Kết nối những tấm lòng thiện nguyện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thông qua quan hệ bạn bè và bằng uy tín cá nhân, họ đã kết nối những tấm lòng thiện nguyện đến với nhiều vùng đất và hoàn cảnh khó khăn, để rồi những câu chuyện đẹp về tình người cứ thế lan tỏa.
1. Khoảng 4 năm trở lại đây, khi 2 người con học hành ra trường, có việc làm ổn định, ông Nguyễn Đăng Sơn (63 tuổi, 157 Phan Đình Phùng, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) dành phần lớn thời gian vui thú điền viên và kết nối với những người bạn ở các tỉnh phía Nam để làm từ thiện. Chia sẻ về điều này, ông bộc bạch: “Những năm tháng chiến tranh, bản thân tôi cũng như bạn bè nhiều lần đói khát, chạy tán loạn trên đường đến trường vì bom rơi, đạn lạc. Do đó, khi về các làng vùng sâu, vùng xa, nhìn những đứa trẻ đầu trần, chân đất, áo quần lấm lem đến trường là tôi lại muốn làm gì đó”. Nơi mà ông hướng đến là mảnh đất mình đang sinh sống và quê nhà Thanh Hóa. Điều kiện kinh tế bản thân cũng chưa khá giả nên muốn giúp nhiều người sẽ khó, vì vậy, ông đứng ra kêu gọi bạn bè cùng chung tay, nhất là những người bạn từng gắn bó trong khoảng 10 năm (1979-1989) làm chuyên gia giúp nước bạn Campuchia.

Chia sẻ về kinh nghiệm kêu gọi từ thiện, ông bộc bạch: “Về các làng vùng sâu, vùng xa, tôi nghe những câu chuyện, chứng kiến những cảnh đời, sau đó trao đổi với chính quyền địa phương để hiểu hơn về cuộc sống của họ. Tôi gửi hình ảnh cho bạn bè nhờ chia sẻ, giúp đỡ”. Ông chỉ kết nối chứ không tiếp nhận. Vì vậy, với tỉnh Thanh Hóa, ông liên hệ để các đoàn từ thiện trực tiếp đến địa phương trao quà. Riêng tại huyện Chư Prông, khi các đoàn từ thiện tới thì nhà ông là nơi dừng chân để mọi người nghỉ ngơi, tập kết hàng hóa và phân chia các phần quà. Sau đó, ông trực tiếp dẫn đoàn đến địa chỉ cần giúp đỡ và trao thêm quà của cá nhân. 4 năm qua, số tiền, quà mà ông kết nối các đoàn từ thiện trao đến những địa phương, gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở 2 tỉnh lên đến hơn 1 tỷ đồng. Khi ông kêu gọi bạn bè hỗ trợ máy lọc nước, máy tính, lúc lại là những phần quà trong những dịp lễ, Tết. 

