Những tấm lòng thiện nguyện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với phương châm “Phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật”, thời gian qua, nhiều tăng ni, phật tử trên địa bàn tỉnh quan tâm hưởng ứng các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội.

TỪ XÂY CẦU,  TẶNG QUÀ...

Phường Chi Lăng (TP. Pleiku) hiện còn nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn. Những năm qua, chùa Minh Quang đã thường xuyên tổ chức tặng quà cho các hộ nghèo trên địa bàn. Mỗi đợt từ thiện thường có giá trị đến vài chục triệu đồng, trích từ nguồn ủng hộ của tăng ni, phật tử. Đặc biệt, cuối năm 2017, chùa Minh Quang còn vận động nguồn kinh phí tài trợ xây dựng cầu dân sinh. Cây cầu đúc bê tông cốt thép dài 5 m và rộng 4 m. Bà Đoàn Thị Bích Ngọc-Bí thư Đảng ủy phường Chi Lăng-cho biết: “Việc chùa Minh Quang hỗ trợ xây dựng cầu dân sinh đã góp phần giảm bớt khó khăn trong đi lại và sinh hoạt cho người dân. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao việc làm này của nhà chùa”.

Khánh thành công trình từ thiện cầu dân sinh tại phường Chi Lăng.
Khánh thành công trình từ thiện cầu dân sinh tại phường Chi Lăng (TP. Pleiku).  Ảnh: Thanh Nhật



Vào dịp Tết Nguyên đán cũng như các kỳ lễ trọng của Phật giáo, tịnh xá Ngọc Phúc và các chùa: Bửu Nghiêm, Bửu Thắng, Bửu Châu, Vạn Phật… đã tặng hàng ngàn suất quà cho hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Nguyện-Trưởng ban Từ thiện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh-cho hay: “Ban Từ thiện thường xuyên tìm nguồn lực hỗ trợ, vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tham gia giúp người nghèo, người neo đơn và tàn tật, cứu trợ đồng bào vùng bị thiên tai bão lụt, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa về lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh… Tổng trị giá hoạt động từ thiện mỗi năm từ 5 tỷ đồng trở lên”.

Cũng theo Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Nguyện: Năm 2019, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh thực hiện công tác từ thiện với tổng trị giá hơn 11,6 tỷ đồng. Trong đó, riêng các đơn vị thuộc Phân ban Ni giới tỉnh đã tổ chức tặng quà giúp người nghèo, neo đơn, tàn tật, cứu trợ đồng bào vùng sâu, vùng xa tổng trị giá hơn 2,2 tỷ đồng.

Khám chữa bệnh từ thiện tại Tuê Tĩnh đường Chùa Bảo Sơn. Ảnh: Thanh Nhật
Khám chữa bệnh từ thiện tại Tuê Tĩnh đường Chùa Bảo Sơn. Ảnh: Thanh Nhật



Chị Nguyễn Thị Hải rất tích cực tham gia hoạt động từ thiện tại tịnh xá Ngọc Phúc, đồng thời là nhóm trưởng nhóm từ thiện Từ Tâm Gia Lai. Nhóm chị Hải có 30 người chủ yếu sống ở Pleiku, đã duy trì hoạt động được 7 năm, bình quân mỗi năm tổ chức các hoạt động trợ giúp từ thiện trị giá hơn 1 tỷ đồng. Mỗi tháng, nhóm tổ chức phát quà từ thiện cho 60 hộ khó khăn trong tỉnh (mỗi suất trị giá 300 ngàn đồng) từ nguồn hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân.

ĐẾN KHÁM BỆNH, NUÔI TRẺ MỒ CÔI

Nhiều năm nay, chùa Bửu Sơn (TP. Pleiku) vẫn duy trì cơ sở chữa bệnh từ thiện Tuệ Tĩnh đường do ni sư Thích Nữ Minh Chánh trực tiếp đảm nhiệm. Từng có quá trình 15 năm học tập, làm việc và chữa bệnh tại TP. Hồ Chí Minh, ni sư Thích Nữ Minh Chánh học hỏi nhiều kinh nghiệm chữa bệnh bằng Đông y, chủ yếu là thuốc Nam và châm cứu. Năm 2006, ni sư được Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Nguyện mời về Pleiku để xây dựng phòng khám-chữa bệnh từ thiện.

  Ni sư Thích Nữ Minh Nguyên-trụ trì chùa Bửu Châu (TP. Pleiku) nhận nuôi dưỡng nhiều trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Ảnh: T.N
Ni sư Thích Nữ Minh Nguyên-trụ trì chùa Bửu Châu (TP. Pleiku) nhận nuôi dưỡng nhiều trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Ảnh: T.N



Hơn 10 năm miệt mài chữa bệnh cho người nghèo, ni sư Thích Nữ Minh Chánh đã thăm mạch, bốc thuốc điều trị bệnh, kết hợp châm cứu miễn phí cho hàng ngàn lượt bệnh nhân. Tại đây, bệnh nhân còn được hướng dẫn tập dưỡng sinh, cách ăn uống thanh đạm, hình thành lối sống tích cực và cốt yếu là tâm hướng thiện để có kết quả điều trị tốt nhất. Ông Nguyễn Ngữ-Chủ tịch Hội Đông y tỉnh-nhận xét: “Ngoài ý nghĩa từ thiện nhân đạo chữa bệnh cứu người, ni sư Thích Nữ Minh Chánh cùng Tuệ Tĩnh đường đã góp phần vào sự phát triển của nền y học cổ truyền của tỉnh nhà”.

Một địa chỉ cưu mang và dưỡng dục nhiều trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ vị thành niên có hoàn cảnh cơ nhỡ, không nơi nương tựa trên địa bàn TP. Pleiku là chùa Bửu Châu. Đến nay, nhà chùa đã cưu mang gần 100 trường hợp. Ni sư Thích Nữ Minh Nguyên-trụ trì chùa Bửu Châu-chia sẻ: “Dẫu biết khó khăn, vất vả nhưng với tình thương yêu con người, nhà chùa luôn mở rộng từ tâm thiện nguyện, cố gắng nuôi dưỡng các cháu trưởng thành”.

THANH NHẬT

Có thể bạn quan tâm

Chung tay hỗ trợ làng đặc biệt khó khăn Plei Hlốp

Chung tay hỗ trợ làng đặc biệt khó khăn Plei Hlốp

(GLO)- Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 5-12-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về tăng cường công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số, Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) vừa tổ chức kết nghĩa với làng Plei Hlốp.
“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

(GLO)- Nhà nghèo, nuôi 3 con nhỏ, lại thêm người chồng đột nhiên bị mù cả 2 mắt nên gánh nặng cơm áo hàng ngày càng đè lên đôi vai gầy của chị Rơ Châm Thủy (SN 1984, trú tại làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).
602 phần quà tặng người nghèo, người khuyết tật huyện Krông Pa, Đak Đoa và Đak Pơ

602 phần quà tặng người nghèo, người khuyết tật huyện Krông Pa, Đak Đoa và Đak Pơ

(GLO)- Ngày 16 và 17-3, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các huyện: Krông Pa, Đak Đoa, Đak Pơ và Đoàn từ thiện Phước Huệ (phường 15, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh) tặng quà cho người dân tộc thiểu số nghèo, bệnh nhân phong, người khuyết tật tại địa phương.