Sóng gió ập xuống gia đình nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hơn 1 năm nay, ông Nguyễn Ngọc Cần (tổ 4, phường Ngô Mây, thị xã An Khê) đổ bệnh thành người tàn phế. Bà Thạch Thị Nga-vợ ông-ráng vượt qua những cơn co rút, đau buốt của bệnh thấp khớp để chăm sóc chồng. Nỗi khổ chưa nguôi ngoai thì người con trai thứ hai-Nguyễn Ngọc Nghĩa-nghĩ quẩn uống thuốc cỏ tự tử. Liên tiếp sóng gió ập xuống khiến gia đình đã nghèo khó nay càng cơ cực, người con trai út Nguyễn Ngọc Tình đang học lớp 7 có nguy cơ phải nghỉ học.
Trong căn nhà lụp xụp, trống trải, ông Cần ngồi lặng lẽ, lâu lâu lại nhìn lên bàn thờ con. Nén hơi thở dài, bà Nga buồn rầu cho biết: Gia đình đang chuẩn bị cúng 100 ngày mất của Nghĩa. Nghe nhắc tới Nghĩa, ông Cần ú ớ, khóc nức nở, bà Nga cũng không ngăn được dòng nước mắt lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ, sạm nắng. 
  Bà Nga chăm sóc ông Cần. Ảnh: N.M
Bà Nga chăm sóc ông Cần. Ảnh: N.M
Vừa lau nước mắt cho chồng, bà Nga vừa nghẹn ngào kể: Vợ chồng bà đều sinh ra trong gia đình nghèo khó. Đầu năm 2001, khi đã ngoài 30 tuổi (ông Cần và bà Nga đều sinh năm 1970), hai người mới nên nghĩa vợ chồng và sinh được 3 người con: Nguyễn Ngọc Trí (SN 2001), Nguyễn Ngọc Nghĩa (SN 2002) và Nguyễn Ngọc Tình (SN 2004). Do  không có nghề nghiệp ổn định, không ruộng rẫy, lại phải đi thuê nhà để ở  nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Hàng ngày, ông Cần đi làm thợ hồ, còn bà Nga vừa chăm sóc các con vừa tranh thủ rửa bát thuê kiếm tiền phụ chồng nuôi con. “Để giảm gánh nặng chi trả tiền thuê nhà, năm 2007, vợ chồng tôi xin dựng tạm ngôi nhà nứa lá trên mảnh đất của người thân làm nơi ở. Năm 2009, ngôi nhà bị giông bão đánh sập tan hoang. Trước cảnh đó, hàng xóm, người thân đã hỗ trợ vật liệu xây dựng lên căn nhà như hiện nay”-bà Nga cho hay.
Cuộc sống của gia đình bà Nga trở nên cơ cực hơn khi ông Cần đột nhiên lâm bệnh. Bà Nga kể: Hồi tháng 2-2018, một hôm đột nhiên ông Cần kêu đau đầu, choáng váng, rồi khuỵu xuống, miệng méo xệch về một bên. Ngay lập tức, gia đình đưa ông đi cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán ông Cần bị tai biến mạch máu não. Hơn 6 tháng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), ông Cần đã qua cơn nguy kịch, nhưng để lại di chứng khi bị liệt nửa người bên trái, không kiểm soát được hành vi đại, tiểu tiện. “Từ đó đến nay, tháng nào gia đình cũng đưa ông ấy đi điều trị từ 7 đến 10 ngày tại Bệnh viện Đa khoa khu vực thị xã An Khê. Ngoài được hưởng chế độ bảo hiểm y tế đối với hộ nghèo, hàng tháng  tôi còn mua thuốc chữa trị cho chồng hết gần 2 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này và những chi phí sinh hoạt gia đình đều trông cậy vào sự trợ giúp của bà con lối xóm, các nhà hảo tâm”-bà Nga bộc bạch.
Nỗi cơ cực, bất hạnh lại thêm chồng chất khi cuối tháng 11-2018, Nghĩa nghĩ quẩn, dại dột tự kết liễu đời mình bằng thuốc diệt cỏ. Giải thích cho hành động của con, bà Nga cho rằng, từ ngày ông Cần lâm trọng bệnh, bà quanh quẩn chăm sóc chồng không còn thời gian đi làm nên cuộc sống vô cùng bí bách. Lúc này, Nghĩa đang học nghề tại một xưởng ô tô bèn xin nghỉ để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Sau hơn 1 tuần đi kiếm việc nhưng không nơi nào nhận, Nghĩa sinh buồn chán, dẫn đến cái chết thương tâm. Người con trai đầu cũng xin thôi không vừa học vừa làm để vào TP. Hồ Chí Minh tìm việc, còn Tình đang học lớp 7 Trường THCS Trưng Vương (phường An Tân, thị xã An Khê) cũng xin nghỉ ở nhà giúp mẹ chăm cha.
Chỉ vào đôi đầu gối sưng nổi cục, bà Nga sụt sùi: “Hơn 1 tháng nay, bệnh thấp khớp tái phát đau buốt khiến tôi không sao ngủ được, đi lại rất khó khăn, mà không có tiền mua thuốc uống. Khoản vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã An Khê sắp đến ngày trả. Số tiền gần 50 triệu đồng của bà con cho vay mượn để chữa chạy cho chồng, tôi cũng chưa biết phải làm sao...”.
Thông tin từ UBND phường Ngô Mây cho biết, sau khi ông Cần lâm trọng bệnh, rồi mắc di chứng trở thành người tàn tật, phường đã xem xét hồ sơ khuyết tật để ông được hưởng trợ cấp hàng tháng 540 ngàn đồng và đang hướng dẫn bà Nga làm hồ sơ hưởng tiền chăm sóc là 270 ngàn đồng/tháng.
Hiện gia đình bà Nga rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức. Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ xin liên hệ số điện thoại: 0362193069 (số điện thoại của bà Nga); hoặc gửi về Báo Gia Lai, 2A Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku (liên hệ chị Lệ Hằng-Phó Trưởng phòng Bạn đọc-Báo ảnh-Tư liệu Báo Gia Lai, số điện thoại: 0943065095).
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