ông Nguyễn Đăng Sơn trong chuyến từ thiện tại Ia Lâu đợt Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021
Ông Nguyễn Đăng Sơn (157 Phan Đình Phùng, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) trong chuyến từ thiện tại xã Ia Lâu (huyện Chư Prông) đợt Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Ảnh: Phương Dung
Riêng tại huyện Chư Prông, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ông đã kết nối với Công đoàn Báo chí phía Nam và các Mạnh Thường Quân tổ chức thăm hỏi, tặng hơn 200 phần quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở 2 xã: Ia Lâu, Ia Băng. Dự kiến trong tháng 6 này, ông sẽ kết nối để đoàn y-bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 về khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho khoảng 700 người dân các xã: Ia Lâu, Ia Tôr, Ia Băng và tặng 300-500 suất quà cho học sinh xã Ia Pia.
Ông Đào Văn Huân-Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Chư Prông-nhận xét: “Hội Chữ thập đỏ huyện ghi nhận tấm lòng vàng của ông Sơn. Hiện tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện vẫn khá cao nên rất cần những tấm lòng nhân đạo, những con người kết nối cộng đồng như ông Sơn”.
2. Bốn năm cũng là khoảng thời gian chị Trương Ngọc Oanh (phường Ia Kring, TP. Pleiku) cùng bạn bè của mình trở thành nhịp cầu kêu gọi, kết nối những tấm lòng thiện nguyện khắp nơi đến với Gia Lai. Thời gian đầu, việc kết nối của chị chỉ đơn thuần là đưa những chuyến xe chở hàng ngàn suất quà từ thiện của các Mạnh Thường Quân từ TP. Hồ Chí Minh đến với các làng vùng sâu, vùng xa ở huyện Kbang. Về sau, tùy từng địa phương, những hoàn cảnh sau khi khảo sát thực tế, chị cùng bạn bè xây dựng kế hoạch cụ thể để những chuyến từ thiện quy mô lớn hơn. Thay vì tặng quà, chị tư vấn để các Mạnh Thường Quân đầu tư làm cầu, xây nhà, đào giếng, xây lớp học…
Công trình cầu ở xã Ia Blang, huyện Chư Sê do chị Trương Ngọc Oanh (phường Ia Kring, TP. Pleiku) và bạn bè kết nối với các Mạnh Thường Quân để xây dựng. Ảnh: Phương Dung
Công trình cầu ở xã Ia Blang, huyện Chư Sê do chị Trương Ngọc Oanh (phường Ia Kring, TP. Pleiku) và bạn bè kết nối với các Mạnh Thường Quân để xây dựng. Ảnh: Phương Dung
Chị Oanh chia sẻ: “Việc đầu tiên của người kết nối từ thiện là phải mắt thấy, tai nghe. Có thể mình nghe ở làng đó cần xây 1 cây cầu, cần làm 1 ngôi nhà nhưng để chắc chắn thì phải xuống tận nơi, khảo sát thực tế và nếu có thì tính toán chi phí, sau đó mới trao đổi lại với các nhà hảo tâm”. Sở dĩ luôn phải cẩn trọng là bởi chị quan niệm: Mình chỉ là người đại diện, được các Mạnh Thường Quân tin tưởng, gửi gắm nên phải làm đến nơi đến chốn. Làm sao để số tiền, quà mà các Mạnh Thường Quân trao gửi phải được sử dụng đúng mục đích, đối tượng, phát huy hiệu quả. Quan điểm của chị cũng rất rõ ràng, chỉ là người kết nối chứ không tiếp nhận. Từ việc đứng ra kêu gọi, kết nối, giờ đây, việc làm của chị và nhóm bạn đã tạo sức lan tỏa với việc nhiều bạn bè giới thiệu, nhiều Mạnh Thường Quân gửi gắm. Do đó, số tiền mỗi năm chị kết nối để các Mạnh Thường Quân ở các nơi làm từ thiện tại địa phương lên đến hàng trăm triệu đồng.
Trải lòng về việc trở thành người kết nối những chuyến từ thiện, chị Oanh bộc bạch: “Khi mình gặp một vài biến cố thì nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ của bạn bè, thậm chí là người xa lạ. Từ đó, mình nhận ra nếu có thể chia sẻ được gì với những người xung quanh thì nên làm”.
PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm

Chung tay hỗ trợ làng đặc biệt khó khăn Plei Hlốp

Chung tay hỗ trợ làng đặc biệt khó khăn Plei Hlốp

(GLO)- Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 5-12-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về tăng cường công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số, Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) vừa tổ chức kết nghĩa với làng Plei Hlốp.
“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

(GLO)- Nhà nghèo, nuôi 3 con nhỏ, lại thêm người chồng đột nhiên bị mù cả 2 mắt nên gánh nặng cơm áo hàng ngày càng đè lên đôi vai gầy của chị Rơ Châm Thủy (SN 1984, trú tại làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
602 phần quà tặng người nghèo, người khuyết tật huyện Krông Pa, Đak Đoa và Đak Pơ

602 phần quà tặng người nghèo, người khuyết tật huyện Krông Pa, Đak Đoa và Đak Pơ

(GLO)- Ngày 16 và 17-3, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các huyện: Krông Pa, Đak Đoa, Đak Pơ và Đoàn từ thiện Phước Huệ (phường 15, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh) tặng quà cho người dân tộc thiểu số nghèo, bệnh nhân phong, người khuyết tật tại địa phương.