số nghèo, bệnh nhân phong, người khuyết tật tại địa phương.