Hội Khuyến học tiếp sức học sinh đến trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Qua 22 năm, hoạt động khuyến học, khuyến tài của Hội Khuyến học Việt Nam đã trở thành phong trào ý nghĩa được nhân rộng. Tại tỉnh Gia Lai, hàng ngàn học sinh nghèo vượt khó, học sinh gia đình chính sách đã được các cấp hội khuyến học tiếp sức đến trường bằng nhiều hình thức thiết thực, kịp thời.
“Ngân hàng xe đạp” cho học sinh nghèo
Rơ Lan Dõa và HLen (lớp 6A2, Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Du, xã Dun, huyện Chư Sê, Gia Lai) là những học sinh từng phải nghỉ học vì nhà xa. Khi biết hoàn cảnh gia đình của 2 em, Hội Khuyến học xã Dun đã tặng ngay 2 chiếc xe đạp tuy cũ nhưng còn sử dụng tốt để Dõa, HLen kịp thời trở lại trường. Từ ngày có xe đạp, 2 em đi học chuyên cần, ý thức học tập tốt hơn. Ông Nguyễn Xuân Tảo-Chủ tịch Hội Khuyến học xã Dun-cho biết: “Theo kế hoạch, cuối tháng 9 chúng tôi mới tổ chức tặng 30 chiếc xe đạp cũ cho học sinh Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Du. Tuy nhiên, khi biết hoàn cảnh của cháu Dõa và HLen, chúng tôi đã quyết định tặng trước để các cháu kịp thời tới trường”.
  Ông Nguyễn Xuân Tảo (bìa trái)-Chủ tịch Hội Khuyến học xã Dun, huyện Chư Sê-kiểm tra lại xe đạp trước khi tặng học sinh nghèo.               Ảnh: N.G
Ông Nguyễn Xuân Tảo (bìa trái)-Chủ tịch Hội Khuyến học xã Dun, huyện Chư Sê-kiểm tra lại xe đạp trước khi tặng học sinh nghèo. Ảnh: N.G
Những chiếc xe đạp cũ mà học sinh Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Du nhận được đến từ “Ngân hàng xe đạp” của Hội Khuyến học xã Dun, một mô hình khuyến học, khuyến tài dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Năm học 2018-2019 là năm đầu tiên Hội Khuyến học xã Dun xây dựng mô hình này bằng hình thức vận động, quyên góp xe đạp cũ trên địa bàn huyện. “Sau đó, chúng tôi trích quỹ khuyến học để sửa chữa và tặng lại cho học sinh khó khăn trên địa bàn xã. Đến nay, chúng tôi đã quyên góp được 30 chiếc và mục tiêu là đến cuối năm nay “Ngân hàng xe đạp” sẽ huy động được 200 chiếc”-ông Nguyễn Xuân Tảo cho biết thêm. Không chỉ dành tặng con em trong xã, Hội Khuyến học xã Dun còn có kế hoạch chia sẻ xe đạp cho các Hội bạn để nhân rộng mô hình ý nghĩa này trên địa bàn huyện Chư Sê.
“Ngân hàng xe đạp” cũng là mô hình được xã Chrôh Pơnan (huyện Phú Thiện) xây dựng từ năm 2017. Đến nay, hơn 20 chiếc xe đạp tại đây được duy trì bằng hình thức cho mượn. Sau một năm học, các em được mượn xe sẽ trả lại cho Hội Khuyến học xã để sửa chữa, bảo quản trong hè và tiếp tục cho mượn vào năm học sau. Bà Vũ Thị Lý-Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Phú Thiện-đánh giá: “Một chiếc xe đạp cũ không có giá trị lớn về mặt vật chất nhưng nó là cơ hội lớn cho các em đến trường. Tôi thấy đây là một mô hình thiết thực, hiệu quả với học sinh vùng khó khăn”.
Nhiều việc làm ý nghĩa
Bên cạnh “Ngân hàng xe đạp”, Hội Khuyến học các cấp đã tích cực vận động, xây dựng quỹ khuyến học với mục đích tiếp sức học sinh nghèo đến trường. Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội trên toàn tỉnh đã vận động các lực lượng xã hội đóng góp xây dựng quỹ với số tiền hơn 6 tỷ đồng, từ đó đã trao gần 9.500 suất học bổng và nhiều phần quà như xe đạp, sách vở, quần áo mới, dụng cụ học tập có giá trị hơn 3 tỷ đồng. “Bằng tâm huyết và lòng nhiệt tình, cán bộ Hội các cấp đã vượt qua nhiều khó khăn để vận động quỹ, trao học bổng cho học sinh khó khăn nhân dịp khai giảng, tổng kết năm học, Tết Nguyên đán... Mỗi năm có hàng trăm học sinh trong diện hỗ trợ được hưởng lợi, giúp các em có thêm điểm tựa để đến trường. Với chúng tôi, đây là động lực để làm tốt hơn công tác khuyến học, khuyến tài, giúp các em cơ hội được học tập”-ông Nguyễn Trường Thanh-Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, nói.
Theo thống kê, đến tháng 5-2018, toàn tỉnh có trên 72% gia đình; gần 56% dòng họ; 76,8 cộng đồng thôn, xóm; gần 72% đơn vị được công nhận đạt các tiêu chí về mô hình học tập theo quy định. Theo ông Nguyễn Trường Thanh, Hội Khuyến học các cấp đã góp phần quan trọng trong xây dựng và phát triển phong trào “Xã hội học tập”, “Dòng họ học tập”, “Gia đình học tập” tại các địa phương. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 1.000 gia đình; 235 dòng họ; 662 cộng đồng thôn, xóm; hơn 400 đơn vị trường học đăng ký tham gia xây dựng các mô hình học tập. Đến nay, tổng số hội viên Hội Khuyến học tỉnh đã lên 173 ngàn người.
Đánh giá về vai trò của Hội Khuyến học tỉnh, ông Phạm Văn Căn-Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo-nói: “Nhờ hoạt động tích cực của các cấp Hội Khuyến học, nhiều đơn vị vùng khó khăn, nhiều học sinh nghèo đã được hỗ trợ kịp thời. Hoạt động này đã góp phần quan trọng vào việc chăm sóc, giúp đỡ, vận động học sinh đến trường và duy trì sĩ số học sinh”.
Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm

Chung tay hỗ trợ làng đặc biệt khó khăn Plei Hlốp

Chung tay hỗ trợ làng đặc biệt khó khăn Plei Hlốp

(GLO)- Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 5-12-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về tăng cường công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số, Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) vừa tổ chức kết nghĩa với làng Plei Hlốp.
“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

(GLO)- Nhà nghèo, nuôi 3 con nhỏ, lại thêm người chồng đột nhiên bị mù cả 2 mắt nên gánh nặng cơm áo hàng ngày càng đè lên đôi vai gầy của chị Rơ Châm Thủy (SN 1984, trú tại làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).
602 phần quà tặng người nghèo, người khuyết tật huyện Krông Pa, Đak Đoa và Đak Pơ

602 phần quà tặng người nghèo, người khuyết tật huyện Krông Pa, Đak Đoa và Đak Pơ

(GLO)- Ngày 16 và 17-3, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các huyện: Krông Pa, Đak Đoa, Đak Pơ và Đoàn từ thiện Phước Huệ (phường 15, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh) tặng quà cho người dân tộc thiểu số nghèo, bệnh nhân phong, người khuyết tật tại địa phương.