(GLO)- Hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) với thông điệp "Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", nhiều người dân ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tham gia HMTN. Việc làm của họ đã góp phần đáp ứng nhu cầu máu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.

Chung tay hỗ trợ làng đặc biệt khó khăn Plei Hlốp

Chung tay hỗ trợ làng đặc biệt khó khăn Plei Hlốp

(GLO)- Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 5-12-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về tăng cường công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số, Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) vừa tổ chức kết nghĩa với làng Plei Hlốp.
“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

(GLO)- Nhà nghèo, nuôi 3 con nhỏ, lại thêm người chồng đột nhiên bị mù cả 2 mắt nên gánh nặng cơm áo hàng ngày càng đè lên đôi vai gầy của chị Rơ Châm Thủy (SN 1984, trú tại làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).
Chị Nguyễn Thị Tâm (bìa trái) cẩn thận đóng hũ từng suất ăn sáng trước khi phát cho bệnh nhân. Ảnh: Vũ Chi

“Bữa sáng yêu thương” ở Trung tâm Y tế huyện Ia Pa

(GLO)- 7 năm gắn bó với công tác thiện nguyện, điều dưỡng Nguyễn Thị Tâm (Phòng Điều dưỡng-Trung tâm Y tế huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đã nấu hàng ngàn suất ăn sáng cho bệnh nhân nghèo với mong muốn tiếp thêm động lực để người bệnh vượt qua khó khăn, yên tâm điều trị bệnh.
602 phần quà tặng người nghèo, người khuyết tật huyện Krông Pa, Đak Đoa và Đak Pơ

602 phần quà tặng người nghèo, người khuyết tật huyện Krông Pa, Đak Đoa và Đak Pơ

(GLO)- Ngày 16 và 17-3, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các huyện: Krông Pa, Đak Đoa, Đak Pơ và Đoàn từ thiện Phước Huệ (phường 15, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh) tặng quà cho người dân tộc thiểu số nghèo, bệnh nhân phong, người khuyết tật tại địa phương.